Khoảng một thập niên trở lại đây, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến vượt bậc và tầm ảnh hưởng của nước này ngày càng tăng lên cả về mặt chính trị cũng như kinh tế. Trung Quốc đang từng bước mở cửa thị trường vốn và các chuyên gia kinh tế đã bắt đầu tìm hiểu tác động của xu hướng này đối với kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu giảm thiểu vai trò của hoạt động đầu tư đối với nền kinh tế nội địa, lượng tiền mà người Trung Quốc tiết kiệm được (vào khoảng 21.000 tỷ USD) sẽ được sử dụng để đầu tư ra nước ngoài. Dòng chảy vốn ra nước ngoài sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn vì Thủ tướng Lý Khắc Cường đang từng bước nới lỏng các quy định kiểm soát dòng vốn.
Một số chuyên gia cho rằng hiện tượng này sẽ đem đến những tác động có quy mô tương tự như những gì Trung Quốc đã làm với hệ thống thương mại toàn cầu khi gia nhập WTO năm 2001. Trung Quốc đã khiến hàng hóa giá rẻ tràn ngập thế giới, nâng cao sức mua của các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Một số tác động khá dễ đoán: các tờ giấy bạc có in hình Mao Trạch Đông sẽ xuất hiện nhiều hơn cùng với quá trình quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ; các ông lớn ngân hàng Trung Quốc sẽ có mặt trong các tòa nhà chọc trời ở New York, London và Tokyo để sánh vai với các thương hiệu từ Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản; từ California tới Sydney hay Đông Nam Á, giá nhà đất sẽ tăng mạnh nhờ nhu cầu của các khách hàng Trung Quốc.
Bên cạnh đó là những tác động khó có thể cân đo đong đếm chính xác. Nhà đầu tư quốc tế (trong đó có các quỹ hưu trí cho tới nay mới chỉ bước được một chân vào thị trường Trung Quốc), sẽ ồ ạt rót tiền.
“Thời kỳ sắp tới sẽ được đánh dấu bằng sự chuyển dịch của Trung Quốc từ vị thế là một nước nhập khẩu vốn ròng sang một trong những nước xuất khẩu vốn lớn nhất thế giới”, Charles Li – CEO của trung tâm lưu ký chứng khoán Hồng Kông – mới đây đã đưa ra nhận định này trên blog cá nhân.
Theo Bloomberg Intelligence, việc Trung Quốc đã, đang và sẽ mở cửa cán cân vốn cũng sẽ thúc đẩy hoạt động giao dịch hàng hóa bằng đồng nhân dân tệ, qua đó tăng cường khả năng chi phối gia của Trung Quốc.
Giống như khi Trung Quốc gia nhập WTO và kéo theo hàng loạt rào cản được dỡ bỏ trước năm 2001, mấy năm gần đây các nhà hoạch định chính sách của nước này đã nới lỏng các giới hạn về tiền tệ, dòng tiền và lãi suất. Năm 2015 càng trở nên quan trọng hơn khi Quỹ tiền tệ quốc tế sẽ đánh giá lại giỏ tiền tệ dự trữ (được thực hiện 5 năm 1 lần). Trung Quốc muốn nhân dân tệ lọt vào giỏ này và đang ra sức thực hiện cải cách để đạt được mục tiêu.
Một trong những nỗ lực mới nhất của Trung Quốc là thành lập 5 trung tâm giao dịch nhân dân tệ ở nước ngoài, triển khai kết nối giữa hai sàn chứng khoán Thượng Hải – Hồng Kông và nâng biên độ giao dịch của nhân dân tệ so với USD. Trung Quốc cũng cam kết xóa bỏ trần lãi suất huy động.
Việc Trung Quốc gia nhập thị trường vốn quốc tế là sự kiện chưa từng có tiền lệ vì đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đồng thời có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất nhưng vẫn có tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp.
Đã có những dấu hiệu đầu tiên về xu hướng mà các chuyên gia kinh tế nêu lên. Người Trung Quốc đã vượt qua Canada để trở thành nhóm khách ngoại quốc mua nhà ở Mỹ nhiều nhất (xét theo tổng giá trị các giao dịch).
Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang tăng tốc. Bank of Communications, ngân hàng lớn thứ 5 Trung Quốc, đang triển khai thương vụ thâu tóm đầu tiên ở nước ngoài trong khi China Construction Bank có kế hoạch mở chi nhánh ở châu Âu, Đông Nam Á và châu Phi.
Cộng đồng quốc tế đang theo dõi xu hướng này sát sao. Phát biểu sau cuộc họp mới đây giữa các quan chức Mỹ và châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết Mỹ muốn tiếp cận sâu hơn với các doanh nghiệp tài chính của Trung Quốc.
Theo: Trí thức trẻ/Bloomberg