|
Máy bay tác chiến điện tử EA-18G của Quân đội Australia được chể tạo. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc. |
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 26/8 dẫn tờ The National Interest Mỹ ngày 24/8 cho rằng hiện nay Trung quốc và Mỹ đang bày binh bố trận, tiến hành chạy đua về quang phổ điện từ ở Biển Đông, đồng thời mở rộng nó tới biển Hoa Đông.
Vào đầu tháng 8/2016, báo chí Trung Quốc đã mô tả một cuộc đối kháng trong thời gian diễn tập hải quân của họ: "Chiến tranh thông tin trên biển có đặc điểm rõ rệt là tính bất ngờ, tính tàn khốc, đánh nhanh thắng nhanh".
Cuộc diễn tập được tiến hành ở biển Hoa Đông nhằm tăng cường khả năng "đánh mạnh, đánh chuẩn, đánh ổn định, đánh nhanh" cho quân đội trong môi trường tác chiến điện tử (điện từ) phức tạp.
Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có một đặc trưng mang tính quyết định, đó chính là lắp đặt (bất hợp pháp) thiết bị radar ở phần lớn các đảo đá ở khu vực này.
Trung Quốc tiến hành lắp đặt các radar như vậy nhằm đạt được các mục đích khác nhau, có một số radar có mục đích "kép" - chẳng hạn một số radar bố trí (phi pháp) trên đá Chữ Thập và đá Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) sẽ dùng để hỗ trợ cho máy bay cất cánh từ các đường băng trên đảo đá để thực hiện "nhiệm vụ".
Tuy nhiên, về tổng thể, những radar này giúp cho phạm vi do thám khu vực theo thời gian thực ở vùng biển rộng lớn Biển Đông của Quân đội Trung Quốc được mở rộng rất lớn, tăng cường khả năng tình báo, theo dõi và trinh sát.
Những thiết bị radar phân tán này có thể do thám toàn bộ Biển Đông, liên kết với mạng lưới vệ tinh tình báo quân sự ngày càng được tăng cường của Trung Quốc, rất có khả năng giúp cho Trung Quốc có thể theo dõi tốt hơn tàu thuyền và các trang bị quân dụng khác trong khu vực theo thời gian thực.
Điều cần chỉ ra là rất nhiều đảo đá hầu như (Trung Quốc) còn đang thi công (phi pháp) thiết bị kết nối vệ tinh.
Theo đó, tên lửa đạn đạo chống hạm đang tăng cường phát triển của Trung Quốc sẽ có khả năng ngắm chuẩn ngoài tầm nhìn tin cậy và tiên tiến hơn, phạm vi đe dọa của chống can thiệp/chống tiếp cận mở rộng, có thể đe dọa các mục tiêu di động như cụm tấn công tàu sân bay.
Nếu liên hệ với thông tin liên quan đến việc Trung Quốc bắt đầu lắp thiết bị đầu cuối ứng dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu cho tàu cá gần đây, như vậy Bắc Kinh muốn không ngừng tăng cường khả năng triển khai các "tàu trắng" ở khu vực "cần thiết" với thời cơ thích hợp nhất.
Nếu nói việc đầu tư nghiên cứu cho khoa học công nghệ tác chiến điện tử tiên tiến hơn đã bắt đầu các động thái “hành động - phản ứng”, thì các động thái này ở cấp độ chiến thuật đã “mở màn” ở Biển Đông.
Khả năng rõ ràng nhất là phải kể tới việc Hải quân Mỹ triển khai 4 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler ở Philippines vào tháng 6/2016.
Họ đưa ra lý do là để phục vụ cho "huấn luyện song phương", nhưng máy bay tác chiến điện tử Growler rất có khả năng cũng được giao nhiệm vụ tiến hành theo dõi và tình báo tín hiệu ở Biển Đông.
Máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler còn có thể tiến hành gây nhiễu các radar do Trung Quốc lắp đặt bất hợp pháp ở các đảo nhân tạo mà họ xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông.
Trong tương lai, ở Biển Đông có thể xuất hiện cục diện như sau: Mỹ triển khai các trang bị tác chiến điện tử đối phó các thiết bị radar Trung Quốc ở Biển Đông. Quân đội Trung Quốc không ngừng phát triển khả năng tấn công và phòng thủ điện tử, tìm cách bảo vệ lực lượng tác chiến điện tử mới.
Nhiều lực lượng tác chiến điện tử hơn có thể “đổ xô” đến khu vực này để kiểm soát hoặc gây nhiễu khả năng do thám khu vực (rất quan trọng đối với điều phối quân đội ở khu vực này) của hai bên.
Trong tương lai, những hành động này chắc chắn sẽ có xu thế tăng lên, nhất là các công trình radar của Quân đội Trung Quốc hiện nay ngày càng triển khai toàn diện (phi pháp). Các hành động của lực lượng không quân Trung Quốc ở khu vực này hầu như bắt đầu toàn diện hơn.
Phổ quang điện từ từng bước trở thành một phương diện tăng cường các động thái "hành động - phản ứng" của Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông.