|
Các thành viên của Taliban tại thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 9/10 (Ảnh: Reuters) |
Các đại diện của Mỹ đã tổ chức đối thoại với phái đoàn của Taliban ở thủ đô của Qatar trong khoảng thời gian cuối tuần qua, cuộc họp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8 năm nay, trong khi Mỹ và NATO rút quân.
“Hai bên cũng thảo luận về việc Mỹ viện trợ nhân đạo trực tiếp cho người dân Afghanistan” – Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 10/10 – “Các cuộc thảo luận là thực chất và chuyên nghiệp, trong đó phái đoàn Mỹ nhắc lại rằng Taliban sẽ được nhìn nhận dựa trên những hành động của họ, chứ không phải lời nói”.
Người đứng đầu phái đoàn Taliban, quyền Ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi, nói rằng Mỹ đã cam kết viện trợ nhân đạo cho Afghanistan, trong đó bao gồm vaccine ngừa COVID-19. Vị quan chức cũng nói rằng, các đại diện của Taliban đã yêu cầu phía Mỹ ngừng phong tỏa tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan.
Vòng đàm phán diễn ra ngay trước hội nghị các nước thuộc nhóm G20 tổ chức ngày 12/10, để thảo luận về Afghanistan.
Kể từ khi Taliban giành quyền lực, Afghanistan đã đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng có nguy cơ biến thành thảm kịch nhân đạo, khi mà cột trụ kinh tế quan trọng của nước này – nguồn viện trợ nước ngoài – phần lớn đã bị cắt do chính quyền mới chưa nhận được sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Washington cũng đã đóng băng hàng tỉ USD tài sản của chính phủ cũ của Afghanistan.
Gu Dingguo, chuyên gia nghiên cứu tại ĐH Sư phạm Hoa Đông Trung Quốc, nói rằng Mỹ chưa đáp ứng gì nhiều trước những yêu sách cốt lõi của Taliban trong vòng đàm phán vừa qua.
“Mỹ chưa đưa ra bất cứ cam kết nào về việc gỡ bỏ lệnh cấm của họ đối với tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan, cũng không cam kết viện trợ cho Afghanistan trong cuộc gặp đó” – ông Gu nói – “Mặc dù Mỹ nhất trí viện trợ vaccine, nhưng lại không nêu rõ thời điểm và bao nhiêu liều.”
Cùng thời điểm, Taliban cũng không làm giảm quan ngại của phía Mỹ, theo ông Gu, trong đó có việc liệu chính quyền Taliban có thể thành lập một chính phủ đầy đủ, đại diện được cho tất cả các nhóm người, đặc biệt là những người thân Mỹ từ chính phủ cũ hay không.
Tháng trước, Taliban đã thành lập chính phủ lâm thời, dẫn dắt bởi những nhân vật có quan điểm cứng rắn và thủ lĩnh của họ.
“Taliban đã cam kết thành lập một chính phủ đầy đủ, nhưng chưa làm được bởi họ đang bị vướng vào cuộc đấu đá nội bộ. Không có đủ các vị trí trong chính phủ cho các thủ lĩnh của Taliban, chứ chưa nói tới các nhóm khác” – ông Gu nói.
Yan Wei, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Tây Bắc Trung Quốc, cho rằng vòng đàm phán cho thấy mối quan hệ giữa Taliban và Mỹ không hoàn toàn là thù địch, và mặc dù còn nhiều tranh cãi, nhưng hai bên có thể tìm được sự đồng thuận.
“Mặc dù cuộc họp này khó có thể cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa hai bên, nhưng sự kiện chính thức như vậy mang giá trị lớn đối với sự ổn định của chính quyền Taliban và đối với Mỹ trong việc duy trì tầm ảnh hưởng cũng như lợi ích của họ trong khu vực” – ông Yan nói.