Mỹ-Úc tăng “đặt cược” Biển Đông, Trung Quốc liệu còn hung hăng

VietTimes -- Trung Quốc không có động cơ để giảm bớt sự hung hăng tại Biển Đông nếu không có một sự răn đe đáng tin cậy về cái giá phải trả do Mỹ và cộng đồng quốc tế áp đặt. Những cái giá này có thể bao gồm cả về quân sự, National Interest (Mỹ) nhận định.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ

Cụm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ vừa kết thúc đợt tuần tra kéo dài 5 ngày tại Biển Đông. Mẫu hạm Mỹ được hộ tống bởi nhiều chiến hạm đóng trú tại Nhật Bản.

Trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ hai tuần trước, chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ là đô đốc Harry Harris đã thông báo về một giai đoạn đáp trả mới trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Nhận thức này càng được củng cố với lời kêu gọi của đô đốc Harris làm sống dậy đề xuất của Thủ tướng Nhật Bản  Shinzo Abe vào năm 2007 về việc thành lập liên minh hải quân bốn bên nhằm giám sát Biển Đông và ngăn chặn bất cứ kẻ nào “bắt nạt những quốc gia nhỏ hơn bằng cách đe nẹt và hăm dọa”. Trung Quốc luôn e sợ sức mạnh quân sự của Nhật Bản, tuy nhiên tình hình thậm chí còn xấu hơn theo quan điểm của Bắc Kinh với sự hiện diện của tàu USS Ashland trong đội hình cụm tác chiến tàu sân bay Stennis. Ashland là tàu đổ bộ tấn công với khả năng hỗ trợ một tấn công của lực lượng lính thủy đánh bộ lên những hòn đảo nhân tạo nhỏ như Đá Chữ Thập.

Chính quyền Obama đã không sử dụng tốt sức manh răn đe thời gian qua. Thực tế, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang nỗ lực một cách đáng thương để có được sự câu trả lời hiệu quả đối với chủ nghĩa bành trướng hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Đúng như tiên liệu, ngoại trưởng Trung Quốc đã lập tức lên án sự hiện diện của mỹ và kết luận trong phát biểu của mình với hàm ý đe dọa rằng “lịch sử sẽ chứng minh ai là khách và ai là chủ”.

Trong bối cảnh Úc vừa công bố Sách trắng Quốc phòng quốc gia, nền an ninh Úc phụ thuộc một phần vào việc Trung Quốc và Mỹ giải quyết những bất đồng như thế nào. Tuy nhiên, đây đúng là thời điểm Úc cần xem xét việc đặt cược vào Biển Đông ra sao, mặc dù Sách trắng loại trừ khả năng một cuộc xâm lược lãnh thổ Úc.

Cả ba phần trong Sách trắng chiến lược quốc phòng Úc đều đề cập tới những tranh chấp lãnh hải đang diễn ra ở Biển Đông. Thực tế tranh chấp giữa các quốc gia là không thể chối bỏ, cũng như không thể phớt lờ việc tranh chấp có thể dễ dàng trở thành xung đột. Phần lớn các nhu cầu chương trình mua sắm vũ khí trong chiến lược đầu tư quốc phòng Úc dựa trên yêu cầu giành thắng lợi trong một cuộc xung đột hàng hải tiềm tàng.

Chúng bao gồm các máy bay chiến đấu và trinh sát, các chiến hạm mặt nước (đặc biệt là tàu khu trục phòng không lớp Hobart), các tàu ngầm tiên tiến và tăng cường năng lực tình báo/giám sát/trinh sát, chiến tranh mạng và không gian vượt qua biên giới Úc. Úc xác định sự trỗi dậy của Trung Quốc như thách thức nghiêm trọng đói với trật tự và ổn định khu vực. Đúng như chờ đợi, chính quyền Trung Quốc đã ngay lập tức chỉ trích động cơ của chính quyền Turnbull của Úc.

Trong nước,  Úc quyết định tăng cường sức mạnh quốc phòng cũng bị chỉ trích là ‘thiếu thảo luận” do việc chi tiêu quá nhiều cho quân sự, một hành động khiến kinh tế Úc trở nên dễ tổn thương. Tuy nhiên theo giới phân tích, Trung Quốc sẽ nhìn nhận việc Úc giải giáp vũ trang như một lời mời gọi để thúc đẩy sự thống trị của họ. Thiếu lựa chọn quân sự, Úc sẽ trở thành một quốc gia triều cống trước đế chế Trung Hoa trong thế kỷ 21.

Mẫu hạm USS John Stennis vừa thực hiện đợt tuần tra ở Biển Đông

Về phần mình, Philippines năm 1991 đã từ chối gia hạn thỏa thuận đóng quân với Mỹ. Trong những năm sau đó, Philippines đã thất bại trong việc đầu tư thay thế cho lực lượng răn đe bị mất khi lực lượng Mỹ cuối cùng rút khỏi nước này năm 1994. Kể từ năm 2013, Manila phải chứng kiến các hoạt động bắt nạt ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông mà quân đội Philippines không có khả năng đáp trả hiệu quả. Trung Quốc đã tỏ rõ sẽ không để ý tới quyết định chưa phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc, nếu như tòa ra phán quyết có lợi cho Philippines.

Úc cũng như Mỹ có nguyên tắc cơ bản trong trật tự quốc tế mang tính sống còn. Nhưng Trung Quốc không có động cơ để giảm bớt sự hung hăng tại Biển Đông nếu không có một sự răn đe đáng tin cậy về cái giá phải trả do Mỹ và cộng đồng quốc tế áp đặt. Những cái giá này có thể bao gồm cả về quân sự. Họ nên biết rằng hành động quân sự để bảo vệ “tự do hàng hải” là sự tiếp tục mạnh mẽ nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Nó là hệ quả của hành động quân sự đầu tiên trên biển của Mỹ chống cướp biển dưới thời tổng thống Jefferson. Đó cũng là sự biện minh quan trọng nhất cho cuộc chiến chống nước Anh 10 năm sau đó và trong cuộc nội chiến giai đoạn 1862-1863. Đế quốc Đức đã phát động cuộc chiến tranh tàu ngầm không hạn chế vào tháng 2/1917 gây ra một cuộc đổ vỡ ngoại giao tức khắc, tiếp sau là lời tuyên chiến vào tháng 4.

Tuy nhiên các nước Đông Nam Á và Thái Bình Dương vẫn đối mặt chặng đường dài để chọn lựa giữa pax Americana (trật tự thế giới kiểu Mỹ và pax Sinica (trật tự thế giới kiểu Trung Quốc), Trung Quốc càng cố phá vỡ tự do hàng hải ở Biển Đông hoặc không tuân thủ một phán quyết bất lợi của Tòa án quốc tế về yêu sách chủ quyền phi lý của nước này, sẽ đòi hỏi một sự đáp trả bao gồm cả lựa chọn quân sự tiềm tàng. Trừ phi Úc muốn nhượng bộ rằng trật tự dựa trên luật pháp trên thực tế không phải là lợi ích chiến lược cốt lõi của mình. Nếu không, chính phủ được thành lập trong cuộc bầu cử tới có thể phải soạn thảo Sách trắng khác.

Theo National Interest