|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: UPI |
"Với những gì đang làm trên Biển Đông, Trung Quốc đã đi ngược lại các quy tắc và chuẩn mực quốc tế giúp đảm bảo kiến trúc an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như sự đồng thuận trong khu vực về việc sử dụng ngoại giao, phản đối các hành động cưỡng ép", AP dẫn lời ông Carter hôm qua nói tại một hội nghị của không quân Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng phương pháp tiếp cận của Trung Quốc đối với các bãi đá và rạn san hô trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông sẽ có tác động lớn tới mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Quan ngại trước việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa và thực hiện những hành vi "mang tính cưỡng chế" trong giải quyết tranh chấp, Mỹ "đang đi những bước thận trọng" để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với một tình thế đối đầu, ông Carter cho hay.
"Mỹ sẽ điều máy bay, huy động tàu, và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, giống như những gì quân đội Mỹ đang làm trên toàn thế giới", ông Carter nói. "Sau cùng, việc biến một bãi đá ngầm thành sân bay chỉ đơn giản là không thể tạo ra chủ quyền hay cho phép áp đặt các giới hạn về hàng không, hàng hải".
Tuyên bố của ông Carter được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du tới Mỹ. Ông Tập sẽ thảo luận với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 25/9 tới đây.
Trung Quốc đang tiến hành cải tạo phi pháp 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó, Bắc Kinh hiện cho xây đường băng trên ba bãi đá là Vành Khăn, Subi và Chữ Thập. Những công trình này nhiều khả năng sẽ được Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự trong tương lai.
Việt Nam nhiều lần phản đối việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký năm 2002.
Theo VnE