Bằng việc tuyên bố chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng”, chính quyền Tổng thống Obama đã lựa chọn giải pháp đấu tranh thay vì thỏa hiệp với các tham vọng của Trung Quốc.
Chiến dịch mở rộng lãnh thổ một cách công khai của Trung Quốc tại Biển Đông đặt ra thách thức chiến lược cấp bách đối với Mỹ và các đối tác an ninh của Mỹ tại Đông Nam Á. Nếu thiếu các biện pháp đáp trả hiệu quả, tương lai có thể dự liệu trước về Biển Đông là Trung Quốc sẽ chiếm đoạt thêm từng phần lãnh thổ và triển khai các căn cứ hải quân và không quân cho đến khi nước này giành được quyền kiểm soát thực tế đối với toàn bộ Biển Đông trong phạm vi “đường chín đoạn” được vẽ ra trong các bản đồ của Trung Quốc. Tuyến đường biển quốc tế thông qua Biển Đông do vậy sẽ phụ thuộc vào quy định và sự chấp thuận của Trung Quốc.
Bằng việc tuyên bố chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” vào năm 2011, chính quyền Tổng thống Obama đã lựa chọn giải pháp đấu tranh thay vì thỏa hiệp với các tham vọng của Trung Quốc. Các tác động và thách thức từ lựa chọn này là rất sâu sắc. Nói ngắn gọn, chiến lược này đòi hỏi Washington phải xây dựng và thực thi các chiến lược và chiến thuật nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc mở rộng hơn nữa tại Biển Đông.
Lập trường của Mỹ bắt đầu với tuyên bố khái niệm “Châu Á” bao gồm cả Mỹ với tư cách là một cường quốc cư trú có một phần lãnh thổ tại Tây Thái Bình Dương, có các giao ước đồng minh với một số quốc gia Châu Á, và sự hiện diện quân sự hơn sáu thập kỷ, cũng như có các quan hệ chính trị và kinh tế lâu dài, sâu sắc đối với Châu Á.
Về vấn đề Biển Đông, chính sách từ lâu của Mỹ khẳng định rõ ràng: tránh dính líu tới các tuyên bố lãnh thổ, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của đàm phán hòa bình và việc gìn giữ tự do đi lại của các tuyến hàng hải đi qua khu vực. Phần lớn, nếu không nói là tất cả, vùng Biển Đông đều là các vùng biển cả theo luật quốc tế, và các tuyến đường biển qua khu vực này là “tài sản toàn cầu”. Chúng thuộc về tất cả các quốc gia và không nằm trong lãnh thổ chủ quyền của bất cứ một quốc gia nào.
Lập trường này được đưa ra vào những năm còn thanh bình khi sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ không bị thách thức. Tuy nhiên, bản chất tuyên bố này hàm chứa sự mập mờ, đó là không làm rõ được việc Mỹ sẽ phản ứng như thế nào nếu sự ổn định bị thách thức, nếu một hay một vài quốc gia sử dụng vũ lực và phủ nhận quy tắc “tài sản toàn cầu”?
Trong hơn 50 năm qua, sự mập mờ này chưa khi nào bị thử thách. Và bây giờ thì nó đang bị thử thách. Năm 2012, Trung Quốc trên thực tế đã ép buộc Philippines từ bỏ Bãi cạn Scarborough bất chấp sự hiện diện của hải quân Mỹ. Khả năng quân sự vượt trội của Mỹ trên thực địa đã bị ảnh hưởng bởi sự thiếu vắng một định hướng chiến lược hành động.
Các tuyên bố gần đây về chiến lược của Mỹ bắt đầu với một mệnh đề phủ định, đó là Mỹ không đứng về yêu sách chủ quyền lãnh thổ đang tranh chấp nào ở Biển Đông. Mỹ cần xây dựng một chiến lược bắt đầu với các khẳng định. Đầu tiên Mỹ cần khẳng định Biển Đông là Vùng biển cả theo luật pháp quốc tế và các tuyến đường biển đi qua Biển Đông được coi là “tài sản toàn cầu”.
Thứ hai, Mỹ cần ủng hỗ mạnh mẽ nguyên tắc không đe dọa và sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Thứ ba, Mỹ cần thừa nhận trách nhiệm bảo vệ lợi ích của các đồng minh. Các nguyên tắc này đưa ra nền tảng hành động: sự thiếu vắng lập trường về các giá trị trong từng yêu sách cụ thể trở nên không thích hợp một cách chiến lược.
Với những quy tắc này, Bộ Quốc phòng Mỹ cần xem xét các sáng kiến hành động dưới đây với định hướng cần thiết từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM):
Tiếp tục triển khai lực lượng tại các vùng biển và không phận quốc tế truyền thống ở Biển Đông và không công nhận yêu sách của Trung Quốc rằng các thực thể nhân tạo có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Bước đi này đã được tuyên bố bởi Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tại Đối thoại Shangrila tháng 6/2015 ở Singapore. Nếu Trung Quốc tuyên bố một Vùng nhận diện phòng không bao trùm một phần hoặc toàn bộ Biển Đông, Mỹ sẽ không công nhận giá trị của tuyên bố này và không tuân thủ các giới hạn do Trung Quốc yêu cầu.
Để khẳng định và bảo vệ nguyên tắc tiếp cận quốc tế, PACOM cần triển khai tàu hoạt động ở Biển Đông 365 ngày/năm, 24/24 giờ. PACOM cũng cần đa dạng và mở rộng khu vực tuần tra trên biển và trên không, kể cả trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các thực thể nhân tạo của Trung Quốc;
Cân nhắc khả năng hộ tống và bảo vệ hoạt động tiếp tế của Philippines cho các tiền đồn xa bờ (như ở Bãi Cỏ Mây) trước hành động ngăn cản của Trung Quốc nếu cần thiết. Đây có thể được giải thích không phải là hành động ủng hộ chủ quyền của Philippines, mà là hành động bảo vệ nguyên tắc không cưỡng bức.
Thiết lập các cơ chế tập trận hải quân đa phương thường niên với các đồng minh và đối tác an ninh ở Biển Đông.
Thực hiện thường xuyên các chuyến bay do thám với sự tham gia của quan sát viên từ các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách tại các khu vực mà Trung Quốc kiểm soát.
Đề xuất với Malaysia hai sáng kiến: cho tàu chiến Mỹ thực hiện chuyến thăm đến căn cứ hải quân Malaysia trên Swallow Reef (Đá Hoa Lau); công khai và tăng cường tần suất hoạt động tuần tra chống ngầm của Mỹ bên ngoài các căn cứ hải quân Malaysia tại Đảo Labuan và Sepangar.
Đề xuất nâng cấp hợp tác an ninh biển với Indonesia bao gồm việc cải thiện năng lực các tàu tuần tra dọc ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna.
Khởi động đối thoại với Manila về khả năng xây dựng các căn cứ quân sự trên Đảo Palawan của Philippines để tiếp nhận các vũ khí hải/không quân của Mỹ trên cơ sở luân phiên. Các trang thiết bị này bao gồm cả radar Aegis có khả năng hỗ trợ các địa điểm lắp đặt tên lửa và thiết lập lại bãi phóng ở thung lũng Crow từng được sử dụng bởi các phi công tàu sân bay Mỹ để tăng hiệu quả tác chiến.
Khởi động đàm phán với Hà Nội hướng tới tăng cường tần suất các chuyến thăm Vịnh Cam Ranh của tàu hải quân Mỹ, tương ứng với mức hải quân Nga đang được hưởng. Gỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế về việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Đẩy nhanh các hỗ trợ cho Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines trong lĩnh vực nhận thức về biển và khả năng chống tàu ngầm tại Biển Đông. Lôi kéo Nhật và Hàn Quốc tham gia sâu hơn trong nỗ lực này.
Thiết lập nhóm làm việc chung chuyên trách về vấn đề Biển Đông giữa ASEAN - Mỹ như một kênh phái sinh từ cơ chế họp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ASEAN được khởi xướng gần đây.
Cân nhắc khả năng hỗ trợ của Lầu Năm Góc các tổ chức nghiên cứu và quan sát phi chính phủ về lĩnh vực biển, trong đó bao gồm cả tổ chức Sáng kiến Minh bạch Biển Châu Á của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ, với nỗ lực công khai mạnh mẽ các hoạt động của Trung Quốc.
* Bài viết của TS Marvin Ott là giáo sư và chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Paul H. Nitze, từng là giáo sư về chiến lược an ninh quốc gia tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ.