Kể từ khi ông Donald Trump trở thành ông chủ của Phòng bầu dục, ngân sách của Bộ Ngoại giao Mỹ bị cắt và những nhân viên chủ chốt lũ lượt bỏ đi. Dưới thời Ngoại trưởng Rex Tillerson, việc thuê thêm người bị đình chỉ. Điều này có nghĩa là những vị trí chủ chốt vẫn chưa được lấp chỗ trống.
Với mức lương chỉ 25.000USD/năm rất nhiều người trong số họ chuyển việc. Hơn một tá những vị trí quan trọng vẫn chưa được thay thế trong khi ông Ngoại trưởng không tập trung vào ngoại giao quốc tế hay "chính sách ngoại giao" mà lại đi vào việc tái cơ cấu (cắt giảm nhân sự) của Bộ Ngoại giao và những điều nhỏ nhặt khác.
Trên khắp thế giới, bắt đầu từ các nước có vần A như Australia, những đại sứ quán của Mỹ thiếu đại sứ, bao gồm cả Hàn Quốc - đất nước tiêu điểm trong chính sách của chính quyền tổng thống Trump. Cũng tương tự như vậy, ở thời điểm tổng thống Trump có tuyên bố gây kích động về Jerusalem, Mỹ cũng chưa có đại sứ tại Ai Cập, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ả rập Xê-út giữa các nước vùng Trung Đông. Đây là điều kỳ lạ và ẩn sau nó là một câu chuyện khác.
Ông Rex Tillerson Ngoại trưởng Mỹ đang tập trung tái cơ cấu và cắt giảm nhân sự Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tất cả những hiện tượng này không chỉ được xem như điểm yếu của một vị tổng thống được quá nhiều các vị tướng của ông vây quanh mà đây là điểm cao nhất của tiến trình hậu 11.9, mà qua đó các chính sách Mỹ đẩy mạnh việc quân sự hóa. Trong hoạt cảnh đó, khi Bộ Ngoại giao không còn vai trò gì thì cũng không phải Mỹ không còn đại sứ nào trên thế giới.
Lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ đang tăng cao vai trò hoạt động như các nhà ngoại giao Mỹ trên thế giới. Họ huấn luyện và giúp đỡ các đồng minh với mục đích phá hoại, hủy diệt kẻ thù ở mọi nơi. Người ta chưa bao giờ chứng kiến những điều như vậy. Không như cắt giảm các ngoại giao đoàn, đây là một câu chuyện được công khai rộng rãi. Nhà báo Nick Turse đã khám phá ra điều này từ năm 2011. Trong nhiều năm, ông tập trung vào một trong những bước phát triển lớn trong kỷ nguyên của chúng ta: việc triển khai lực lượng đặc biệt đang nhiều lên chưa từng thấy vì áp lực của cuộc chiến vĩnh cửu trong nội tại Washington.
Lực lượng đặc biệt (mũ nồi xanh) Mỹ.
Những năm sau vụ 11.9, các đơn vị tinh nhuệ của quân đội Mỹ gồm vài nghìn lính mũ nồi xanh và các binh sĩ khác đã trở thành một lực lượng xấp xỉ 70.000 người. Nói cách khác, số lượng những thành viên bí mật trong quân đội Mỹ đang lớn lên với quân số thậm chí còn lớn hơn so với quân đội của các nước như Argentina, Canada, Chile, Croatia, Nam Phi hay Thụy Điển. Theo Turse đưa tin trong nhiều năm, những lực lượng tác chiến đặc biệt không chỉ được phái tới các nước nhiều hơn trước mà còn nhiều hơn bất cứ nước nào đã từng triển khai quân đội của họ trong thời điểm hiện tại.
Như Turse chỉ ra: Ngày nay, sự triển khai các nhóm thực hiện nhiệm vụ đặc biệt hoặc các cá nhân của Mỹ đã lên tới 149 trong tổng số 190 nước trên thế giới vào năm 2017. Có thể tìm thấy nhiều bài viết về lực lượng đặc nhiệm của Mỹ trên truyền thông nhưng sau nhiều năm những bài viết này đã trở thành một thông tin quen thuộc và bình thường với công chúng. Câu chuyện về việc cách thức lực lượng đặc biệt trở thành những nhà ngoại giao được lựa chọn và là mũi nhọn cho chính sách ngoại giao của Mỹ, cũng như cách thức mở rộng các cuộc chiến hay sự lan rộng của khủng bố là câu chuyện vẫn chưa được kể.
Năm đầu tiên làm tổng thống của ông Trump đánh dấu kỷ lục: lực lượng đặc biệt được triển khai tới 149 nước
"Về mặt quân sự, chúng ta không biết chính xác chúng ta đang ở đâu trên thế giới và chúng ta đang làm gì?", thượng nghị sĩ Lindsey Graham - một thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã phát biểu vào tháng 10.2017. Đây là sự thức tỉnh sau khi 4 thành viên của lực lượng đặc nhiệm Mỹ chết trận tại nước Niger ở vùng Tây Phi. Graham và các thượng nghị sĩ khác đã bày tỏ sự sửng sốt về việc Mỹ triển khai quân tinh nhuệ trên khắp thế giới. Nhưng đây là một bí mật mà ai cũng biết.
Đầu năm 2017, trong cuộc họp tương tự của Ủy ban Quân vụ Thượng viện mà ông Graham không tham dự, tướng Raymond Thomas tư lệnh Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt (SOCOM) đã đưa ra nhiều manh mối về việc đội quân tinh nhuệ nhất của Mỹ đang có mặt trên khắp thế giới. "Chúng tôi hoạt động và tác chiến ở mọi ngóc ngách trên thế giới... Thay vì bị động, chúng tôi đang can thiệp trên khắp các khu vực có chiến tranh của Trung tâm chỉ huy tác chiến địa lý... cung cấp chìa khóa liên kết và khả năng để hỗ trợ các chiến dịch và hoạt động của họ".
Tướng Raymond Thomas tư lệnh Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt (SOCOM).
Năm 2017, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ bao gồm cả đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ và lính mũ nồi xanh được triển khai tới 149 nước (khoảng 75% số nước trên thế giới). Con số này tăng từ 138 nước dưới thời của chính quyền tổng thống Obama năm 2016. Và tăng khoảng 150% so với lúc ông George W. Bush còn ở Nhà Trắng. Con số kỷ lục của việc triển khai quân là kết quả của việc biệt kích Mỹ đang phải chiến đấu với rất nhiều các nhóm khủng bố trong các cuộc chiến không chính thức trải dài từ Châu Phi tới Trung Đông và Châu Á.
"Hầu hết người Mỹ sẽ ngạc nhiên khi biết lực lượng đặc nhiệm của Mỹ được triển khai ở 3/4 các nước trên thế giới", nhà quan sát William Hartung giám đốc chương trình vũ trang và an ninh tại Trung tâm chính sách quốc tế cho biết. "Có rất ít thông tin minh bạch về các hoạt động của họ trên các đất nước và họ đang đẩy mạnh an ninh hay đang khiêu khích, làm gia tăng căng thẳng và các cuộc xung đột".
Cơ hội để lực lượng đặc nhiệm phát triển
Theo thông tin từ Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt, quân tinh nhuệ của Mỹ được triển khai tới 149 nước năm 2017. Bản đồ dưới cho thấy 132 địa điểm trên thế giới: 129 địa điểm màu xanh da trời được cung cấp bởi Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt, 3 địa điểm (màu đỏ) là Syria, Yemen và Somalia tới từ các nguồn thông tin mở.
Những địa điểm Mỹ triển khai lực lượng đặc biệt.
Vào tháng 5.2017, ông Raymond Thomas đã giải trình tại Ủy ban quân vụ Thượng viện: "Kể từ vụ 11.9, chúng ta đã khuếch trương lực lượng tới 75% các nước để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ có thể kéo dài". Kể từ 2001, từ những bước chiến dịch cho tới sự trải dài về mặt địa lý, các hoạt động của lực lượng đặc biệt Mỹ trên thực tế đã phát triển theo mọi con đường có thể. Vào mỗi ngày có khoảng 8.000 nhân viên đặc biệt (trên tổng số 70.000) hoạt động trên khoảng 80 nước.
Ông William Hartung nói: "sự gia tăng của việc sử dụng lực lượng đặc nhiệm sau vụ 11.09 là một phần của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu - Đây là cách để Mỹ giữ quân đội chủ động trong những vùng họ có 2 cuộc chiến chính là Iraq và Afghanistan... Sự phụ thuộc vào lực lượng đặc biệt dưới thời tổng thống Obama là một chiếc lược "chiến tranh chống đỡ về mặt chính trị" - mà trong đó việc triển khai hàng chục nghìn quân tới những khu vực giao tranh chính thức được thay bằng những nhóm nhỏ ở nhiều nơi, sử dụng máy bay không người lái, bán vũ khí, huấn luyện và lực lượng đặc biệt".
Ông William Hartung giám đốc chương trình vũ trang và an ninh tại Trung tâm chính sách quốc tế.
Nhà Trắng của ông Trump đã loại bỏ rất nhiều di sản thời Barack Obama trên mọi mặt trận. Chính quyền mới đã cắt bỏ, đảo ngược, thay đổi mọi thứ từ những hiệp định thương mại, tài chính, môi trường tới cả điều luật không được phân biệt đối xử với người chuyển giới. Nhưng với lực lượng đặc biệt, chính quyền của ông Trump giữ nguyên thậm chí còn đánh cược vào lực lượng này nhiều hơn.
Tổng thống Trump cũng cho những sĩ quan quân đội nhiều quyền hơn để tấn công tại các khu vực chiến tranh không chính thức như Yemen và Somalia. Theo Micah Zenko, một chuyên gia về an ninh quốc gia thì trong 6 tháng đầu của chính quyền tổng thống Trump, lực lượng đặc biệt đã thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố ở các nước không có chiến tranh nhiều hơn 5 lần so với 6 tháng cuối của chính quyền Obama.
Một cuộc chiến rộng lớn trên thế giới
Biệt kích Mỹ có 12 kỹ năng cơ bản từ "chiến tranh không thông thường" (giúp đỡ các cuộc nổi dậy và thay đổi chế độ) tới "phòng vệ nội địa nước ngoài" (hỗ trợ đồng minh chống lại chủ nghĩa khủng bố, các cuộc nổi dậy và tập kích). Chống lại chủ nghĩa khủng bố -- đánh các nhóm mà Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt của Mỹ gọi là những Tổ chức bạo lực cực đoan (hay VEO) là chuyên môn của biệt kích Mỹ trong thời kỳ hậu 11.09.
Vào mùa xuân năm 2002, trong buổi điều trần với Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Tướng Charles Holland tư lệnh của SOCOM đã nỗ lực để "nâng cao khả năng của lực lượng đặc biệt nhằm tiến hành chiến tranh không thông thường và các chương trình phòng thủ nội địa tại nước ngoài với mục đích sẽ hỗ trợ tốt hơn cho bạn bè và đồng minh. Giá trị của những chương trình này đã được chứng minh trong chiến dịch Afghanistan... Những điều này có thể hữu dụng để ổn định các nước và khu vực bị tổn hại do khủng bố xâm nhập".
Tướng Charles Holland - tư lệnh của SOCOM năm 2003.
Trong hơn 1 thập kỷ rưỡi, có rất ít bằng chứng cho thấy biệt kích Mỹ xuất sắc trong việc "ổn định các nước và khu vực bị tổn hại do khủng bố xâm nhập". Điều này tương phản với những gì tướng Thomas nói trong buổi điều trần vào tháng 5.2017: "Mối đe dọa do VEO gây ra cho phép Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt Mỹ quyền cao nhất về cả sự tập trung và nỗ lực".
Nhưng không như ông Holland chỉ nhắc tới một nước là Afghanistan - nơi lực lượng đặc nhiệm đang chiến đấu với các nhóm khủng bố năm 2002, ông Thomas liệt kê đầy đủ những điểm nóng khủng bố đang làm biệt kích Mỹ điêu đứng trong 1 thập kỷ rưỡi: "Lực lượng đặc biệt là nỗ lực chính hay có thể nói là lực lượng hỗ trợ chính của Mỹ với các chiến dịch chống lại VEO tại Afghanistan, Syria, Iraq, Yemen, Somalia, Libya dọc miền đồi ven biển Bắc Phi, Philippines, Trung và Nam Mỹ - về bản chất là tất cả những nơi mà al-Qaeda và IS có thể xuất hiện".
(còn tiếp)
(còn tiếp)