Mỹ, Trung Quốc bắt đầu cuộc đua vớt mảnh vỡ khinh khí cầu bị bắn hạ trên Đại Tây Dương

VietTimes – Ngày 4/2, Mỹ đã dùng tên lửa không đối không bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc. Sự cố khinh khí cầu vẫn chưa lắng xuống, ngược lại, những tranh chấp và đối đầu mới có thể nảy sinh xung quanh việc vớt mảnh vỡ.
Chiều 4/2, Không quân Mỹ đã sử dụng máy bay chiến đấu F-22 bắn hạ khi khí cầu Trung Quốc xuống Đại Tây Dương bằng tên lửa (Ảnh: Singtao).

Phía Mỹ đã cảnh báo rằng, trước những lời chỉ trích của Trung Quốc cho rằng Mỹ phản ứng thái quá đối với khinh khí cầu khí tượng dân sự của Trung Quốc bay lạc vào không phận của họ, Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với việc Trung Quốc có thể tranh trục vớt các mảnh vỡ của khí cầu, đặc biệt là các các thiết bị mà khí cầu mang theo.

Những cáo buộc ở Trung Quốc rằng vụ bắn rơi khinh khí cầu ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina của Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua với thời gian để tìm kiếm thiết bị bí mật mà khí cầu mang theo. Mỹ cảnh báo đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó "các hành động khiêu khích tiếp theo" và Trung Quốc cũng cảnh báo sẽ có hành động "kiên quyết". Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích động thái của Mỹ là "phản ứng rõ ràng thái quá và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế".

Khí cầu Trung Quốc mang thiết bị lớn phía dưới (Ảnh: Sina).

Tờ Daily Mail hôm 5/2 đưa tin Bắc Kinh cảnh báo "đáp trả" sau khi Mỹ bắn hạ “khinh khí cầu do thám” của Trung Quốc bay ngang phía trên khu giếng phóng tên lửa hạt nhân ở Montana. Các chuyên gia quốc phòng Mỹ nói rằng Trung Quốc có thể cố gắng can thiệp để thu hồi thiết bị giám sát rơi xuống ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.

Theo tài khoản WeChat chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 5/2, “Mỹ đã sử dụng vũ lực để tấn công khí cụ bay không người lái dân sự của chúng ta, đây rõ ràng là một phản ứng thái quá. Bộ Quốc phòng Trung Quốc long trọng phản đối động thái này của phía Mỹ và bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp cần thiết để giải quyết các tình huống tương tự”.

Với việc Mỹ chuẩn bị đối phó động thái tiếp theo của Trung Quốc, Tiến sĩ James Anderson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng dưới thời chính quyền Donald Trump, nói với Fox News rằng Bắc Kinh cũng có thể "khiêu khích lợi ích của Hoa Kỳ hơn nữa" trong mấy ngày tới, gợi ý rằng Trung Quốc có thể can thiệp vào các mảnh vỡ và giám sát việc thu nhặt chúng. "Có thể, mặc dù người ta cho là chắc chắn là khó xảy ra, nhưng trong vài ngày tới, một hoặc nhiều tàu biển do PLA chỉ huy sẽ có thể cố gắng can thiệp vào công tác tìm kiếm, thu thập mảnh vỡ của khinh khí cầu nằm trong lãnh hải của Mỹ”, ông nói với Fox News.

Theo Anderson, "Nếu điều này xảy ra, các tàu chiến của Mỹ sẽ có đủ lý do để cung cấp cho những kẻ xâm nhập tấm vé một chiều xuống đáy đại dương" (ý nói bắn chìm các tàu này).

Đường bay của khí cầu cho đến thời điểm bị phát hiện ở Montana

(Ảnh: Theguardian).

Một cố vấn quân sự cấp cao Mỹ nói với Fox News rằng các mảnh vỡ từ quả khí cầu bị rơi trên diện tích rộng khoảng 7 dặm vuông và độ sâu của mực nước ước tính khoảng 47 feet. Tuy nhiều tàu Hải quân và Cảnh sát biển Mỹ đã thiết lập các phạm vi tìm kiếm và an ninh trong khu vực, nhưng các cố vấn cấp cao cho biết các tàu cứu hộ chính thức phải vài ngày nữa mới đến. Hiện chưa có thời gian biểu cho việc trục vớt khinh khí cầu từ Đại Tây Dương, nhưng các quan chức ước tính việc này sẽ được hoàn thành trong thời gian ngắn. Các quan chức quốc phòng Mỹ ước tính quả khí cầu mang theo thiết bị có kích thước bằng ba chiếc xe buýt và các mảnh vỡ rất lớn.

Sau khi thu hồi, các mảnh vỡ của khí cầu sẽ được phân tích tại trụ sở của FBI đặt tại Quantico, Virginia.

Trong khi đó, tại Mỹ, sự chia rẽ đảng phái nhanh chóng nổi lên sau vụ Mỹ bắn rơi “khinh khí cầu do thám Trung Quốc”, với việc chính quyền Biden biện hộ việc họ bắn rơi khinh khí cầu ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương, còn các đảng viên Cộng hòa nói rằng khí cầu lẽ ra phải bị bắn hạ hơn một tuần trước chứ không nên để nó bay qua các cơ sở quân sự lớn trên cả nước.

Khu vực tuyệt mật có các giếng phóng tên lửa hạt nhân ở Montana, nơi phát hiện khí cầu hôm 2/2 (Ảnh: Singtao).

Ông Pete Buttigieg, người phụ trách giao thông vận tải của Tổng thống Joe Biden, nói trên chương trình "State of the Union" của CNN rằng việc Trung Quốc triển khai khí cầu do thám là một "sự xâm phạm chủ quyền của Mỹ không thể chấp nhận được". Nhưng ông cho biết quân đội Mỹ đã bắn hạ nó theo lệnh của ông Biden hôm thứ Tư tuần trước, mà không gây ra bất kỳ thiệt hại nào về người hoặc tài sản... sau khi đánh giá nguy cơ bắn hạ nó trên đất liền Mỹ".

"Đây là phương thức đã được thực hiện một cách rất hiệu quả", ông nói.

Khinh khí cầu khi đó đang bay ở độ cao hơn 18.000 mét (11 dặm Anh), và các mảnh vỡ từ cuộc tấn công bằng tên lửa đã rơi xuống khoảng 10 km (6 dặm) ngoài khơi bờ biển của bang South Carolina, miền nam nước Mỹ. Buttigieg cho biết khu vực các mảnh vỡ rơi kéo dài hơn 11 km (7 dặm).

Các tàu của Hải quân Mỹ đang thu thập các mảnh vỡ từ đại dương và gửi đến phòng thí nghiệm của FBI để phân tích.

Sơ đồ cấu tạo và độ cao của khí cầu (Nguồn: Reuters).

Các nhà nghị sĩ Đảng Cộng hòa chỉ trích ông Biden vì đã không ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu khi nó lần đầu tiên được nhìn thấy đang bay qua Quần đảo Aleutian ở tây bắc Alaska vào ngày 28/1, mà để nó bay từ tây sang đông trong một tuần trên toàn bộ lục địa Mỹ, bên trên nhiều căn cứ quân sự quan trọng.

Phía Trung Quốc cho biết khinh khí cầu đang thu thập dữ liệu thời tiết thì bị gió thổi lệch hướng và trôi dạt đến nước Mỹ, tuy nhiên Mỹ cho rằng đó là vỏ bọc cho một nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo. Trung Quốc không nói khinh khí cầu dự định sẽ đi đâu.

Tuy nhiên, các quan chức quân sự Mỹ nói rằng bất kỳ thông tin tình báo nào mà khí cầu truyền về Trung Quốc đều không phải khẩn cấp, cũng không khác những gì Trung Quốc và Mỹ thu thập được từ các vệ tinh do thám được triển khai trên lãnh thổ của nhau.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton bang Arkansas, người thường xuyên chỉ trích ông Biden, nói với Fox News rằng sứ mệnh của khinh khí cầu là "nhắc nhở về năng lực của Trung Quốc" và nó đã "tạo ra sự sỉ nhục... bối rối" cho Mỹ.

Một đảng viên Cộng hòa khác, Thượng nghị sĩ Marco Rubio bang Florida, nói với CNN rằng "có một thông điệp từ Trung Quốc đằng sau việc này". Rubio nói: “Đó là một thất bại mà tôi không hiểu nổi. Tại sao lại để nó bay qua căn cứ quân sự ở giữa nước Mỹ? Nếu chúng ta cho bất cứ thứ gì bay qua Trung Quốc, họ sẽ bắn hạ nó ngay."

Khinh khí cầu lần đầu tiên đi vào Vùng nhận dạng phòng không của Mỹ hơn một tuần trước, sau đó đi vào không phận Canada. Lầu Năm Góc cho biết khinh khí cầu đã quay trở lại không phận Mỹ vào ngày 31/1. Hôm 2/2, người ta nhìn thấy nó bay qua Montana, nơi đặt các giếng phóng tên lửa hạt nhân của Mỹ.

Việc phát hiện “khinh khí cầu do thám” diễn ra vào thời điểm nhạy cảm ở Trung Quốc. Nó diễn ra trước chuyến thăm dự kiến ​​ tới Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình của Ngoại trưởng Anthony Blinken. Sau khi phát hiện ra khinh khí cầu gián điệp, ông Blinken đã hủy chuyến đi.

Video về thời điểm chiếc F-22 phóng tên lửa bắn hạ khí cầu Trung Quốc

(Nguồn: Singtao).

Cựu chuyên gia phân tích Trung Quốc của CIA Dennis Wilder nói với VOA rằng vụ việc xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

"Chủ tịch Tập Cận Bình hiện đang thực hiện cái mà tôi gọi là một cuộc tấn công quyến rũ, bắt đầu sau khi chính sách ‘zero covid’ được dỡ bỏ". Wilder nói: "Ông Tập muốn nói với thế giới rằng Trung Quốc đã mở cửa kinh doanh trở lại. Ông ấy rất mong thấy các nhà đầu tư Mỹ quay trở lại.”

Wilder cho biết ông cho rằng vụ việc sẽ gây ra một vòng căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói: “Nếu Mỹ có thể chứng minh từ các thứ thu thập được dưới đáy biển rằng đây thực sự là một phi vụ gián điệp chứ không phải nghiên cứu khí tượng và đưa ra bằng chứng cho Trung Quốc, chúng ta sẽ khiến Trung Quốc bối rối”, "Chúng ta rất có thể làm cho PLA bối rối. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ rất khó quản lý, đặc biệt nếu Mỹ công khai cung cấp những thông tin này. Vì vậy, sắp tới sẽ là thời gian căng thẳng."