Mỹ-Trung cạnh tranh về điện mặt trời, các nước Đông Nam Á chịu tác động

Bộ Thương mại Mỹ hôm 29/11 đã đưa ra phán quyết sơ bộ về điều tra chống bán phá giá đối với các tấm quang điện (pin mặt trời) nhập từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Chính phủ Joe Biden đánh thuế nặng các tấm quang điện nhập từ Trung Quốc để bảo vệ sản xuất trong nước Mỹ. Ảnh: Thaiheadlines.

Thuế suất chống bán phá giá lên tới 271%

Bốn quốc gia này sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá từ 21,31% tới 271,28%, số tiền cụ thể tùy thuộc vào từng công ty. Phán quyết cuối cùng sẽ được công bố vào tháng 6/2025.

Đơn cử, tấm quang điện do JinkoSolar của Trung Quốc sản xuất ở Malaysia bị đánh thuế 21,31%, trong khi sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bị đánh thuế 56,51%. Tấm quang điện do Trina Solar của Trung Quốc sản xuất tại Thái Lan bị đánh thuế 77,85%.

Bộ Thương mại Mỹ cùng ngày đưa ra thông báo cho rằng việc các sản phẩm quang điện của Đông Nam Á được bán tại Mỹ với giá thấp hơn giá thành sản xuất là không công bằng. Hội đồng Thương mại sản xuất năng lượng Mặt trời Mỹ cáo buộc các công ty quang điện Trung Quốc đặt nhà máy ở 4 quốc gia Đông Nam Á trên bán phá giá sản phẩm trên thị trường, khiến giá trên toàn cầu giảm mạnh và đe dọa lợi ích của các công ty địa phương của Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng do sự phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm quang điện của Đông Nam Á, thuế của Mỹ đánh vào sản phẩm này không thể vực dậy ngành công nghiệp địa phương, đồng thời cũng sẽ khiến các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ phải chịu chi phí cao hơn và gánh chịu thiệt hại.

Đây là lần thứ hai Bộ Thương mại Mỹ đánh thuế sơ bộ đối với các sản phẩm quang điện nhập khẩu từ Đông Nam Á. Ngày 1/10 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả phán quyết chống trợ cấp sơ bộ đối với các sản phẩm này. Mức thuế dao động từ 2,85% đến 23,06%, nhìn chung thấp hơn dự đoán của thị trường.

Để tránh thuế bán tháo, các doanh nghiệp quang điện Trung Quốc chuyển dây chuyền sản xuất tấm quang điện sang các nước Đông Nam Á. Ảnh: AFP.

Các công ty Trung Quốc chuyển dây chuyền sang Đông Nam Á

Trên thực tế, kể từ khi Mỹ tuyên bố áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm quang điện của Trung Quốc năm 2012, các công ty quang điện của Trung Quốc đã bắt đầu cân nhắc chuyển hoạt động kinh doanh sang các nước Đông Nam Á không bị ảnh hưởng bởi thuế quan.

Từ năm 2014, các công ty Trung Quốc dần triển khai và mở rộng đầu tư vào Đông Nam Á, thị phần sản phẩm quang điện của Trung Quốc tại Mỹ cũng bắt đầu giảm. Đặc biệt vào năm 2018, xuất khẩu mô-đun quang điện của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm tới 90% so với cùng kỳ năm trước.

Năm ngoái, chỉ 0,03% xuất khẩu mô-đun quang điện của Trung Quốc được bán sang Mỹ, trong khi Đông Nam Á chiếm 82% lượng sản phẩm nhập khẩu của Mỹ. Với việc 4 quốc gia Đông Nam Á nổi lên như những “trạm trung chuyển” cho các sản phẩm quang điện của Trung Quốc bán sang Mỹ, việc Washington áp dụng thuế quan đối với họ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Hành động thuế quan này của Mỹ nhắm vào các sản phẩm quang điện từ 4 quốc gia Đông Nam Á bắt đầu vào năm 2021. Vào tháng 4 năm đó, Hội đồng Thương mại sản xuất năng lượng Mặt trời Mỹ đã đệ trình kiến ​​nghị lên Bộ Thương mại, yêu cầu một cuộc điều tra chống gian lận đối với các sản phẩm quang điện từ 4 quốc gia Đông Nam Á.

Vào tháng 3/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức khởi động cuộc điều tra này. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất của ngành quang điện trong nước Mỹ không đủ, chính quyền Joe Biden tháng 6/2022 đã thông báo sẽ miễn thuế hai năm cho 4 nước Đông Nam Á.

Sản lượng quang điện ở Trung Quốc hiện cung đã vượt quá cầu. Ảnh: Orientaldaily.

Tháng 4/2024, Hội đồng Thương mại sản xuất năng lượng Mặt trời lại đệ đơn lên Bộ Thương mại để yêu cầu điều tra chéo đối với các sản phẩm quang điện từ 4 nước Đông Nam Á. Đơn đã được phê duyệt vào ngày 14/5 và Bộ Thương mại đã chính thức mở cuộc điều tra, đến tháng 10 và tháng 11 đã đưa ra các phán quyết bước đầu.

Điều đáng chú ý là quyết định cuối cùng sẽ do chính quyền Trump 2.0 đưa ra, điều này có thể đồng nghĩa với việc sẽ bị mức thuế suất cao hơn và rào cản thương mại do lập trường cứng rắn của ông Trump về thương mại.

Trên thực tế, các công ty quang điện Trung Quốc đã chuẩn bị cho các biện pháp thuế quan của Mỹ. Trang web Kim loại màu Thượng Hải phân tích rằng kể từ khi hết thời hạn chống bán phá giá và miễn trừ chống bán phá giá vào tháng 6/2024, năng lực sản xuất mô-đun của các công ty Trung Quốc tại Đông Nam Á đang dần chuẩn bị ngừng hoạt động. Tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn năng lực sản xuất đã bị đình trệ và chỉ có các sản phẩm tồn kho được bán ra bên ngoài.

Dịch chuyển sản xuất tới Mỹ

Các nhân viên liên quan của JA Solar cho biết, để phản ứng với hành động thuế quan mới nhất của Mỹ, mô-đun đầu tiên của công ty có trụ sở tại Mỹ đã xuất xưởng. Nếu thuế chống bán phá giá tiếp theo của Mỹ đối với tấm quang điện từ 4 nước Đông Nam Á quá cao, công ty sẽ xem xét tung hàng từ các nhà máy ở Mỹ để tránh thuế quan.

Lý do khiến các công ty Trung Quốc kiên trì chuyển sang thị trường Mỹ không chỉ vì Mỹ là thị trường quang điện lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, mà quan trọng hơn là thị trường trong nước đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất nghiêm trọng.

Đóng gói các tấm quang điện để xuất sang Mỹ. Ảnh: Singtao.

Kể từ khi Trung Quốc đề xuất mục tiêu "3060" (giảm phát thải), ngành công nghiệp quang điện đã phát triển nhanh chóng. Ngày càng có nhiều công ty xuyên biên giới tham gia thị trường. Số lượng công ty quang điện đã tăng vọt từ 115.400 năm 2021 lên tới 884.700 vào năm 2022.

Tiếp theo là việc liên tục mở rộng năng lực sản xuất. Quy mô năng lực sản xuất năm 2023 đã gần gấp đôi nhu cầu thị trường. Kể từ đầu năm 2023, giá sản phẩm trong chuỗi công nghiệp quang điện chính liên tục giảm. Giá mô-đun quang điện đã giảm khoảng 49% trong cả năm, trong khi giá vật liệu polysilicon đã giảm 67%. Đồng thời, toàn bộ ngành đã rơi vào cuộc chiến giá cả và cạnh tranh khốc liệt, số liệu báo cáo tài chính xấu đi toàn diện.

Dữ liệu cho thấy trong ba quý đầu năm 2024, 72 công ty quang điện lớn cổ phiếu hạng A đã thực hiện doanh thu 824,619 tỷ NDT, giảm 19,70% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng chỉ là 9,681 tỷ nhân dân tệ, giảm tới 91,94% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tình hình này, tầm quan trọng của thị trường Mỹ đối với các nhà sản xuất quang điện lớn của Trung Quốc là điều hiển nhiên. Báo cáo mới nhất do Grand View Research công bố cho thấy đến năm 2030, tổng công suất quang điện được lắp đặt ở Mỹ sẽ tăng từ 33GW năm 2023 lên 377GW. Thị trường quang điện ở Mỹ dự kiến ​​sẽ đạt 96,6 tỷ USD từ năm 2023 đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng là 13,7%/năm.

Rõ ràng, cho dù việc ông Trump lên nắm quyền đã khiến triển vọng của thị trường quang điện trở nên khó lường, “Đạo luật giảm lạm phát” được chính quyền Biden thông qua cũng đối mặt với nguy cơ các khoản trợ cấp quan trọng bị loại bỏ, thị trường Mỹ vẫn sẽ là một miếng bánh khổng lồ mà các công ty quang điện Trung Quốc không thể bỏ qua.

Theo Orientaldaily, Oror