|
Ngày 29/11/2017, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15. Ảnh: KCNA. |
Mỹ và Triều Tiên liên tục đe dọa chiến tranh
Ngày 29/11, Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Hwasong-15, nghe nói có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.
Ngày 2/12, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Herbert R. McMaster tuyên bố khả năng xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên "ngày càng tăng mạnh". Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, chính quyền Triều Tiên sẽ bị “hủy diệt hoàn toàn” nếu chiến tranh xảy ra.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố, Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận chung quy mô lớn và Mỹ đe dọa phát động tấn công đánh đòn phủ đầu đối với Bình Nhưỡng, làm cho chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên đã trở thành “sự thực đã rồi”. Hãng tin KCNA cho rằng “hiện nay chỉ còn lại vấn đề là: chiến tranh lúc nào xảy ra?”.
Tuyên bố của Triều Tiên nhấn mạnh: “Chúng tôi không cầu chiến tranh, nhưng sẽ không tránh chiến tranh. Nếu Mỹ đánh giá sai tính kiên nhẫn của chúng tôi và điểm hỏa ngòi nổ chiến tranh hạt nhân, chúng tôi sẽ sử dụng lực lượng hạt nhân mạnh mẽ và không ngừng tiến bộ để Mỹ phải trả giá thê thảm”.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng những phát biểu hiếu chiến của chính khách Mỹ và cuộc tập trận nhằm vào Triều Tiên đã làm cho Triều Tiên cảm thấy bất an. “Tất cả những phát biểu của quan chức Mỹ đều đang cảnh báo, Triều Tiên cần làm tốt chuẩn bị chiến tranh”.
Tuy nhiên, trang tin Zaobao Singapore ngày 7/12 dẫn lời chuyên gia Mỹ cho rằng ý nghĩa của động thái này của Triều Tiên không có gì khác biệt quá lớn so với trước đây, chỉ là đe dọa và phô trương thanh thế.
Triều Tiên hù dọa Mỹ để đắc lợi?
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell, một quan chức ngoại giao từ Viện nghiên cứu chính sách Hiệp hội châu Á phân tích cho rằng: "Vũ khí hạt nhân chỉ có 2 tác dụng là làm nổ hoặc người khác đưa tiền cho bạn để bạn không làm nổ. Triều Tiên rõ ràng không định làm nổ. Triều Tiên không phải muốn khai chiến, chỉ hù họa muốn khai chiến. Triều Tiên tìm mọi cách để phô trương khả năng tên lửa xuyên lục địa chính là để hù dọa Mỹ, ép Mỹ để đổi lấy sự ổn định.
Từ ngày 4 - 8/12, Mỹ và Hàn Quốc triển khai cuộc tập trận chung quy mô siêu lớn Vigilant Ace ở bán đảo Triều Tiên, phô diễn khả năng đánh đòn phủ đầu và các máy bay chiến đấu mới với Triều Tiên, đồng thời mô phỏng tiến hành tấn công chính xác đối với các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tham gia cuộc tập trận có hơn 230 máy bay chiến đấu của Mỹ và Hàn Quốc, trong đó có các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm như F-22, F-35. Ngoài ra, có khoảng 12.000 binh sĩ Mỹ tham gia.
Tờ Rodong Shinmun Triều Tiên ngày 4/12 cho rằng cuộc tập trận chung Vigilant Ace Mỹ - Hàn đã "đổ thêm dầu vào lửa" cho tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên, là khúc dạo đầu nổ ra chiến tranh hạt nhân.
Những nhân tố kiềm chế chiến tranh
Chuyên gia quân sự Trung Quốc, thiếu tướng nghỉ hưu Từ Quang Dụ cho rằng cuộc tập trận chung quy mô siêu lớn của Mỹ - Hàn mặc dù đã làm trầm trọng thêm bầu không khí căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, nhưng còn chưa đến mức đi đến xung đột quân sự.
Từ Quang Dụ nói: "Theo thông lệ, nếu thực sự sắp nổ ra chiến tranh thì Mỹ sẽ không công khai thể hiện tư thế lớn như vậy. Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung phần nhiều là để gây sức ép quân sự, hoàn toàn không phải là hành động chiến tranh thực sự".
Từ Quang Dụ cho rằng ở bán đảo Triều Tiên ít có khả năng xảy ra xung đột quân sự, bởi vì có một số lực lượng đang kiềm chế chiến tranh, chẳng hạn Hàn Quốc lo hậu quả khi đứng ở nơi "đầu sóng ngọn gió", còn Nhật Bản lo ngại phóng xạ hạt nhân.
Đối với vấn đề phóng xạ hạt nhân, Từ Quang Dụ chỉ ra, sự kiện nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản đã cho thấy nếu bán đảo Triều Tiên bị ô nhiễm hạt nhân, vật chất phát tán ra sẽ bay theo hướng đông ở luồng khí trên cao, khu vực bị ảnh hưởng là Nhật Bản và Alaska Mỹ, vì vậy Mỹ và Nhật Bản đều sẽ không hy vọng nhìn thấy nổ ra sự cố hạt nhân.