Mỹ triển khai máy bay ném bom tới Na Uy “dằn mặt” Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không quân Mỹ lần đầu tiên triển khai các máy bay ném bom B-1 tới Na Uy để gửi tín hiệu với Nga rằng quân đội Mỹ sẽ hoạt động ở khu vực chiến lược Bắc Cực và bảo vệ các đồng minh.
Máy bay ném bom B-1 của Mỹ được triển khai tới Na Uy (Ảnh: US Air Force)
Máy bay ném bom B-1 của Mỹ được triển khai tới Na Uy (Ảnh: US Air Force)

4 máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ và khoảng 200 nhân sự đến từ căn cứ không quân Dyess ở Texas sẽ được triển khai tới căn cứ không quân Orland ở Na Uy, và trong vòng 3 tuần tới, các nhiệm vụ của họ sẽ bắt đầu ở Vòng Cực và không phận quốc tế ở phía Tây Bắc nước Nga; CNN dẫn nhiều nguồn tin quốc phòng cho hay.

Cho đến nay, các nhiệm vụ quân sự ở Bắc Cực phần lớn chỉ được thực hiện ở khu vực xung quanh Liên hiệp Vương quốc Anh. Việc triển khai quân lực tới sát Nga hơn đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ có khả năng hành động nhanh chóng hơn trước những hoạt động quân sự của Nga; một số quan chức cho hay.

“Sự sẵn sàng hành động và khả năng hỗ trợ các đồng minh, đối tác, phản ứng nhanh chính là yếu tố quan trọng để dẫn tới thành công” – Jeff Harrigan, tư lệnh các lực lượng không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, nói.

Trong vài tháng gần đây, Lầu Năm Góc đã điều một nhóm máy bay ném bom B-52 tới Trung Đông như cách để phô diễn khả năng điều động nhanh quân lực của họ tới các khu vực có thể trở thành điểm nóng. Những cuộc triển khai ném bom như vậy thường mất nhiều tuần để lên kế hoạch, bởi vậ mà việc triển khai tới Na Uy lần này cũng được lên kế hoạch từ trước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã đánh tín hiệu rằng ông sẵn sàng áp dụng hướng tiếp cận cứng rắn hơn với Moscow so với người tiền nhiệm Donald Trump. Tháng trước, ông đã có cú điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin và đề cập tới hàng loạt vấn đề gây căng thẳng giữa hai nước, như vụ tấn công mạng đồ sộ gần đây, hay cáo buộc đầu độc một thủ lĩnh phe đối lập ở Nga.

Bộ Quốc phòng Mỹ từ lâu đã quan ngại về khả năng quân đội Nga đưa ra hành động để chặn đứng sự tiếp cận tới Bắc Cực, vì các nguồn tài nguyên tự nhiên và tuyến đường hàng hải.

“Các khoản đầu tư mới đây của Nga ở Bắc Cực bao gồm một mạng lưới trang thiết bị tấn công trên không và hệ thống tên lửa bờ biển” – Barbara Barrett, thư ký Không quân Mỹ dưới thời chính quyền Trump, từng cảnh báo.

Mỹ đánh giá rằng, Nga coi việc duy trì tiếp cận với Bắc Cực ngày càng quan trọng hơn, bởi gần 25% GDP của họ đến từ nguồn hyđrocacbon ở phía Bắc Vòng Cực.; theo Barrett.

Tháng trước, một chiến đấu cơ của Nga đã bay sát tàu USS Donald Cook, tàu khu trục Mỹ, trên vùng biển quốc tế thuộc Biển Đen.

Hải quân Mỹ thường xuyên cho tàu đi dọc vùng biển này để gửi thông điệp rằng họ sẽ duy trì quyền tiếp cận tuyến hàng hải trong khu vực.

Vụ chạm mặt trên mặc dù không nghiêm trọng, nhưng Hải quân Mỹ đã đưa ra một tuyên bố nói rằng “việc Su-24 của Nga bay sát không cần thiết như vậy là đi ngược với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế. Hạm đội 6 của Mỹ cam kết duy trì tự do di chuyển trên các vùng biển quốc tế, đối với tất cả các quốc gia, ở Biển Đen”.