Mỹ tiếp tục kiềm chế nhà máy sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Từ cuối năm 2023, Bộ Thương mại Mỹ đã gửi hàng chục lá thư tới các nhà cung cấp linh kiện trong nước để thông báo đình chỉ giấy phép bán linh kiện cho SMIC - nhà máy sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Theo SCMP, chính quyền Biden đang tăng áp lực lên nhà sản xuất chip của Trung Quốc bằng cách cắt quyền nhập khẩu của họ từ Mỹ sau khi họ sản xuất chip cho mẫu máy Mate 60 Pro của Huawei.

Từ cuối năm 2023, Bộ Thương mại Mỹ đã gửi hàng chục lá thư tới các nhà cung cấp linh kiện trong nước để thông báo đình chỉ giấy phép bán linh kiện cho nhà máy tiên tiến nhất của SMIC.

“Đây là hành vi bắt nạt kinh tế rõ ràng và chắc chắn sẽ gây phản tác dụng. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ ngừng thổi phồng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực để đàn áp các công ty Trung Quốc”, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho biết.

Việc Bộ Thương mại đình chỉ giấy phép nhập khẩu cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đã có hành động kìm hãm SMIC làm suy giảm khả năng sản xuất chip tiên tiến của công ty này.

Áp lực đó đã gia tăng kể từ tháng 8, khi gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đã gây chấn động thế giới với một chiếc điện thoại mới được trang bị con chip được sản xuất trên tiến trình 7 nanomet. Huawei Mate 60 Pro được coi là biểu tượng cho sự hồi sinh công nghệ của Trung Quốc bất chấp những nỗ lực không ngừng của Washington nhằm làm kìm hãm năng lực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của quốc gia tỉ dân.

Mẫu điện thoại từ Huawei được trang bị vi xử lý cao cấp Kiri900S phát triển và sản xuất trong nước, bất chấp các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ, cùng với nền tảng di động HarmonyOS thay thế Android.

Đây là bước tiến khiến giới công nghệ quốc tế bất ngờ bởi công ty Trung Quốc chịu sự cấm vận của Mỹ, không thể tiếp cận với các kiến trúc xử lý mới và thiết bị quang khắc tinh vi.

Bà Lita Shon-Roy, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu thị trường Techcet, cho biết SMIC South có thể sẽ chuyển sang các nguồn cung từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc cho hầu hết các hóa chất và linh kiện được sử dụng trong quá trình sản xuất chip.

Tuy nhiên, nếu cơ sở hàng đầu của SMIC “chứng kiến ​​chuỗi cung ứng tại Hoa Kỳ đột ngột bị cắt đứt, điều đó có khả năng làm gián đoạn hoạt động sản xuất của họ từ 3 đến 9 tháng tùy thuộc vào lượng hàng tồn kho”, bà nói.

Bà Lita Shon-Roy cũng lưu ý rằng sẽ mất thời gian để tìm và tiến hành thử nghiệm nghiêm ngặt các nhà cung cấp mới trừ khi SMIC South đã chuẩn bị những phương án dự phòng từ trước.

Theo SCMP