|
Tàu sân bay Mỹ ngày càng hoạt động thường xuyên hơn trên Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm vào Trung Quốc (Ảnh: Getty). |
Theo trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 9/8, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng James McConville mới đây nói Mỹ đang xem xét lại việc triển khai quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để đảm bảo có đủ hỏa lực và lực lượng để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc, trong đó bao gồm việc“Thành lập các lực lượng tác chiến chung đa quân binh chủng” (establishing joint all-domain task forces).
Trong một cuộc hội thảo trực tuyến do cơ quan tư vấn "Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế" Washington (CSIS) tổ chức gần đây, ông McConville nói, là một phần của chiến lược răn đe của Hoa Kỳ, ông sẽ coi "hỏa lực chính xác tầm xa" (long-range precision fire) là ưu tiên hàng đầu hiện nay, để đánh giá các lựa chọn khác nhau nhằm triển khai các hệ thống vũ khí như vậy ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những thay đổi trong việc triển khai lực lượng cũng bao gồm việc "thành lập một lực lượng chiến đấu chung đa quân binh chủng". Ông nói: “Điều này sẽ giúp chúng ta vượt qua các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc và Nga”.
Vào tháng 1 năm nay, Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ Ryan McCarthy đã tuyên bố, Hoa Kỳ có kế hoạch triển khai hai lực lượng đặc nhiệm ở Thái Bình Dương trong vòng hai năm để thực hiện các nhiệm vụ về tình báo, điện tử, tác chiến mạng và tên lửa đối phó Trung Quốc. "Lực lượng đặc nhiệm đa lĩnh vực" (Multi-Domain Task Forces) này có thể sẽ được trang bị vũ khí chính xác tầm xa, tên lửa siêu thanh, tên lửa tấn công chính xác, cùng khả năng tác chiến điện tử và tác chiến mạng. Reuters tiết lộ rằng các căn cứ của lực lượng này có thể đặt ở Philippines và các đảo phía đông Đài Loan.
|
Tướng James McConville: Mỹ đang xem xét lại việc triển khai quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để đảm bảo có đủ hỏa lực và lực lượng để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc (Ảnh: Creaders).
|
Trước đó, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger hồi tháng 3 năm nay đã đề xuất kế hoạch "Thiết kế Lực lượng 2030" (Force Design 2030), dự định cắt giảm số lượng máy bay chiến đấu, giảm vai trò của Thủy quân lục chiến trong tác chiến mặt đất, để thành lập các Trung đoàn LTĐB tác chiến trên biển" (Marine Littoral Regiments) được trang bị tên lửa và máy bay không người lái, ngăn cản đối phương kiểm soát khu vực tranh chấp bằng cách đe dọa các tàu và máy bay quân sự của đối phương.
Ngoài ra, tờ "Stars and Stripes" của Bộ Quốc phòng Mỹ số ra ngày 1/8 đã tiết lộ. Lực lượng Vệ binh quốc gia của Lục quân Mỹ (US Army Naitonal Guard) sẽ đặt hầu hết các đơn vị cấp lữ đoàn dưới sự chỉ huy của 8 bộ chỉ huy sư đoàn để tăng cường sức mạnh chiến đấu đối phó với sự cạnh tranh trong tương lai với các cường quốc Trung Quốc và Nga.
Nhà quan sát quân sự Hồng Kông Tống Trung Bình (Song Zhongping) chỉ ra rằng kế hoạch chuyển đổi mô hình quân sự nói trên của Hoa Kỳ là hoạt động triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính phủ Donald Trump để đối phó với các mối đe dọa của Trung Quốc. Quân đội Hoa Kỳ hy vọng thông qua một hệ thống tác chiến chung mạnh mẽ, sẽ tích hợp triển khai hỏa lực trên bộ, trên không, trên biển và vũ trụ, để tăng cường khả năng tấn công, mục tiêu là phong tỏa mọi tuyến đường trên biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời hợp tác với các đồng minh trong khu vực để ngăn cản hạm đội hải quân Trung Quốc đột phá "chuỗi đảo thứ nhất".