|
Ông Trump đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO nếu cần thiết (Ảnh: AFP) |
"Chúng ta sẽ rời khỏi nếu phải làm vậy" - ông Trump nói trong một sự kiện tranh cử ở Pittsburgh - "Họ đã lừa đảo chúng ta suốt nhiều năm liền, và điều này sẽ không tiếp diễn nữa".
Ông chủ Nhà Trắng nói rằng Mỹ không cần WTO nếu như tổ chức này không thể sửa chữa những lỗ hổng cho phép một số các quốc gia nhất định lợi dụng.
"Họ xem một số nước nhất định như Trung Quốc, Ấn Độ, nhiều nước... là các nước đang phát triển. Thực tế các nước này đã phát triển và họ có nhiều lợi thế to lớn. Chúng ta sẽ không để điều này tiếp tục diễn ra" - ông Trump cảnh báo.
Tổng thống Trump thường xuyên nhắc lại những lời chỉ trích nhằm vào WTO, cho rằng Mỹ chịu nhiều bất lợi khi là một thành viên của khối này. Ông còn liên tục gọi WTO là "thảm họa" và "thảm họa của nước Mỹ". Mới đây nhất, ông Trump đã chỉ đạo Đại diện Thương mại Robert Lighthizer phải đảm bảo WTO phải thay đổi, để ngăn chặn các nước đang phát triển hưởng lợi từ các lỗ hổng trong quy định của WTO.
Trong một biên bản ghi nhớ, Nhà Trắng chỉ ra rằng Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang tự nhận mình là nước đang phát triển, từ đó "cho phép họ hưởng nhiều lợi ích từ hiện trạng này và tìm các cam kết yếu hơn so với các cam kết mà các thành viên khác của WTO đưa ra".
Sau khi tung ra biên bản ghi nhớ trên, ông Trump nói trong một tuyên bố rằng WTO đã "sụp đổ" khi các nước giàu có nhất thế giới lại tự nhận mình là đang phát triển và được hưởng sự đối xử đặc biệt để né tránh các quy định của WTO.
Bản ghi nhớ này chỉ ra rằng, 7/10 nền kinh tế giàu nhất thế giới - theo GDP đầu người - hiện đang được công nhận là nước đang phát triển: Brunei, Hong Kong, Kuwait, Macau, Qatar, Singapore và UAE. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - bị Mỹ chỉ trích là bên lợi dụng nhiều nhất các quy định của WTO. Kể từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc luôn khăng khăng cho rằng họ là nước đang phát triển - theo biên bản ghi nhớ trên.
Các cuộc thảo luận về cải cách WTO đã diễn ra trong suốt nhiều năm liền nhưng 164 nước thành viên của tổ chức này vẫn chưa đạt được thỏa thuận. WTO hiện bị chia làm 2 phe, trong đó một phe ủng hộ phát triển sâu hơn tổ chức này theo định dạng hiện nay, trong khi phe còn lại kêu gọi phát triển định dạng mới.