|
Mỹ có thể bố trí 2 hạm đội hải quân ở khu vực tây Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc |
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thời gian qua đang rất căng thẳng vì vấn đề biển Đông. Mặc dù đã đưa tàu chiến và máy bay chiến đấu vào khu vực này, nhưng sự phát triển lực lượng của Trung Quốc cũng buộc hải quân Mỹ không ngừng điều chỉnh sách lược tác chiến để có thể chiếm thế thượng phong.
Bài viết nhận định, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, quân đội Mỹ luôn có thế mạnh tuyệt đối ở các vùng biển chung, không hải quân quốc gia nào có thể tạo thành mối đe dọa lớn đối với Mỹ. Tuy nhiên, 10 năm qua, Trung Quốc đang gấp rút xây dựng cho mình một lực lượng hải quân không thể coi thường, mỗi năm bỏ ra hàng chục tỉ USD chế tạo mấy chục tàu chiến mới với đủ quy mô, đồng thời sở hữu kho vũ khí tên lửa đáng gờm.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc thúc đẩy các sĩ quan chỉ huy hải quân Mỹ nhìn nhận và đánh giá lại sách lược tác chiến của họ, đồng thời bắt đầu gấp rút mua tên lửa chống tàu mới cho tàu chiến mặt nước của mình. Lầu Năm Góc dự định sẽ cải tạo hệ thống tên lửa hiện có, những tên lửa này vốn được thiết kế nhằm vào mục đích khác - trước hết là bắt đầu từ tên lửa hành trình Tomahawk , trước đây, loại tên lửa này được sử dụng để cố định mục tiêu trên bộ.
Quan chức hải quân Mỹ cũng thừa nhận, Mỹ sẽ không còn cho rằng họ mãi mãi giữ vị thế số 1 trên biển nữa, có thể họ cũng sẽ chịu nhiều thương vong nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Với vai trò là một phần của chiến lực mới, các quan chức phụ trách mảng phòng ngự của Mỹ đang tập trung vào các căn cứ không quân nằm trên những hòn đảo ở Thái Bình Dương xa xôi nhằm hạn chế sự suy yếu của các căn cứ quân sự lớn nằm trong phạm vi tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.
Mỹ gấp rút thay đổi sách lược
Lần gần đây nhất hải quân Mỹ đánh chìm tàu của quốc gia khác là năm 1988, khi đó, tàu hộ vệ USS Simpson (FFG-56) của Mỹ bắn trúng một thiết giáp hạm của Iran. Bốn ngày trước đó, một ngư lôi của Iran đánh trúng vào một tàu Mỹ ở vịnh Persic.
Kể từ đó trở đi, hạm đội tàu chiến Mỹ đã nghiên cứu và chế tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa, máy bay không người lái, hệ thống định vị thủy âm, máy bay chiến đấu tiên tiến mới. Tuy nhiên, hải quân Mỹ vẫn đang sử dụng tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon được đưa vào sử dụng lần đầu tiên từ năm 1977.
Một số quan chức Mỹ cho rằng, tàu chiến của Mỹ có thể đánh trúng hoặc tránh được tên lửa chống hạm lỗi thời AGM-84 Harpoon nếu xảy ra xung đột, Mỹ cần loại vũ khí tiên tiến hơn để quốc gia này sở hữu sức mạnh đối kháng tin cậy.
Chính vì những lý do trên mà hải quân Mỹ đã bắt đầu trang bị tên lửa chống tàu có tầm bắn xa hơn, hiệu quả hơn cho tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của họ. Tháng 1-2014, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm với một tên lửa AGM-84 Harpoon đã được cải tiến, xem nó có thể bắn trúng các mục tiêu di động trên biển hay không. Một quan chức quốc phòng cho biết, cuộc thử nghiệm đã thành công. Người phát ngôn của hải quân Mỹ Robert Myers cho biết, hải quân nước này kế hoạch trong vài năm tới sẽ trang bị loại vũ khí này cho hạm đội tàu chiến.
Hải quân Mỹ cũng đang nghiên cứu cải tạo vũ khí kiểu mới (tên lửa chống hạm tầm xa), tên lửa này vốn được phóng từ máy bay. Các lựa chọn khác bao gồm tên lửa tấn công trên biển do Na Uy chế tạo đang ở giai đoạn sản xuất, hoặc là cải tạo tên lửa đánh chặn SM-6 tiên tiến.
Trong cuộc cạnh giành giật sự ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dường như các sĩ quan chỉ huy của quân đội Mỹ quyết định duy trì thế mạnh dẫn đầu của họ đối với quân đội Trung Quốc. Khẩu hiệu “nếu nó nổi được thì nó phải chiến đấu được” mà một quan chức cấp cao của hải quân Mỹ đưa ra cho thấy, tàu chiến mặt nước của Mỹ cần nhiều hỏa lực hơn, chứ không phải chỉ dựa vào tàu sân bay và tàu ngầm để phát động các cuộc tấn công.
Trung tướng Thomas Roden – sĩ quan chỉ huy lực lượng tàu chiến mặt nước của hải quân Mỹ kêu gọi, để hạm đôi tàu chiến có sức tấn công mạnh hơn, bao gồm trang bị vũ khí cho tàu tiếp tế vốn không được trang bị.
Sau khi bố trí lực lượng tên lửa mới có thể tấn công tàu chiến của kẻ thù, đối thủ “không còn chỉ lo ngại ngư lôi do mẫu hạm hoặc tàu ngầm phóng đi, họ buộc hpari lo ngại cả lực lượng tàu chiến mặt nước, hơn nữa các tàu chiến này có đủ năng lực tấn công đối thủ”.
Ngoài việc trang bị vũ khí mới cho tất cả các tàu hải quân, mối đe dọa Trung Quốc không ngừng mở rộng kho vũ khí đạn dược cũng hoàn toàn làm thay đổi phương thức tư duy chiến lược của Lầu Năm Góc.
Việc Trung Quốc sở hữu một lượng lớn tên lửa chống hạm và đánh chặn với tầm bắn xa đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ không còn cho rằng họ có thể tự do đi vào khu vực phía Tây Thái Bình Dương khi xảy ra xung đột. Tầm bắn của tên lửa Trung Quốc đạt từ 100 đến 900 hải lý (1 hải lý = 1,85 km), chúng có thể khiến hải quân Mỹ không thể nhúc nhích, hoặc bị chặn đứng ở ngoài khu vực xảy ra xung đột tại Thái Bình Dương.
Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại cái gọi là “sát thủ mẫu hạm” tên lửa đạn đạo “Đông Phong -21D”. Trong khi Trung Quốc đã bắt đầu lắp đặt tên lửa hành trình YJ-18 – dự đoán cũng sẽ lắp đặt loại tên lửa này trên tàu ngầm. Sau khi phóng, trong giai đoạn đầu tiên, tên lửa YJ-18 có thể bay xa 178km với vận tốc Mach 0.8, do có động cơ phản lực. Ở giai đoạn sau, tên lửa di chuyển thêm 38km với tốc độ nhanh hơn, lên đến Mach 2,5-3. Hai loại tên lửa nói trên đều có thể buộc các đội tàu mẫu hạm và máy bay chiến đấu dừng chân ở nơi cách chiến tuyến rất xa.
Điều này đồng nghĩa với việc, phương pháp cũ mà trước đây Mỹ vẫn áp dụng là bỏ ra vài ngày để phá hủy hệ thống phòng thủ của đối thủ rồi có thể tùy ý hành động không còn khả thi. Một cựu quan chức của Lầu Năm Góc đã nói như vậy.
Do xem xét tới tầm bắn của tên lửa tầm trung và tầm xa, quân đội Mỹ không còn kỳ vọng vào thắng lợi tuyệt đối, nhưng họ sẽ nhanh chóng hành động để ngăn ngừa Trung Quốc thực hiện mục tiêu, phần này sẽ phụ thuộc vào hệ thống máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ.
Theo QPAN