Mỹ ra tay khắc chế “sát thủ chiến hạm” DF-26 Trung Quốc

Mỹ đang tiến hành nâng cấp các khu trục hạm lớp Arleigh Burke nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc, loại tên lửa được cho là có khả năng đánh chìm các chiến hạm cỡ trung, biên tập viên Harry Kazianis cho biết thông tin trên tạp chí National Interest.
Tên lửa DF-26 của Trung Quốc

Tại một cuộc họp báo ngày 4/9, hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin đã thông báo một hợp đồng mới trị giá 428 triệu USD để hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa hải quân Aegis lừng danh cả về phần cứng lẫn phần mềm trong 10 năm tới. Thông tin này được công bố đúng một ngày sau khi Trung Quốc lần đầu tiên đem khoe loại tên lửa DF-26 tại cuộc duyệt binh rầm rộ hôm 3/9.

Đám đông dự lễ duyệt binh được thông báo rằng loại tên lửa DF-26 có thể được sử dụng để tấn công và nhấn chìm các loại tàu chiến cỡ trung như tuần dương hạm và khu tru trục hạm, cũng như phá hủy các căn cứ quân sự lớn nằm ở khu vực giữa Thái Bình Dương.

Những lời thuyết minh cho thấy các tên lửa DF-26 có thể được dùng tấn công các khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Mỹ trong các cuộc xung đột tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ, liên quan biển Hoa Đông và Biển Đông.

Các khu trục hạm lớp Arleigh Burke sẽ được nâng cấp hệ thống phòng thủ Aegis nhằm vô hiệu hóa tên lửa DF-26.

Chuyên gia Kazianiss cho biết thêm đã đến thời điểm hải quân Mỹ xem xét chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa chống chiến hạm. Với tầm bắn 2.500 dặm, tên lửa DF-26 có khả năng làm phức tạp thêm khả năng Mỹ phóng chiếu quyền lực và ảnh hưởng tại khu vực tây Thái Bình Dương.

Lockheed Martin cho biết chương trình nâng cấp sắp tới nhằm mục tiêu đồng bộ hệ thống chiến đấu Aegis với các tàu khu trục Arleigh Burke thế hệ III của hải quân Mỹ. Dự án cũng hiện đại hóa các tàu chiến đấu mặt nước, bao gồm các tuần dương hạm và khu trục hạm phiên bản Aegis mới nhất được biết dưới cái tên Baseline 9, được phát triển nhằm cùng lúc phòng thủ bảo vệ các chiến hạm chống lại nguy cơ từ các cuộc tấn công đường không, bao gồm máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Theo QPAN