|
Tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ (Ảnh minh họa) |
Trước tiên, hãy ngừng dò đoán xem đó là vũ khí phòng thủ hay tấn công, sát thương hay không sát thương. Chắc chắn tất cả các loại vũ khí này đều sát thương, thậm chí là vũ khí nổi tiếng phòng thủ cũng có thể được sử dụng để chống lại các đơn vị hoặc vũ khí tấn công, do đó chúng đều đóng vai trò quan trọng trong mũi tấn công.
Thứ hai, tác chiến hiện đại quá phức tạp, do đó một hệ thống vũ khí không thể có tác động lớn đến mức làm thay đổi cục diện trên chiến trường. Khi Hezbollah sử dụng các súng chống tăng do Nga sản xuất như RPG-29, AT-14 Kornet và Metis-M và tiêu diệt thành công xe tặng hiện đại bậc nhất của Israel là Merkava-4, điều này cũng không quyết định kết quả của cuộc chiến.
Đúng là Israel hết sức kinh ngạc trước chiến thắng này, nhưng cũng không hơn cuộc tấn công tên lửa của Hezbollah vào tàu khu trục lớp Saar-5, INS Spear, hay hệ thống phòng thủ mà Hezbollah đã xây dựng trong những năm qua đặt ở ngay biên giới Israel- Li-băng. Rõ ràng nỗi ám ảnh về vũ khí công nghệ cao của phương Tây và sự tin tưởng vô cớ rằng vũ khí đắt tiền sẽ tốt hơn vũ khí rẻ tiền đã phản ánh nền văn hóa quân đội không dựa trên truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm hay chiến thuật mưu lược để giành chiến thắng trên chiến trường.
Vả tất cả những triết lý vô nghĩa này đều hoàn toàn sụp đổ vào năm 2006, khi lực lượng hạng hai của Hezbollah đã đánh thắng lực lượng tinh nhuệ nhất trong quân đội Israel vốn nổi tiếng là “bất khả chiến bại”, bao gồm cả lữ đoàn Golani. Và Hezbollah đã chiến thắng vì rõ ràng chiến binh Hezbollah tràn đầy trí tuệ và tinh thần chiến đấu quả cảm, trong khi quân đội phương Tây lại không hề có những phẩm chất này.
Lãnh tụ Hassan Nasrallah của Hezbollah đã lý giải điều này trong bài phát biểu “Chiến thắng của chúa”: “Làm sao một đội quân mujahidin lại có thể đánh bại quân đội Israel mà không cần hỗ trợ và trợ giúp từ Chúa toàn năng? Kinh nghiệm chiến đấu phụ thuộc vào đức tin, kết hợp với tinh thần sẵn sàng hy sinh. Điều này cũng phụ thuộc vào lý do, kế hoạch, tổ chức, vũ trang và thực hiện các bước bảo vệ khi có thể".
Không cần phải nói, các chuyên gia quân sự phương Tây đã chọn cách lờ đi lời nói này. Và Washington thì chỉ tuyên bố rằng Israel đã thắng mà không thảo luận gì thêm.
Sự tin tưởng tuyệt đối vào các chiến dịch tuyên truyền trong nước đã khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ coi những tên lửa chống tăng phòng thủ được vận chuyển tới Kiev sẽ thay đổi cân bằng sức mạnh gữa quân đội Ukraine và phe dân quân ly khai, hay nói cách khác là giữa Ukraine và Nga. Tuy nhiên trên thực tế lại không phải như vậy.
Những người tin vào chiến dịch tuyên truyền của Mỹ sẽ phản bác lại rằng tên lửa Javelin tối tân mạnh hơn bất kỳ vũ khí nào từng được chứng kiến ở Ukraine, và điều này sẽ tạo ra khác biệt. Hãy cùng phân tích tuyên bố này kỹ hơn. Đúng là Javelin là hệ thống công nghệ cao tương đối phức tạp. Không giống như phần lớn vũ khí chống tăng khác, Javelin một khi đã bắn thì không cần phải điều khiển vì nó có chức năng tự dẫn đánh trúng mục tiêu. Do đó kíp phóng tên lửa có thể tìm chỗ nấp và không cần phải lo về việc đánh trúng mục tiêu.
Javelin cũng có thể tấn công xe tăng của kẻ thù từ trên cao, nơi mà vỏ bọc thép của xe tăng mỏng hơn là mặt trước hoặc các bên. Nhưng những tính năng này liệu có khiến Javelin trở thành siêu vũ khí hay không? Thực tế không hoàn toàn như vậy.
Tên lửa Javelin được vận hành bởi các chuyên gia trong điều kiện chuẩn và không có nguy cơ sẽ khác với khi sử dụng chống lại xe tăng của Nga được bảo vệ bởi bộ binh, súng bắn tỉa, pháo binh và hệ thống tên lửa của Nga. Thêm vào đó là địa hình phức tạp, các điều kiện thời tiết cực đoan (bùn, sương mù, mưa, nhiệt, tuyết, gió, thảm thực vật, làng mạc, thành phố, vv) và khả năng của vũ khí đột nhiên suy giảm nhanh chóng.
Bên cạnh đó, Javelin vốn cũng có tất cả các điểm bất lợi so với các hệ thống dẫn đường và nhắm bắn như việc phụ thuộc vào hệ thống làm mát chậm, tên lửa không thể điều khiển được khi đang bay và hệ thống dẫn đường dễ bị đánh lừa bằng các nguồn nhiệt.
Một trong số những vấn đề chính với việc chuyển giao hệ thống Javelin từ Mỹ sang Ukraine là Nga cũng sẽ tự do chuyển giao các hệ thống vũ khí sang cho lực lượng dân quân Donbass Novorussian, bao gồm các thiết bị gây nhiễu hồng ngoại, các hệ thống bảo vệ xe tăng chủ động, hoặc thậm chí là các tên lửa chống tăng. Không ai biết cách thức Javelin hoạt động chống lại các hệ thống hiện đại của Nga, nhưng kể cả nếu nó hoạt động tốt thì vẫn phải phụ thuộc vào việc huấn luyện và động lực không chỉ của lực lượng phóng tên lửa mà còn của các lực lượng hỗ trợ.
Cuối cùng, những vũ khí này không phải được sử dụng một cách riêng rẽ mà chỉ là một phần trong các nỗ lực tấn công hoặc phòng thủ. Kết quả của cuộc đối đầu sẽ là kết quả của nhiều đơn vị và hệ thống tham gia. Do đó, nếu lực lượng bộ binh yếu kém vì lực lượng chống xe tăng cũng không thể lật ngược tình thế.
Tuy nhiên vấn đề thực sự không phải là về kỹ thuật máy móc mà là vấn đề chính trị. Việc công khai đưa vũ khí đến Ukraine có nghĩa là về cơ bản Mỹ đã từ bỏ thỏa thuận Minsk II và không tôn trọng lập trường của Tây Âu.
Theo giới quan sát, thực tế trên chiến trường là Nga được coi là có ưu thế hơn, kiểm soát cách thức cuộc chiến leo thang và tốc độ leo thang. Chẳng hạn, Nga có thể cung cấp nhiều vũ khí chống tăng hơn một cách bí mật và chỉ trong vài ngày, trong khi Mỹ phải thực hiện trong vài tháng.
Hơn nữa, Nga có thể chọn cách đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa Javelin không chỉ bằng cách cử các hệ thống chống tăng đến chiến trường Donbass mà còn có thể đáp trả một cách bí mật và bất đối xứng. Nga có rất nhiều lựa chọn, bao gồm cả các biện pháp phi quân sự.
Sẽ không có gì đáng mỉa mai nếu, sau nhiều năm áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga nhằm khiến Mátxcơva ngừng ủng hộ quân ly khai, việc Mỹ đưa vũ khí chống tăng đến Ukraine sẽ khuyến khích Nga thực hiện điều mà nước này vốn đã tránh né, đó là tăng cường hậu thuẫn cho lực lượng Novorussia và chủ động gây bất ổn cho quân đội Ukraine.
Nếu họ nhận ra rằng mình không có gì để mất, và không nước phương Tây nào nghiêm túc tìm kiếm một giải pháp thông qua đàm phán thì Nga có thể sẽ công nhận hai nước cộng hòa Novorussia và cử quân đội đến đó. Nhưng lần này là công khai với truyền thông và sẽ cắm cờ ở biên giới.
Nếu điều này thật sự xảy ra, Mỹ sẽ làm gì? Đưa thêm nhiều vũ khí đến chăng? Hay sẽ đưa quân đội NATO đến? Châu Âu không muốn điều này, kể cả Ba Lan, và do đó Mỹ sẽ đơn độc với chính sách này khi tất cả các bên đều phản đối.
Sự thật là toàn bộ chuyện đưa tên lửa Javelin đến Ukraine hoàn toàn là mục tiêu tuyên truyền chính trị, và làm như vậy không những không đem lại khác biệt gì mà tệ hơn còn có thể gây ra leo thang căng thẳng trên chiến trường. Do đó, ý tưởng này chẳng có giá trị thực tế.
Đó cũng là cách lôi kéo những nhà dân túy Ukraine về giấc mơ đánh bại dân quân ly khai. Rõ ràng là quân đội và cộng đồng tình báo Mỹ hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc đưa vũ khí đến Ukraine nhưng lại không thể nói ra một cách công khai.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn mơ tưởng về việc đưa tên lửa Javelin đến Ukraine cũng giống như CIA đưa tên lửa Stinger tới Afghanistan, thứ vũ khí đã góp phần quan trọng trong việc chiến thắng Liên Xô.
Giấc mơ này tất nhiên đã vấp phải một số sai lầm nghiêm trọng khi bắt đầu với giả định rằng quân đội Ukraine sánh ngang với quân Mujahideen ở Afghanistan (nói cách khác là so sánh Novorussia với Liên Xô). Giấc mơ này cũng đã bỏ quên sự thật là trong khi Liên Xô ban đầu phải chịu sự tổn thất lớn vì Stinger. Nhưng ngay sau đó họ đã thích nghi và phát triển các biện pháp đối phó hiệu quả. Cuối cùng là ở Afghanistan, Liên Xô có lợi thế về vật chất và công nghệ so với quân Afghanistan, nhưng chưa chắc đã có lợi thế tuyệt đối như vậy với quân Novorussia.
Tóm lại, Stinger không đánh bại được Liên Xô và Javelin cũng sẽ không đánh bại được Novorussia.
Trong khi đó, có rất nhiều lý do để lo sợ cho tương lai của hai nước cộng hòa Novorussia. Thứ nhất, việc liên tục đưa vũ khí và chuyên gia từ phương Tây vào Ukraine có thể làm tăng khả năng của quân đội Ukraine. Thứ hai, trong những lĩnh vực quan trọng như trinh sát và dẫn bắn, quân đội Ukraine đã phát triển rất nhanh.
Câu hỏi bây giờ là quân Novorussia đã có sự chuẩn bị tốt ra sao và liệu họ có thành công trong việc khắc phục các vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua hay không.
Tựu chung lại việc đưa tên lửa Javelin tới Ukraine có thể là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi, nhưng không phải về mặt quân sự. Nó chỉ cho thấy rằng Mỹ không muốn một giải pháp hòa giải và châu Âu cũng không thể ngăn được Mỹ. Đây sẽ là một điều tồi tệ. Hiện nay một số chuyên gia Mỹ gợi ý rằng những vũ khí này có thể sẽ được duy trì ở Ukraine nhằm đối phó trong trường hợp Nga tấn công.
Tuy nhiên điều này sẽ thật nực cười vì nếu Nga tấn công, kể cả có đến 200 tên lửa Javelin thì cũng chẳng tạo ra sự khác biệt. Hơn nữa, việc chỉ sử dụng các vũ khí tối tân sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Tóm lại, việc triển khai Javelin sẽ chẳng tạo ra sự thay đổi nào trên chiến trường nhưng sẽ có thể tác động lớn đến chính trường.