Mỹ “phục kích” diệt tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Đông

VietTimes -- Hải quân Mỹ nhận định, để giành được thắng lợi trước lực lượng tàu ngầm Trung Quốc, nhiệm vụ chống ngầm sẽ bao gồm các hoạt động tiêu diệt, phá hủy tàu ngầm đối phương tại căn cứ, trên đường hành quân đến địa điểm tập kết triển khai nhiệm vụ...
Cụm tàu sân bay tấn công chủ lực USS Dright Eisignhower Mỹ

Cách đây hai tuần, một hải đội thuộc hạm đội Nam Hải trong đó có 1 tàu ngầm lớp Type 093A số hiệu 409 đã hải hành qua eo biển Malacca. Sự xuất hiện của tàu ngầm nguyên tử tấn công PLA một lần nữa cảnh báo Hải quân Mỹ về nguy cơ của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc

Nhằm đối phó với nguy cơ xung đột ngày càng tăng trên Biển Đông và có thể lan tỏa ra Thái Bình Dương, quân đội Mỹ tiến hành hiện thực hóa học thuyết quân sự "răn đe thực tế" và tiến hành những kế hoạch triển khai chiến lược "đại dương" của Hải quân và Lính thủy đánh bộ Mỹ, đảm bảo "sự hiện diện thường xuyên của quân đội Mỹ" trên Biển Đông nói riêng và Thái Bình Dương nói chung. Vị trí đặc biệt quan trọng trong sự hiện diện của quân đội Mỹ được Lầu Năm Góc giao cho lực lượng hải quân, nhờ khả năng tác chiến linh hoạt, tính cơ động cao và luôn sẵn sàng chiến đấu.

Theo truyền thông quân sự nước ngoài, những nhiệm vụ chiến lược mà Lầu Năm Góc đặt ra cho Lực lượng Hải quân Mỹ trên Biển Đông bao gồm:

- Hải quân Mỹ là thành phần then chốt trong nhóm lực lượng “kiềm chế chiến lược”, sử dụng tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa chiến lược tuần tiễu phía Tây Thái Bình Dương. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, lực lượng này sẽ tấn công các mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ đối phương.

- Chiếm ưu thế trên vùng nước Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả biển Hoa Đông và Biển Đông bằng lực lượng các cụm tàu sân bay tấn công chủ lực đa nhiệm.

- Triển khai lực lượng vũ trang Mỹ (Lính thủy đánh bộ, Lục quân) ở nước ngoài và đảm bảo cung cấp đầy đủ vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm, nhiên liệu, và những cơ sở vật chất hậu cần kỹ thuật khác cho các lực lượng quân đội Mỹ trên chiến trường châu Á Thái Bình Dương.

Trong ba nhiệm vụ chiến lược được giao của Hải quân Mỹ, nhiệm vụ thứ 2 vô cùng nan giải, nếu tính đến khó khăn của việc chống ngầm trên một khu vực chiến trường quá rộng lớn, và xét đến số lượng tàu ngầm mà Trung Quốc đang có trong biên chế.

Nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ then chốt này, trong những động thái chuẩn bị cho chiến trường tương lai, Hải quân Mỹ đặt trọng tâm vào các hoạt động phát triển và mở rộng lực lượng và phương tiện chống ngầm, hoàn thiện cơ cấu và phương pháp tổ chức các hoạt động tác chiến chống tàu ngầm hiện đại.

Để duy trì và phát triển lực lượng chống ngầm, Lầu Năm Góc không hề tiếc chi phí, nguồn tài chính cung cấp cho các hoạt động chống ngầm chiếm khoảng 20 % tổng ngân sách quốc phòng phân bổ cho Hải quân. Một khoản ngân sách tương đương cũng được chi tiêu cho các nghiên cứu trong lĩnh vực tác chiến chống tàu ngầm.

Tác chiến chống ngầm được coi là một trong những hình thức tác chiến quan trọng nhất trên biển. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, tính chất và quy mô của những hoạt động tác chiến chống ngầm, đặc biệt đối với tàu ngầm Trung Quốc, từ lâu đã vượt ra khỏi khuôn khổ khái niệm phòng thủ chống ngầm bảo vệ các cụm tàu sân bay tấn công chủ lực hoặc bảo vệ các hải đoàn quân sự. Nhiệm vụ tác chiến chống ngầm từ một hình thái chiến thuật phòng thủ của hạm đội đã vượt lên trở thành nhiệm vụ chiến dịch - chiến lược độc lập của Hải quân Mỹ.

Nguyên nhân của sự phát triển này là sự phát triển nhanh chóng của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc trong thời gian gần đây. Hai bài viết cách đây không lâu của nhà bình luận quân sự Dave Majumdar trên National Interests đã cho biết Hải quân Mỹ có 71 tàu ngầm, trong đó có 47 tàu ngầm nguyên tử tấn công và 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

Lực lượng tàu ngầm các quốc gia trên Thái Bình Dương

Hải quân Trung Quốc có khoảng 65 tàu ngầm các loại trong đó có 6 tàu ngầm nguyên tử tấn công, 12 tàu ngầm lớp Kilo có ưu thế chiến trường trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Theo tờ Forbes, quân đội Trung Quốc đang tiếp tục đóng tàu ngầm mới và khả năng đến năm 2026, Trung Quốc sẽ có khoảng 72 đến 81 tàu các loại.  

Đây thực sự là con số khổng lồ, nhưng quan trọng hơn là số lượng tàu ngầm Trung Quốc sẽ có hướng tác chiến chủ yếu ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có biển Hoa Đông và biển Đông, nơi Hải quân Mỹ không có ưu thế sân nhà và chưa thông thuộc địa hình chiến trường.

Hơn thế nữa, sự phát triển của tên lửa đạn đạo Đông Phong của Trung Quốc và tên lửa Club–S trang bị cho tàu ngầm lớp Kilo cũng là một vấn đề căng thẳng đối với cuộc chiến chống ngầm, khi các tàu ngầm được trang bị vũ khí hiện đại hơn và có khả năng tấn công tầm xa.

Để đối phó với tàu ngầm Trung Quốc, các chuyên gia Mỹ chuẩn bị hai hình thái tác chiến: Tác chiến chống các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo và tác chiến chống các tàu ngầm chiến thuật, đe dọa các cụm tàu tấn công chủ lực và các nhóm tàu đổ bộ, tàu vận tải.

Nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các nhà phân tích cho rằng hải quân Mỹ rất khó phát hiện được các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, đồng thời hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ gặp khó khăn đáng kể khi phải đánh chặn các tên lửa đạn đạo có tính cơ động cao, có độ cao thấp và thời gian bay ngắn. Hơn thế nữa, ven biển Thái Bình Dương của Mỹ là nơi tập trung nhiều trung tâm kinh tế, Thái Bình Dương cũng là tuyến vận tải sôi động từ biển Hoàng Hải sang bờ biển nước Mỹ, gây khó khăn cho việc tìm kiếm và phát hiện các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc.

Khu vực tàu ngầm Trung Quốc có thể tấn công nước Mỹ

Theo tính toán của các chuyên gia tên lửa đạn đạo, nếu tầm bay của tên lửa phóng từ tàu ngầm có khoảng cách dưới 2.800 km, thời gian bay sẽ là 15 phút, nếu bay ở độ cao thấp thời gian sẽ chỉ còn 7-8 phút. Khoảng thời gian này khiến xác suất đánh chặn tên lửa thành công rất thấp và nguy cơ đe dọa các khu dân cư rất cao. Chính vì vậy, phương án tối ưu là phong tỏa, ngăn chặn các tàu ngầm Trung Quốc ngay trong khu vực biển Tây Thái Bình Dương.

Trong điều kiện chiến tranh ngày nay, khi các tàu ngầm Trung Quốc được trang bị ngư lôi hiện đại tầm xa và tên lửa hành trình, tổn thất của các chiến hạm nổi, các tàu vận tải, tàu đổ bộ và các căn cứ quân sự ven biển có thể rất lớn. Khi các tàu ngầm nguyên tử và tàu ngầm diesel điện của Trung Quốc được triển khai rộng trên biển Hoa Đông và Biển Đông, tất cả các quốc gia đồng minh của Mỹ và lực lượng vũ trang Mỹ sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng khó khăn do các tuyến đường vận tải huyết mạch sẽ bị cắt đứt, hoạt động tiếp vận hậu cần kỹ thuật cho các cụm binh lực Mỹ ven biển và trên biển Hoa Đông, Biển Đông sẽ bị đe dọa.

Nhận định tầm quan trọng của nhiệm vụ chiến lược chống ngầm và bảo vệ các tuyến đường vận tải huyết mạch, các nhà bình luận quân sự phương Tây cho rằng “Tuyến vận tải qua eo biển Malacca đến biển Hoàng Hải có ý nghĩa sống còn với lực lượng quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và các đồng minh châu Á, nếu Mỹ không thể ngăn chặn và phong tỏa các tàu ngầm PLA trong vùng nước Biển Đông và vùng nước ven bờ Trung Quốc, lực lượng tàu ngầm này sẽ phong tỏa tuyến đường vận tải từ Mỹ tới các đồng minh châu Á. Cán cân lực lượng sẽ nghiêng hoàn toàn về phía Bắc Kinh.

Hải quân Mỹ nhận định, để giành được thắng lợi trước lực lượng tàu ngầm Trung Quốc, nhiệm vụ chống ngầm sẽ bao gồm các hoạt động tiêu diệt, phá hủy tàu ngầm đối phương tại căn cứ, hoặc đang trên đường hành quân đến địa điểm tập kết triển khai nhiệm vụ; và săn đuổi, tiêu diệt tàu ngầm đối phương trong khu vực chiến sự bằng đòn tấn công tổng hợp của toàn bộ hệ thống chống ngầm hạm đội Mỹ và đồng minh trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, phối kết hợp với các đơn vị tác chiến của các quân binh chủng khác.

Hải quân Mỹ phải tổ chức được hệ thống phòng thủ chống ngầm bảo vệ các cụm chiến hạm tấn công chủ lực, đặc biệt là cụm tàu sân bay tấn công cũng như các đoàn vận tải, đổ bộ quân sự khác. Tất cả các hoạt động tác chiến chống ngầm, các hình thái chiến thuật chống ngầm được gói gọn trong khái niệm “chiến tranh chống ngầm” mà mục đích quan trọng đặt ra là gây tối đa khó khăn cho các hoạt động của tàu ngầm đối phương.

Mặc dù phương án tấn công phá hủy tàu ngầm đối phương trong các căn cứ có ý nghĩa to lớn về mặt chiến lược, chiến dịch, các chuyên gia quân sự Mỹ vẫn không hy vọng sẽ giảm thiểu được tối đa khả năng đe dọa của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc. Trong Thế chiến II, số lượng tàu ngầm bị phá hủy tại căn cứ chỉ chiếm 8% tổng số lượng tàu ngầm bị tiêu diệt của các bên tham chiến.

Tuyến phòng thủ chống ngầm Mỹ - Nhật Bản

Trên cơ sở kinh nghiệm của chiến tranh Thái Bình Dương Thế chiến II, kinh nghiệm chống ngầm trong chiến tranh Lạnh, Bộ tham mưu lực lượng Hải quân Mỹ tập trung vào việc phát hiện và tiêu diệt khi tàu ngầm đối phương đang trên đường hành quân ra vị trí tập kết triển khai chiến đấu, và tiêu diệt trực tiếp trên khu vực chiến sự được lựa chọn.

Căn cứ hình thái chiến trường Tây Thái Bình Dương và sự phân bổ lực lượng của Hải quân Trung Quốc, chiến trường chống ngầm quan trọng mà Hải quân Mỹ có mục đích tiêu diệt tàu ngầm đối phương chính là Biển Đông và Biển Hoa Đông, trên vòng cung Tsushimam, Kyushu đến quần đảo Senkaky.

Tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo JL-2 SLBM

Xem tiếp

 TTB