Mỹ nói 8.000 lính Triều Tiên đã đến vùng Kursk của Nga

Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood nói với Hội đồng Bảo an rằng Mỹ đã nhận được thông tin 8.000 binh sĩ Triều Tiên hiện đang ở khu vực Kursk của Nga.
Các binh sĩ Triều Tiên tham gia duyệt binh kỷ niệm 70 năm đình chiến ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 27/7/2023 (Ảnh: KCNA)

"Tôi có một câu hỏi rất trân trọng dành cho đồng nghiệp Nga của mình: Liệu Nga có còn khẳng định rằng không có quân đội Triều Tiên ở Nga không?", ông Robert Wood nói.

Đại diện Nga trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên vào thời điểm đó đã không trả lời ông Wood. Moscow không phủ nhận cũng không trực tiếp xác nhận sự hiện diện của quân đội Triều Tiên. Sau lời phủ nhận ban đầu, Triều Tiên tuyên bố rằng việc họ triển khai quân đội là phù hợp với luật pháp quốc tế.

Xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. Vào tháng 8 năm nay, lực lượng Ukraine đã tiến vào khu vực Kursk của Nga, và hiện vẫn nắm giữ một phần khu vực này.

Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Ukraine và các nước khác cáo buộc Nga vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc và Hiến chương thành lập Liên hợp quốc với việc triển khai quân đội từ Triều Tiên, quốc gia từ lâu đã chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc do chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Ukraine hôm 30/10 đã nêu tên 3 tướng lĩnh Triều Tiên mà Kiev tin rằng đang dẫn dắt quân đội quốc gia châu Á ở Nga.

Mỹ và Trung Quốc cũng xung đột tại Hội đồng Bảo an về cáo buộc của Washington rằng Bắc Kinh đang cung cấp hỗ trợ quy mô lớn cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.

"Trung Quốc không thể tuyên bố một cách đáng tin cậy rằng mình là tiếng nói cho hòa bình khi điều này cho phép Nga tiến hành cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ. Sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga mang tính quyết định. Sự hỗ trợ của Trung Quốc đang kéo dài cuộc chiến", ông Wood nói.

Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Geng Shuang (Cảnh Sảng) cho biết Trung Quốc chưa cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột ở Ukraine và quản lý chặt chẽ các mặt hàng có công dụng kép - những sản phẩm có thể được sử dụng cho mục đích quân sự cũng như dân sự - theo quy định toàn cầu. Ông cáo buộc Washington "gây lo lắng, bịa đặt và khơi dậy sự đối đầu".

“Chúng tôi phản đối hành động của Mỹ nhằm bôi nhọ Trung Quốc về vấn đề Ukraine và tiến hành trừng phạt các công ty và thực thể Trung Quốc do vấn đề này”, đại diện của Trung Quốc nói.

Mỹ hôm 30/10 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với gần 400 thực thể và cá nhân từ hơn một chục quốc gia khác nhau, bao gồm cả Trung Quốc, để chống lại việc lách các lệnh trừng phạt được áp đặt với Nga.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên đã có cuộc họp trong hôm thứ Năm theo yêu cầu của Nga về việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine.