|
Máy bay chiến lược Tu-22M3 của Nga mang tên lửa hành trình tầm xa Kh-32 |
Trong khi điện Kremlin đã tuyên bố phát triển máy bay ném bom tàng hình mới PAK-DA, Không quân Nga có khả năng sẽ tiếp tục dựa vào lực lượng Tupolev Tu-95 MS Bears để thực hiện các hoạt động dài hơi trên không trong tương lai gần. Cuối cùng, Tu-95 vẫn sẽ phải nhường chỗ cho phiên bản mới xây dựng Tu-160 Blackjack có khả năng bay với tốc độ Mach 2.0, nhưng cơ hội phát triển PAK- DA là rất hạn chế.
Ông Michael Kofman, một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quân sự của Nga ở CNA Corporation cho rằng Nga muốn tuyên bố những chương trình mới vì việc nói bao giờ cũng dễ hơn làm, đặc biệt là trong điều kiện tài chính thắt lưng buộc bụng.
Ông Kofman cho rằng Nga đã quá lạc quan khi đưa ra lịch trình phát triển PAK- DA vì hiện nay Nga đang gặp phải rất nhiều hạn chế về tài chính. Hơn nữa, Nga vẫn chưa bắt đầu phát triển một động cơ thích hợp cho loại máy bay ném bom thế hệ mới này. Trong khi truyền thông Nga đã đưa tin về việc phát triển một phiên bản nâng cấp động cơ phản lực Kuznetsov NK-32 của Tu-160 cho PAK-DA, động cơ này phù hợp với phiên bản mới của chiếc Blackjack hơn.
Nga hiện đang duy trì 16 máy bay Tu-160 mẫu sản xuất ban đầu, trong số đó có khoảng 11 chiếc hiện đang được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ. Còn lại lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Nga dựa trên 63 chiếc máy bay ném bom Tu-95MS Bear, trong số đó có 55 chiếc đang hoạt động.
Cho dù Tu-95 là mẫu thiết kế cũ, loại máy bay này đã được nâng cấp rất nhiều lần và có thể mang tên lửa hành trình thông thường và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân tầm xa hiện đại. Lực lượng máy bay ném bom của Nga đã thể hiện khả năng của mình trên chiến trường Syria bằng việc phóng các tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 khi hỗ trợ các hoạt động trong khu vực. “Đó thật sự là những tên lửa. Tu-95 đã cũ, nhưng nó vẫn rất hiệu quả, giống như máy bay ném bom B-52 vậy”, ông Kofman đánh giá.
Không giống B-2 Spirit của Northrop Grumman hay máy bay ném bom tấn công tầm xa B-21 sắp tới của Mỹ, máy bay ném bom chiến lược của Nga không được thiết kế để xâm nhập vào không phận của kẻ thù ở cấp độ nguy hiểm cao. Những máy bay này chỉ được thiết kế để tiến vào vị trí phóng tên lửa hành trình từ khoảng cách xa. Một lý do cho điều này là kể cả nếu các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân của Nga như Kn-102 có khả năng tàng hình thì máy bay ném bom này vẫn có thể gây báo động cho kẻ địch tiềm tàng. Đó là một trong số các lý do một máy bay ném bom tàng hình kết hợp với tên lửa hành trình tàng hình tầm xa như LRSO có thể được coi là hành động gây bất ổn, vì đối thủ có thể hiểu sai hệ thống này là một đòn tấn công, ông Kofman nhận định.
Cuối cùng, Mátxcơva vẫn sẽ phải thay thế phi đội máy bay ném bom. Máy bay thay thế có thể không phải là PAK-DA, mà thay vào đó có thể là biến thể mới của Tu-160M2. Sử dụng phiên bản mới của Tu-160 sẽ tiết kiệm cho Nga một khoản lớn vì phần lớn những nâng cấp này chỉ tập trung vào hệ thống và vũ khí. Nhưng trong khi một máy bay Tu-160 mới sẽ có thể thay thế phi đội Blackjack và Bear, vẫn chưa rõ loại nào sẽ thay thế cho lực lượng máy bay ném bom tầm trung Tupolev Tu-22M2 Backfire.
Cho dù phiên bản tấn công Su-34 Fullback của máy bay Sukhoi Su-27 Flanker thường được cho là thay thế cho máy bay tấn công Su-24 Fencer, ông Kofman cho rằng Fullback là máy bay có khả năng lớn hơn nhiều khi đối đầu với một máy bay ném bom tầm trung. Quả thực, Su-34 từng hoạt động rất tốt ở Syria có thể thay thế cho cả Su-24 và Tu-22M3. Không có lí do hợp lí nào để phát triển một phiên bản thay thế cho Backfire khi Fullback có thể thực hiện nhiệm vụ này và thậm chí còn linh hoạt hơn.
Su-34 là máy bay tầm xa, có hệ thống cảm biến và trọng tải lớn để thực hiện nhiệm vụ chống tàu của Backfire, nhưng Su-34 Fullback có thể sẽ cần phải sử dụng tên lửa chống tàu nhỏ hơn loại Raduga Kh-22 (AS-4 Kitchen) phù hợp với Tu-22M3. Tuy nhiên, ông Kofman cho rằng không có lí do gì để Fullback không mang được P-800 Oniks siêu thanh. Ông cũng lưu ý rằng Su-30MKI của Ấn Độ sẽ mang biến thể Brahmos của P-800, về cơ bản đây là phiên bản nhẹ hơn so với vũ khí tương tự. Việc bổ sung P-800 sẽ mang lại cho Su-34 một vũ khí chống tàu tầm xa được cho là đáng gờm hơn so với Kh-22, trong điều kiện giả định Su-34 Fullback mỗi lần chỉ có thể mang được một tên lửa Oniks.
Điểm mấu chốt của quân đội Nga là trong khi phi đội máy bay ném bom hiện nay chỉ bằng một phần so với thời Xô Viết, sự đầu tư của Liên Xô vào công nghệ tên lửa hành trình tiên tiến cuối cùng cũng đã mang lại thành quả. Các tên lửa như Kh-101 và Kh-102 có thể đã được đưa vào phục vụ vào đầu những năm 2000 nếu Liên Xô vẫn còn tồn tại. Những tên lửa mới đem lại cho phi đội máy bay ném bom Nga khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa, trong khi trước đây chỉ có Lầu Năm Góc sở hữu khả năng này.
Do đó trong khi lực lượng máy bay ném bom Nga tương lai có thể sử dụng khung thân máy bay từng sử dụng hàng thập kỷ trước đây, những máy bay này sẽ mang theo các vũ khí có khả năng đáng gờm hơn. Vấn đề là tốc độ để Mátxcơva có thể đủ khả năng hiện đại hóa không quân chiến lược trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn kéo dài này ra sao.