Chiến lược mới nhất của Washington đó là Mỹ sẽ tìm cách quy tụ một lực lượng “liên minh” để giúp họ “đảm bảo tự do hàng hải trên cả eo biển Hormuz và Bab al-Mandeb”, như phát ngôn của Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford đưa ra hôm thứ Ba tuần này. Đây là 2 tuyến hàng hải kết nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman, và giữa Biển Đỏ với Vịnh Aden, theo thứ tự.
Mỹ hiện đang liên hệ với “một số quốc gia” để xem xem liệu quốc gia nào “sẵn sàng về mặt chính trị” tham gia vào dự án này – ông Dunford nói thêm.
Một dự án kiểm soát hợp pháp như vậy có thể dễ dàng được LHQ chấp thuận và không cần phải thành lập một dạng “liên minh tự nguyện” mà Mỹ từng sử dụng để tiến hành cuộc chiến ở Iraq năm 2003.
Theo giới quan sát dự đoán, 2 trong số các quốc gia có thể tham gia dự án trên là Anh và Ai Cập, bởi mới đây họ đã bắt giữ các tàu chở dầu của Iran.
Mới tuần trước, lực lượng hải quân Anh đã ập tới tàu siêu vận tải Grace 1 của Iran trên vùng biển của Gibraltar. Trước đó vài ngày, hải quân Ai Cập cũng bắt giữ 1 tàu chở dầu của Iran trên kênh đào Suez. Dù Tehran im lặng trước vụ tàu chở dầu bị Ai Cập bắt giữ, nhưng giới chức của họ lại cực lực lên án vụ bắt giữ tàu Grace 1 là hành động “ăn cướp” và khẳng định rằng hành vi trên sẽ đặt ra tiền lệ tệ hại, cần phải được chấm dứt ngay lập tức.
Anh là một đồng minh lớn của Mỹ - và dù lực lượng hải quân nước này vẫn bị ám ảnh bởi thời hoàng kim trước kia, họ vẫn đủ khả năng để bắt giữ các tàu chở hàng không được trang bị vũ khí. Nhiều người có thể cho rằng Anh đang phải dồn sức lo giải quyết vấn đề trong nước – từ việc lựa chọn tân Thủ tướng cho tới Brexit – trước khi phục vụ kế hoạch của Washington, nhưng thực tế họ chính là bên sẵn lòng tham gia nhất.
Vụ bắt giữ tàu Grace 1 ở Gibraltar mà Anh thực hiện thậm chí khiến nhiều quan chức EU cảm thấy bất ngờ, bởi Anh xét về mặt kỹ thuật vẫn là bên ký kết thỏa thuận hạt nhân 2015 với Tehran, trong khi lại không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Iran.
Tàu siêu vận tải Grace 1 của Iran mới bị Anh bắt giữ (Ảnh: RT)
|
Giải thích về vụ bắt giữ trên, Anh nói rằng có một bộ luật của Gibraltar cho phép thực thi “các lệnh trừng phạt của LHQ, EU và Anh”, đồng thời chỉ ra một quy định được phê duyệt chỉ 1 ngày trước vụ bắt giữ trên trong đó cho phép hải quân hoàng gia Anh thực thi lệnh cấm vận dầu mỏ của EU đối với Syria – chứ không phải lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu khí của Iran. Được biết, tàu Grace 1 được tin là vận chuyển dầu tới một cơ sở lọc dầu của Syria.
Tehran cáo buộc Anh “thêu dệt ra lời biện minh”. Thiếu tướng Mohammad Bagheri – Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran – tuyên bố sẽ tìm ra động cơ thực sự đằng sau vụ việc này.
Điều mà nhiều người bắt đầu chú ý đến sau vụ việc trên chính là hoạt động hàng hải của Anh trên Vịnh Ba Tư. Tàu chở dầu Heritage của Anh – vận hành bởi Tập đoàn dầu khí BP – mới đây đang trên hành trình tới Basra ở Iraq thì bất ngờ quay đầu di chuyển về phía Vịnh Ba Tư vào ngày 6/7. Nó hiện đang neo đậu ngoài khơi vùng biển của Arab Saudi, do lo ngại bị Iran trả đũa – theo Bloomberg.
Một tàu vận tải khác của Anh, Pacific Voyager, được hộ tống bởi tàu khu trục HMS Montroe đang trên hành trình tới cảng Fujairah của UAE đầu tuần này.
Nên nhớ rằng Washington đã cáo buộc Iran đứng đằng sau các vụ tấn công bí ẩn nhằm vào 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman, cùng 2 tàu chở dầu khác trên vịnh Ba Tư hồi tháng trước. Tehran bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào họ.
Lầu Năm Góc trước đây từng tuyên bố sẽ thành lập một liên minh toàn cầu chống Tehran, nhưng tuyên bố này không nhận được nhiều sự chú ý bởi lúc bấy giờ xảy ra một vụ việc đáng quan tâm hơn – Tổng thống Trump rút lệnh tấn công Iran vào phút chót do quan ngại về con số thương vong ở Iran.
Điều quan trọng nhất đằng sau tất cả các diễn biên nêu trên chính là việc một “liên minh” chống Iran đang hình thành, và rằng một cuộc chiến với Iran có lẽ chỉ là vấn đề về thời gian.
Theo RT