Mỹ “một đá nhắm ba chim” ở Biển Đông, đương đầu với Trung Quốc

VietTimes -- Mỹ đã lợi dụng các chiến dịch tuần tra thực thi tự do hàng hải truyền thống, công khai thay đổi chính sách từ trung lập bề ngoài “giật dây hậu trường” sang “can thiệp công khai, đối đầu trực tiếp” nhằm hậu thuẫn Việt Nam và Philippines đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, chuyên gia Trung Quốc đơm đặt vô căn cứ.
Hai khu trục hạm Lassen và Wilbur của Mỹ đã thực hiện chiến dịch tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông

Kể từ cuối năm 2015, Mỹ đã điều tàu chiến và máy bay vào không phận và các vùng nước biển xung quanh các đảo nhân tạo (do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp) ở Biển Đông để thực thi tuần tra tự do hàng hải. Các chiến dịch này được cân nhắc  nhắm vào 3 mục tiêu chính trị là Trung Quốc, các nước láng giềng của Trung Quốc và chính bản thân Mỹ.

Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Hai Boping thuộc Khoa quốc tế, Đại học Bắc Kinh trên trang Tiêu điểm Mỹ-Trung.  Thứ nhất, các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải là một tuyên bố về quan điểm cứng rắn. Boping cho rằng “tự do hàng hải” là một cái cớ được Mỹ sử dụng để thiến hành chống các nước có “những yêu sách chủ quyền quá đáng”. Chương trình này bắt nguồn từ thời chính quyền tổng thống Carter năm 1979. Chiến dịch được thiết kế nhằm duy trì “tự do hàng hải” của Mỹ và ngăn ngừa các quốc gia ven biển thách thức vị thế của Mỹ như một siêu cường biển với nhưng yêu sách chủ quyền thái quá, qua đó bảo đảm sự di chuyển trên khắp toàn cầu của lực lượng quân sự Mỹ.

Kể từ khi khởi động chương trình tự do hàng hải, Mỹ đã thực thi phản đối ngoại giao và tuyên bố hành động quân sự chống hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trong hàng trăm trường hợp. Tuy nhiên, chuyên gia Trung Quốc cho rằng những chiến dịch tuần tra thực thi tự do hàng hải gần đây ở Biển Đông khá rùm beng, thậm chí cố ý quảng bá thông tin cho giới truyền thông nhằm “thổi phồng” tình hình. Boping cáo buộc ý đồ thực sự của Mỹ nhằm thể hiện quyết tâm của Mỹ đối với Trung Quốc nhằm duy trì vị thế bá chủ của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Năm ngoái Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về yêu sách chủ quyền ngang ngược ở Biển Đông, Bắc Kinh đã tiến hành hàng loạt các hành động “bảo vệ” cái gọi là chủ quyền và lợi ích biển của nước này. Bằng cách phô trương cơ bắp, nhấn mạnh vị thế của mình và gây sức ép lên Trung Quốc, Mỹ rõ ràng đã thông qua những giải pháp công khai hơn, mạnh mẽ hơn nhằm chống lại nỗ lực thay đổi hiện trạng của Trung Quốc.

Một góc đá Su bi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang được Trung Quốc ráo riết bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép

Thứ hai, Boping nhận định các chiến dịch tự do hàng hải nhằm hỗ trợ Philippines, Việt Nam và các nước khác có tranh chấp biển với Trung Quốc. Chuyên gia Trung Quốc chủ quan cho rằng Mỹ biết rõ không thể chặn được các hoạt động (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông bằng tuần tra thực thi tự do hàng hải. Tuy nhiên, các chiến dịch nói trên có thể phục vụ như một công cụ ngoại giao hữu ích vỗ về các bên tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc và một số ít nước mong muốn thấy Mỹ thể hiện vài trò lớn hơn ở châu Á-Thái Bình Dương, Boping phán.

Boping ngông ngạo nói rằng Việt Nam và Philippines nhận thức rõ rằng họ không thể tự bảo vệ lợi ích của mình và họ cũng không thể ngăn chặn được quyền lực ngày càng tăng cũng như các hoạt động (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Chính vì thế, chuyên gia Trung Quốc đơm đặt rằng các nước khu vực ra sức tranh thủ, lôi kéo sự ủng hộ, giúp đỡ của Mỹ. Mỹ đã lợi dụng vấn đề này, chuyển từ các chiến dịch tuần tra thực thi tự do hàng hải truyền thống sang hình thức phóng đại kiểu như các bộ phim Hollywood, qua đó công khai thay đổi chính sách từ trung lập bề ngoài “giật dây hậu trường” sang “can thiệp công khai, đối đầu trực tiếp” nhằm hậu thuẫn Việt Nam và Philippines đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, Boping nhận định một cách hết sức chủ quan, vô lối.

Cuối cùng, Boping cho rằng chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của Mỹ còn nhằm vào các động cơ chính trị trong nước. Trung Quốc thường được sử dụng như một công cụ cạnh tranh chính trị tại Mỹ. Trong những năm gần đây, các khi khó khăn tài chính đã gây nhiều hạn chế trong việc tạo lập và thực thi các chiến lược quốc gia của Mỹ, với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhóm lợi ích khác nhau.

Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực tại Biển Đông thời gian gần đây, gửi thông điệp không thể nhầm lẫn tới Trung Quốc

Theo Boping, trong khi Mỹ điều chỉnh lại kế hoạch chiến lược quốc phòng của Mỹ và ngân sách chi tiêu quân sự, các tổ hợp quân sự có xu hướng phóng đại vấn đề Trung Quốc, đặc biệt là mối đe dọa Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích và giành được “miếng bánh” lớn hơn. Chuyên gia Trung Quốc cáo buộc giới quân sự Mỹ đã cố tình thổi phồng sự hiếu chiến của Trung Quốc và thể hiện một hình ảnh quả cảm thông qua các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải.

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng trong khi chính quyền tổng thống Barack Obama đang bước vào những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, vấn đề “di sản chính trị” đã trở thành trung tâm. Như một phần trong chính sách của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương, vấn đề Biển Đông được coi là thành phần chủ yếu trong di sản chính trị của ông Obama, do đó giành được nhiều sự chú ý hơn. Một màn trình diễn hay của các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông giúp củng cố di sản chính trị của ông Obama và bổ sung thêm ánh hào quang vào bảng kỷ lục của ông.

Boping biện bạch rằng sự khác biệt về tự do hàng hải chủ yếu bắt nguồn từ cách diễn giải khác nhau về UNCLOS. Mỹ hy vọng mở rộng phạm vi tuần tra thực thi tự do hàng hải, tăng cường quy mô hoạt động của lực lượng trên biển với khả năng điều động quân sự toàn cầu. Trong khi Trung Quốc mở rộng quyền lực biển của mình cũng như năng lực tác chiến trên biển của hải quân Trung Quốc.