|
“Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc đang bị giáng một đòn chí mạng. |
Giữa lúc cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, nhiều học giả, kỹ sư người Hoa ở Mỹ đã liên tiếp bị bắt giữ, nhận án tù hoặc bị từ chối cấp visa. Đó là những người đã bị lôi kéo tham gia vào “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc bởi những ưu đãi hậu hĩnh. Tuy nhiên, sau khi bị FBI bám chặt, giờ đây, đối với họ “Kế hoạch ngàn người” đã trở thành “Kế hoạch nhập ngục”!
Kế hoạch lôi kéo nhân tài quy mô lớn
“Kế hoạch ngàn người” (tên tiếng Anh là “The Recruitment Program of Global Experts”) là một chương trình lớn do Ban Tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ quản, Tổ Điều phối công tác nhân tài trung ương thực hiện, đề ra năm 2008 với mục tiêu ban đầu là thu hút về nước 2 ngàn nhân thuộc tài các lĩnh vực khác nhau, nên được gọi tắt là “Kế hoạch ngàn người”. Đối tượng thu hút (lôi kéo) là những học giả, nhà khoa học người Hoa có học vị Tiến sỹ, tuổi không quá 55, sau khi tham gia mỗi năm về làm việc trong nước ít nhất 6 tháng. Các điều kiện kèm theo gồm: là chuyên gia, học giả đảm nhận chức vụ tương đương Giáo sư tại các trường đại học danh tiếng, các viện nghiên cứu khoa học ở nước ngoài; là nhân tài chuyên môn kỹ thuật hoặc nhân tài quản lý kinh doanh làm việc tại các công ty, tổ chức tài chính nổi tiếng của nước ngoài; có bản quyền sở hữu trí tuệ riêng, hoặc nắm được các kỹ thuật cốt lõi, có kinh nghiệm tự chủ khởi nghiệp ở nước ngoài, thông thạo các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan và quy tắc quốc tế; là nhân tài khởi nghiệp bậc cao khác mà nhà nước đang thiếu thốn, rất cần.
|
Một hội nghị những người tham gia “Kế hoạch ngàn người” tại Bắc Kinh
|
Về chế độ đãi ngộ, ngoài tiền lương, phụ cấp, các điều kiện ưu đãi do các cơ quan, đơn vị, nhà trường, viện nghiên cứu…trực tiếp sử dụng chi trả; mỗi người về nước tham gia “Kế hoạch ngàn người” đều được chính phủ Trung Quốc tài trợ một lần 1 triệu Nhân dân tệ (3,5 tỷ VND).
Theo tài liệu Trung Quốc, việc thực hiện “Kế hoạch ngàn người” diễn ra rất tốt đẹp, tính đến ngày 25/7/2012 đã thu hút được 2.263 nhân tài cao cấp ở nước ngoài về tham gia (đến đầu tháng 8/2018 đã là hơn 6 ngàn người). Thực tế, “Kế hoạch ngàn người” được thực hiện bởi Ban Tổ chức trung ương phối hợp với Bộ Tài nguyên nhân lực và Bảo đảm xã hội, Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học kỹ thuật, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ủy ban Tài nguyên quốc gia, Viện Khoa học Trung Quốc, Ban Mặt trận trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Cải cách phát triển, Bộ Công nghiệp và Tin học hóa, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Văn phòng công tác Hoa kiều, Viện Công trình Trung Quốc , Quỹ Khoa học tự nhiên, Trung ương Đoàn, Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Trung Quốc …“Kế hoạch ngàn người” được đánh giá là rất thành công, góp phần quan trọng vào sự phát triển của kinh tế và khoa học, công nghệ của Trung Quốc thời gian qua cũng như sắp tới.
|
Một giáo sư người Hoa ở Mỹ về giảng dạy theo “Kế hoạch ngàn người”
|
FBI chú ý, ra tay ngăn chặn
Vào tháng 10/2017, trên các nhóm Wechat của các nhà khoa học Mỹ gốc Hoa lan truyền một tin nhắn với nội dung: “Người bạn hôm nay đi nghe thuyết giảng về các vụ án gián điệp là nhà khoa học gốc Hoa…FBI nói, bất cứ người Hoa nào tham gia vào “Kế hoạch ngàn người” đều sẽ tự động bị FBI đưa vào phạm vi theo dõi…Bởi ông ta đương nhiên đem thứ mình có về đặt lên bàn người Trung Quốc để đổi lấy lợi ích”.
Chỉ sau không đầy 1 năm sau, đã có nhiều ví dụ có lẽ đủ để chứng minh thông tin đó là chính xác.
Ngày 1/8/2018, ông Trịnh Tiểu Thanh, Kỹ sư chủ nhiệm công trình của Tập đoàn điện khí GE (Principal Engineer at GE Power) đã bị FBI bắt giữ. Ông Thanh bị cáo buộc lấy cắp kỹ thuật cơ mật liên quan đến động cơ turbine, khéo léo qua mặt sự hạn chế của công ty bằng kỹ thuật mã hóa ảnh kỹ thuật số để cung cấp cho đối thủ Trung Quốc cạnh tranh với GE.
Trịnh Tiểu Thanh là một chuyên gia đã tham gia “Kế hoạch ngàn người” của Bắc Kinh. Ông có người anh em mở một công ty kỹ thuật tại Nam Kinh, chuyên cung cấp linh, phụ kiện động cơ cho ngành hàng không dân dụng Trung Quốc. Nhân viện điều tra của FBI cho biết, Trịnh Tiểu Thanh bị nghi đã cộng tác, phục vụ cho mấy công ty kỹ thuật hàng không trong những hạng mục giống như công việc của ông ta tại GE, một vài công ty trong số đó được chính phủ Trung Quốc tài trợ.
|
Trịnh Tiểu Thanh, Kỹ sư của Tập đoàn GE bị FBI bắt hôm 1/8
|
Ngoài Trịnh Tiểu Thanh, hồi tháng 2 năm nay, một nhà khoa học gốc Hoa khác là Vương Xuân Tại đã bị một tòa án liên bang ở Miami kết án tù. Trang web của Bộ Tư pháp Mỹ đưa tin: trong thời gian từ 2000 đến 2016, Vương Xuân Tại đã công tác tại Sở nghiên cứu khí tượng và hải dương Đại Tây dương thuộc Cục Quản lý khí tượng hải dương, Bộ Thương mại Mỹ (NOAA/AOML); cùng thời gian đó ông ta đã nhận lương của Kế hoạch học giả Trường Giang khi tham gia “Kế hoạch ngàn người” và “Kế hoạch 973” của Trung Quốc, vi phạm pháp luật nước Mỹ.
Ngoài ra, tháng 9/2017, Tiến sỹ Trương Dĩ Hằng, Giáo sư khoa Công trình Vật lý, Đại học Khoa học tự nhiên Virginia, Nghiên cứu viên Sở nghiên cứu kỹ thuật công nghệ sinh học Thiên Tân, Viện Khoa học Trung Quốc đã bị FBI bắt giữ. Ông bị cáo buộc phạm nhiều tội lừa đảo chính phủ liên bang. Ông Hằng tham gia vào “Kế hoạch ngàn người” đợt thứ 12, khi đó vừa từ bỏ công việc ở Mỹ, chuẩn bị về Trung Quốc vào tháng 10/2017. Các hạng mục nghiên cứu của ông có liên quan đến Bộ Năng lượng Mỹ và các cơ quan quan trọng như Văn phòng nghiên cứu khoa học kỹ thuật Lục quân, Văn phòng nghiên cứu khoa học kỹ thuật Không quân Mỹ.
Tính đến thời điểm hiện nay, “Kế hoạch ngàn người” được triển khai từ năm 2008 sau gần 10 năm đã lôi kéo được hơn 6 ngàn nhân tài. Trương Lâm - một nhà văn Trung Quốc sống ở Mỹ cho rằng: ““Kế hoạch ngàn người” là một kế hoạch thu thập tình báo rất hữu hiệu với mục đích rõ ràng là lấy cắp tin tình báo từ nước Mỹ. Trước đây, có lần khi ăn cùng nhau,một người bạn học cũ tự hào nói với tôi ông ấy chính là thành viên tham gia “Kế hoạch ngàn người”.
Lam Thuật, một cây bút bình luận thời sự ở Mỹ cho rằng: ““Kế hoạch ngàn người” có một đặc điểm là nó không cần người tham gia phải sống ở Trung Quốc cả năm, chỉ cần về 6 tháng là được. Tức là anh có thể tiếp tục làm công việc của mình ở nước ngoài, đồng thời mỗi năm về nước làm việc một thời gian. Thực tế là, Trung Quốc muốn những nhân tài khoa học kỹ thuật cao này mang thành quả nghiên cứu của họ ở nước ngoài về nước”.
Một trường hợp khác, ông Nhiêu Nghị, nguyên Viện trưởng Học viện khoa học sinh mạng, Đại học Bắc Kinh – người đã tham gia “Kế hoạch ngàn người” hồi tháng 7 vừa qua đã bị Mỹ từ chối nhập cảnh khi tới Mỹ tham dự một hội nghị học thuật. Nhiêu Nghị từng làm việc ở Mỹ 22 năm, năm 2007 từ bỏ quốc tịch Mỹ về Trung Quốc và giao nộp những thành quả nghiên cứu khoa học cùng các thông tin tình báo cho nhà chức trách.
|
Nhiều nhà khoa học gốc Hoa tham gia “Kế hoạch ngàn người” đã trở thành đối tượng bị FBI theo dõi, giám sát
|
Nhà văn Trương Lâm cho rằng: “Theo tôi phán đoán, trong tương lai, cùng với việc tình hình đối đầu Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, FBI sẽ bắt thêm nhiều gián điệp và trục xuất thêm nhiều người nữa, vĩnh viễn không cho phép họ quay trở lại nước Mỹ”.
Bắt đầu từ ngày 11/6 vừa qua, chính phủ Mỹ đã hạn chế thời hạn cấp visa cho các nghiên cứu sinh Trung Quốc tới Mỹ học tập trong các lĩnh vực nhạy cảm xuống còn 1 năm, coi đó là một cách để chống lại việc Trung Quốc lấy cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ quy mô lớn.
Theo trang web chính thức của chương trình “Kế hoạch ngàn người” (www.1000plan.org), vào tháng 12/2008, Trung Quốc đã quyết định thực thi kế hoạch thu hút nhân tài cao cấp từ nước ngoài; dùng thời gian từ 5 đến 10 năm để thu hút đưa về nước và tài trợ một số nhân tài người Hoa và cả người nước ngoài chất lượng cao chủ yếu phục vụ tại các khu khai thác công nghệ cao, các công trình sáng tạo trọng điểm, các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, các xí nghiệp trung ương và cơ cấu tiền tệ. Đến nay đã có tất cả hơn 6 ngàn người tham gia vào “Kế hoạch ngàn người” này.
Được biết, ngoài “Kế hoạch ngàn người” của Ban Tổ chức trung ương, các cơ quan khác như Bộ Giáo dục, Bộ Tài nguyên nhân lực và bảo đảm xã hội, Bộ Khoa học kỹ thuật…cũng có các kế hoạch thu hút nhân tài riêng.
|
Một buối ký kết hợp tác giữa nhà khoa học người Hoa ở Mỹ và thành phố Côn Minh
|