|
Hạm đội Mỹ và Nhật Bản tập trân chung trên biển |
Không đề cập tới Trung Quốc, Đô đốc Harris nói rằng một số cường quốc đang tìm cách “bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn thông qua các hành động chèn ép, đe dọa”, đồng thời cho rằng việc lập ra một nhóm hải quân giữa các nước lớn trong khu vực là cách tốt nhất để ngăn chặn các hành động “ỷ lớn hiếp đáp các nước nhỏ”.
Đề nghị của chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Họ cho rằng, nếu ra đời liên minh bảo vệ hòa bình ở biển Đông, Hoa Đông gồm 4 nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải xem lại hành động hiếu chiến và những phát ngôn không trung thực của mình”.
Nhiều ý kiến chỉ trích Trung Quốc là nước gây rối trật tự trị an trên Biển đông, coi thường luật pháp quốc tế, không tôn trọng và không cần đếm xỉa đến phản ứng của các nước, trong đó có Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, Việt Nam, Philipines và cộng đồng thế giới.
Chuyên gia Dương Danh Dy nhận định, việc tái lập liên minh bốn bên là điều “tất nhiên” vì chính sự “hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông đã buộc các nước phải cùng chung tay kiềm chế”. Ông Dy phân tích: “Họ nhất trí với nhau trong việc đối phó với Trung Quốc thì họ sẽ ngăn chặn, Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được nữa. Rõ ràng điều đó, Trung Quốc phải tính toán, phải cân nhắc. Họ có phản ứng, họ có áp lực với Trung Quốc, chứ không phải như những nước yếu rồi muốn làm gì thì làm nữa".
Trong khi đó, Trung Quốc luôn ngang ngược khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời cấp tập xây đảo nhân tạo cũng như xua ngư dân ra đánh bắt ở Biển Đông hòng xác lập chủ quyền trái phép.
Các nhà quan sát cho rằng việc nỗ lực khôi phục một liên kết hải quân đã bị Trung Quốc phản đối một thập kỷ trước nhằm mục đích cân bằng lại với các hành động mở rộng lãnh hải của Bắc Kinh, và chính quyền của ông Tập Cận Bình lần này “sẽ không để yên”.
Trong khi đó Mỹ cũng thể hiện quan điểm cứng rắn. Tướng Lori Robinson, chỉ huy không quân Mỹ ở Thái Bình Dương ngày 8/3 đã tuyên bố rằng không quân Mỹ sẽ tiếp tục các chuyến bay hàng ngày trên vùng trời biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc đưa các tên lửa đất đối không và chiến đấu cơ tới Hoàng Sa và Trường Sa.
Phát biểu tại thủ đô Canberra của Úc, bà Robinson cũng thúc giục các quốc gia khác thực thi quyền được bay qua và đi ngang quang các vùng lãnh hải và không phận quốc tế mà Trung Quốc tuyên bố nhận chủ quyền ở biển Đông. Tuy nhiên, nữ chỉ huy từ chối bình luận về phản ứng của Mỹ nếu một chiếc máy bay của Mỹ bị Trung Quốc bắn hạ.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 8/3 cũng củng cố quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh đối với tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không cho phép các quốc gia khác vi phạm điều nước này coi là "quyền chủ quyền" ở vùng biển chiến lược này. Vương nói thêm, ám chỉ Mỹ, rằng tuyên bố về tự do hàng hải của một nước nào đó không trao cho nước này “quyền muốn làm gì thì làm”.
Chỉ huy không lực Mỹ ở Thái Bình Dương thừa nhận “khả năng xảy ra tính toán sai lầm” dẫn tới xung đột ở vùng biển đang ngày càng bị quân sự hóa.
Trong bài bình luận đăng tải hôm 7/3, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc một lần nữa lại lên án sự can dự của Mỹ ở biển Đông.Tờ báo dân tộc cực đoan này đổ lỗi cho Washington gây ra tình trạng căng thẳng hiện nay ở vùng biển tranh chấp.
Hoàn Cầu lớn tiếng cáo buộc: “Mỹ tuyên bố rằng nước này không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp lãnh hải, nhưng lại đi diễn tập quân sự chung với Nhật Bản và Australia, cũng như hỗ trợ Philippines và Việt Nam dưới vỏ bọc của việc bảo vệ tự do hàng hải".
Theo Hoàn Cầu, “can thiệp vào biển Đông là sự chuyển hướng lớn trong sách lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc”. Bài bình luận xuất hiện đúng ngày các hãng tin đưa rằng hai chiến hạm của Nhật Bản sẽ cập bến vùng vịnh Cam Ranh chiến lược của Việt Nam sau khi tháp tùng một tàu ngầm tới Philippines.