|
Hạ viện Mỹ. Ảnh: VOA |
Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 7/5 cho rằng cùng với tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng, ngày 4/5 Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn một nghị quyết trừng phạt mới (luật mới) đối với Triều Tiên, nhưng một số điều khoản trong đó đã chọc giận Nga.
Nghị quyết cho phép Mỹ tiến hành giám sát đối với cảng biển một số nước như Trung Quốc và Nga, đồng thời kiểm tra cưỡng chế bất cứ tàu nào. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của Luật biển quốc tế, thậm chí có thể gây xung đột như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Theo báo chí Mỹ, phương án trừng phạt mới này tập trung đối phó với ngành vận tải biển và người lao động Triều Tiên ở nước ngoài, yêu cầu Tổng thống Mỹ đưa ra quyết định trong 90 ngày về khả năng đưa Triều Tiên quay trở lại danh sách các nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Luật mới đã được thông qua với ưu thế áp đảo 419/1, tiếp theo sẽ được đưa ra biểu quyết tại Thượng viện và Tổng thống Donald Trump phê chuẩn.
Biện pháp trừng phạt nghiêm khắc này không chỉ có hiệu quả đối với người Triều Tiên, mà còn dự định ngăn chặn bất cứ nước nào hỗ trợ Triều Tiên.
Luật mới quy định, bất cứ tàu nào có quốc tịch Triều tiên hoặc tàu nước khác không thực hiện trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên đều sẽ bị cấm cập bến cảng ở Mỹ và buôn bán trong lãnh thổ Mỹ.
Mỹ còn coi công nhân Triều Tiên là lao động khổ sai, cấm hàng hóa do lao động Triều Tiên sản xuất được đưa vào Mỹ. Đồng thời, đối với bất cứ nước nào sử dụng lao động Triều Tiên ở nước ngoài, Mỹ có quyền căn cứ vào bộ luật trên để đóng băng tài sản của những nước này.
Nghị sĩ Hạ viện Mỹ Lohith chỉ trích các nước như Senegal, Qatar, Angola sử dụng công nhân Triều Tiên, và cho rằng những công nhân này hàng năm gửi về Triều Tiên với số ngoại hối lên tới vài tỷ USD.
Báo chí Nga cho rằng, nội dung luật mới của Mỹ có thể sẽ xâm phạm chủ quyền của các nước khác.
Sau 180 ngày luật này có hiệu lực và hàng năm trong 5 năm tiếp sau đó, Tổng thống Mỹ đều phải trình danh sách các cảng biển và sân bay nước ngoài tiến hành hoạt động thương mại với Triều Tiên.
Nhà Trắng muốn kiểm tra các cảng biển và sân bay của các nước như Nga, Trung Quốc, Iran và Syria có vi phạm trừng phạt của Liên hợp quốc hay không, có tiến hành thương mại với Triều Tiên hay không.
Cảng Vladivostok, cảng Nakhodka và cảng Vanino của Nga cùng với cảng Tartus và Latakia của Syria đều bị điểm danh.
Luật này còn quy định, đối với bất cứ tàu thuyền và máy bay nào từng đến những cảng biển và sân bay này, Mỹ có quyền tiến hành kiểm tra cưỡng chế đối với hàng hóa của chúng.
Đối với vấn đề này, chủ nhiệm Valery Tymoshenko thuộc Trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương Nga cho rằng: "Loại can thiệp này vi phạm rất nhiều điều khoản của luật quốc tế. Hiện còn chưa rõ sẽ thực hiện luật này như thế nào. Theo luật quốc tế, bắt giữ bất cứ tàu thuyền nào và lên tàu kiểm tra tạm thời hoặc yêu cầu dừng tàu ở vùng biển quốc tế để lên tàu kiểm tra tạm thời đều vi phạm các quy tắc của luật biển quốc tế. Điều này sẽ làm cho tình hình thêm nghiêm trọng, phức tạp, thậm chí dẫn tới các hành động quân sự. Vào cảng, đến lãnh hải các nước khác cũng không có quyền như vậy".
Ông còn chỉ ra, năm 1962, Mỹ đã áp dụng biện pháp tương tự đối với tàu Liên Xô đến Cuba. Ông nói: "Nghĩ đến cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Mỹ tìm cách lên tàu kiểm tra và phong tỏa tàu Liên Xô chạy đến Cuba. Sự kiện đã kết thúc như thế nào? Suýt chút nữa là gây ra đại chiến hạt nhân".
Nghị sĩ Nga Kosachev cho rằng: "Hy vọng luật này vĩnh viễn sẽ không được thực hiện, bởi vì việc thực hiện nó có nghĩa là tàu chiến Mỹ tiến hành kiểm tra cưỡng chế đối với tất cả các tàu thuyền. Cách làm cứng rắn này rõ ràng không thể tưởng tượng nổi, bởi vì nó đồng nghĩa với tuyên chiến".
Theo tờ Người quan sát Trung Quốc, trên thực tế, trong tình hình Triều Tiên cố tình phát triển vũ khí hạt nhân, Trung Quốc và Nga đều đang tăng cường gây sức ép với Triều Tiên và tích cực thực hiện nghị quyết trừng phạt đối với Triều Tiên của Liên hợp quốc.
Căn cứ vào tình hình công bố ngày 5/5 của Ủy ban trừng phạt đối với Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tạm thời không có nước này báo cáo lên ủy ban này về tình hình nhập khẩu than từ Triều Tiên trong tháng 3.
Theo hãng tin Yonhap Hàn Quốc, điều này có nghĩa là tháng 3 không có nước nào nhập khẩu than từ Triều Tiên, kim ngạch xuất khẩn than của Triều Tiên trong tháng 3 giảm xuống bằng không.
Ngoài ra, Triều Tiên và Nga vốn có kế hoạch khai thông tuyến đường vận hành của tàu chở hàng ngày 8/5 cũng bất ngờ phải hoãn lại.