|
Chiến đấu cơ Su-30MK2 của không quân Việt Nam bay tuần tra |
Tờ South China Morning Post (SCMP – Hong Kong) ngày 14/6 đưa tin rất nhanh về sự kiện chiến đấu cơ Việt Nam mua của Nga mất liên lạc trên Biển Đông.
SCMP dẫn nguồn tin cho biết, chiếc máy bay Su-30MK2 nói trên biến mất khỏi màn hình radar trên vùng biển Diễn Châu, Nghệ An, cách đất liền khoảng hơn 30-40km, sau khi xuất phát từ sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Chiều tối ngày 14/6, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, cho biết rằng công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay xấu số vẫn tiếp diễn. Ông nói: “Chúng tôi vẫn chưa tìm thấy máy bay. Chưa có thông tin gì mới thêm. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm”. Khi được hỏi về nguyên nhân rơi máy bay, ông Tuấn nói: “Chúng tôi phải tìm ra máy bay mới biết nguyên nhân”.
Theo SCMP, sự cố xảy ra sau một loạt các vụ việc trong vòng hai năm qua với các máy bay trực thăng đã cũ và vào thời điểm Việt Nam đã xác định lại chiến lược quốc phòng và thực hiện đợt hiện đại hóa quân đội lớn nhất trong 4 thập kỷ. Việt Nam đang tìm cách hiện đại hóa năng lực quốc phòng của mình, nhằm thiết lập sự răn đe trước diễn biến tình hình leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Chiến đấu cơ Su-30MK2 nằm trong số hơn 30 chiếc loại này đang được Việt Nam sử dụng. Chiến đấu cơ phản lực nằm trong danh mục mua sắm và lựa chọn của Việt Nam được dự báo sẽ tăng cường sau việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với cựu thù Việt Nam. Washington rất mong muốn biến thành Việt Nam thành đồng minh châu Á mới nhất của mình, SCMP nhận định.
Theo SCMP, Việt Nam vẫn đang đàm phán với các nhà sản xuất của Mỹ và phương Tây nhằm tăng cường lực lượng không quân với các chiến đấu cơ phản lực, máy bay trực thăng và máy bay tuần tra biển. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có thể Nga sẽ vẫn tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí chính của Việt Nam.
Giới phân tích nhìn nhận các sáng kiến ngoại giao của Việt Nam được thể hiện qua quyết tâm củng cố quan hệ đối tác với Mỹ, mối quan hệ được bình thường hóa 20 năm trước. Quan hệ đối tác toàn diện Mỹ- Việt Nam, được tuyên bố thiết lập vào tháng 7/2013, bao gồm hợp tác trên nhiều khía cạnh như xây dựng năng lực hàng hải, kinh tế, chống biến đổi khí hậu, giáo dục và thúc đẩy nhân quyền. Tháng 12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công bố dành cho Việt Nam gói hỗ trợ trị giá 18 triệu USD để trang bị cho Lực lượng cảnh sát biển một số tàu cao tốc trong những năm tới.
Washington mới đây cũng cho biết sẽ bổ sung gói hỗ trợ an ninh hàng hải trị giá 20 triệu USD cho Việt Nam trong khuôn khổ gói hỗ trợ chung dành cho một số nước Đông Nam Á. Khoản đầu tư này sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền biển.
Tuy vẫn tiếp tục thắt chặt quan hệ quốc phòng với Washington, song Hà Nội nhiều khả năng sẽ có thêm các biện pháp để đảm bảo kế hoạch hiện đại hóa quân sự của mình không thu hút sự chú ý quá nhiều của Bắc Kinh.
Theo giới quan sát, với những thành công từ trước tới nay thông qua các thỏa thuận và hỗ trợ nhằm gây ảnh hưởng với hoạt động hoạch định chiến lược của Việt Nam, giới hoạch định chính sách của Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác bằng cách thực hiện các sáng kiến an ninh và kinh tế, qua đó củng cố hợp tác quốc phòng song phương. Trong thập kỷ tới, Việt Nam nhiều khả năng sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong chính sách an ninh tổng thể tại châu Á của Mỹ.