|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter và Tổng thống Hàn Quốc |
"Những vũ khí tối tân nhất, tốt nhất sẽ được triển khai ở khu vực này”, Bộ trưởng Carter đã phát biểu như vậy ở thủ đô Seoul - chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du Châu Á đầu tiên của ông này trên cương vị mới". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter đã đến thăm hai nước đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở khu vực Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông chủ Lầu Năm Góc cho biết, cuộc hội đàm giữa ông với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo bao gồm việc “đánh giá thẳng thắn” mối đe dọa đặt ra đối với bán đảo Triều Tiên và “lục địa Mỹ” do chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên gây ra.
"Và bằng những vụ thử tên lửa gần đây, Triều Tiên một lần nữa cho thấy nước này có ý định tiếp tục khiêu khích”, ông Carter đã nói như vậy với cánh phóng viên.
Bình Nhưỡng đã phóng đi hai quả tên lửa đất đối không ở ngoài khơi bờ biển phía tây trong ngày thứ Ba (7/4) ngay trước thềm chuyến thăm đến Nhật Bản của Bộ trưởng Carter. Vụ phóng tên lửa này được cho là thông điệp cảnh báo của Triều Tiên gửi đến người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trước đó, Triều Tiên cũng đã thực hiện hàng loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhằm thể hiện sự tức giận và răn đe đối với các cuộc tập trận quân sự chung định kỳ hàng năm giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng coi những cuộc tập trận như vậy là những cuộc tập dượt nhằm thực hiện một cuộc xâm lược nhằm vào nước này.
Mỹ hiện đang có gần 30.000 quân đóng thường trực tại Hàn Quốc và Mỹ cũng đóng vai trò chỉ huy lực lượng vũ trang của cả hai nước trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột với Triều Tiên.
Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt lý thuyết vẫn đang có chiến tranh với nhau bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-53 giữa họ mới chỉ kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn chứ chưa ký được một hiệp định hòa bình.
Vũ khí tối tân và thiện chiến nào sẽ được Mỹ triển khai đến Châu Á?
Nhấn mạnh rằng cần phải có sự răn đe quân sự và sự sẵn sàng “ở mức cao” trên bán đảo Triều Tiên, Bộ trưởng Carter cho biết Mỹ đang đầu tư vào “các năng lực tối tân phù hợp với môi trường an ninh năng động”.
Theo lời ông Carter, Mỹ sẽ triển khai luân phiên ở Châu Á loại máy bay ném bom tàng hình mới nhất, chiến đấu cơ tàng hình F-35 và các hệ thống chiến tranh mạng tinh vi.
Triều Tiên được cho là sở hữu năng lực chiến tranh mạng hiện đại có khả năng gây ra các cuộc tấn công mạng gây tổn thất nhằm vào các thể chế tài chính của Hàn Quốc. FBI cáo buộc Bình Nhưỡng đứng đằng sau cuộc tấn công mạng gây tổn hại cực lớn cho hãng phim Sony Pictures sau khi hãng phim này sản xuất bộ phim "The Interview" trong đó nói về một âm mưu ám sát Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.
Trong khi hứa đưa những vũ khí tối tân nhất đến Châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter lại tránh nói đến vấn đề nhạy cảm là hệ thống phòng thủ tên lửa mang tên THAAD. Washington đang có mục tiêu triển khai hệ thống này ở Hàn Quốc.
Cả Trung Quốc và Nga đều công khai phản đối gay gắt kế hoạch triển khai hệ thống THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc, cảnh báo rằng một hệ thống như vậy sẽ làm phương hại đến hòa bình và sự ổn định trong khu vực.
Vấn đề lá chắn tên lửa THAAD đang gây đau đầu cho giới chức Seoul bởi nước này đang phải cân nhắc giữa các ưu tiên với một bên là đồng minh quân sự quan trọng nhất là Mỹ và bên kia là đối tác thương mại lớn nhất - Trung Quốc.
Bộ trưởng Carter khẳng định, vấn đề THAAD không được bàn đến khi ông đến thủ đô Seoul bởi vì hệ thống này vẫn đang trong quá trình được chế tạo. "Chúng tôi chưa đến bước xác định xem chúng tôi sẽ bàn thảo về việc triển khai nó ở đâu với bất kỳ ai", ông Carter cho hay.
Chuyến công du hai ngày của Bộ trưởng Carter đến Châu Á một phần là nhằm để nhấn mạnh cam kết của Tổng thống Barack Obama về chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á - một chính sách đang bị phức tạp hóa vì căng thẳng giữa hai đồng minh Seoul và Tokyo của Mỹ.
Washington đang nỗ lực hết sức để hai nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản gạt sang một bên những tranh chấp, bất đồng liên quan đến vấn đề lịch sử và lãnh thổ. Tổng thống Obama thậm chí còn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo 3 bên hồi tháng 3 nhằm tháo gỡ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn khá lạnh lẽo. Bộ trưởng Carter tin rằng, vẫn còn nhiều điều Mỹ có thể làm. "Chúng tôi hy vọng vào quá trình hàn gắn và hòa giải nhưng điều đó không phải do Mỹ dùng ảnh hưởng để ép buộc hai nước”.
Theo: VnMedia