|
Sơ đồ vụ phóng tên lửa của Trung Quốc hôm 26/8 từ nội địa tới Biển Đông (Ảnh: East Pendulum). |
Theo tờ South China Morning Post, Hồng Kông ngày 26/8 dẫn lời một nguồn tin cho biết PLA đã phóng 2 tên lửa từ Thanh Hải và Chiết Giang ra Biển Đông vào sáng hôm đó.
Hãng tin Bloomberg và Đài truyền hình Nhật Bản (NHK) ngày 27/8 dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, Trung Quốc đã phóng thử nghiệm 4 tên lửa đạn đạo tầm trung trong cuộc tập trận tuần này. Các tên lửa này được phóng tới vùng biển nằm giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép, cũng là nơi cách không xa khu vực hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ tập trận chung cách đây không lâu. Vụ phóng này được coi là mang ý nghĩa cảnh cáo mạnh mẽ đối với Mỹ.
|
Tên lừa DF-21D của PLA được Trung Quốc xưng tụng là "Sát thủ tàu sân bay" (Ảnh: newtalk).
|
Theo trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 29/8, phản ứng trước tin tổng cộng 4 tên lửa tầm trung được PLA phóng vào ngày 26/8, một cư dân mạng Trung Quốc chỉ ra rằng, hai tên lửa còn lại không tới được khu vực tàu mục tiêu có khả năng phát nổ giữa chừng và rơi xuống Quảng Tây, sau đó các bức ảnh xác tên lửa nghi là rơi ở Quảng Tây lan truyền trên Internet đã gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi. Nhà bình luận chính trị lấy tên là "Thị giới" viết: "Sự bốc đồng khiến Trung Quốc phải hối hận.
Ngày 25/8, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông; máy bay trinh sát U-2 của Mỹ đã bay qua khu vực tập trận và ghi lại toàn bộ vụ phóng tên lửa YJ-18 của Trung Quốc, đồng thời phát trên Internet; vào ngày 26/8, Trung Quốc đã phóng 4 tên lửa DF-21D và DF-26B. Quân đội Mỹ đã thu thập dữ liệu tên lửa trong suốt quá trình và thông báo vị trí rơi xuống của các tên lửa Trung Quốc. Các tên lửa của Trung Quốc đã không bắn trúng tàu mục tiêu. Cho đến nay, "Sát thủ tàu sân bay" tuyệt mật của Trung Quốc đã bị họ hiểu rõ và nắm chắc”.
Về vụ phóng tên lửa này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 27/8 đã ra tuyên bố lên án Trung Quốc vi phạm cam kết với cộng đồng quốc tế và tiếp tục phá hoại tình hình ở Biển Đông.
|
Vị trí tên lửa rơi xuống huyện Đông Lan, Quảng Tây (Ảnh: weibo).
|
Trước sự kiện Trung Quốc nói chỉ phóng 2 tên lửa, trong khi bị quân đội Hoa Kỳ phanh phui phóng tổng cộng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung vào ngày 26/8, có thông tin lan truyền trên mạng internet nói rằng hai tên lửa tuy phóng tới được địa điểm dự kiến nhưng đã không trúng tàu mục tiêu; còn hai tên lửa còn lại đã phát nổ ở nội địa Trung Quốc và rơi xuống khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Truyền thông Đài Loan đưa tin này và dẫn lời bình luận của nghị sĩ Vương Định Vũ: "Nếu điều này là sự thật, người ta nghi ngờ liệu những tên lửa này có thể bắn trúng được con tàu đang di chuyển hay không. Riêng tỷ lệ hỏng hóc là điều đáng phải xem xét kỹ lưỡng!”.
Nhiều người sử dụng mạng ở Trung Quốc bình luận: “Người ta cao tay làm đồ chơi giống như đồ thật, Trung Quốc thì luôn làm đồ thật ngang ngửa đồ chơi”; “Thật may là tên lửa không có đầu đạn, nếu không thì nó phát nổ phá nhà mình trước”; “Thật mất mặt, lần này hoàn toàn bị lộ tẩy. Sau bao nhiêu năm khoác lác, không nói ra thì không ai biết, nay nói ra người ta biết ngay đồ dởm “; có người giễu cợt: “Bắn 4 quả, hai quả trúng quân địch, hai quả đánh quân mình, như vậy gọi là địch thương vong 500, ta tự gây thương vong 500, thật công bằng!”...
|
Xác tên lửa rơi xuống tỉnh Quảng Tây (Ảnh: Apolo).
|
Nói về vụ phóng tên lửa của Trung Quốc, Phó Đô đốc Scott Conn, Tư lệnh Hạm đội 3 của Mỹ, người chỉ huy cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương, đã tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do bay, hàng hải và hoạt động theo luật pháp quốc tế và thực hiện cam kết về “Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, đảm bảo an toàn cho các đồng minh và đối tác.
Tạp chí Mỹ The National Interest đã đăng tải một bài báo của biên tập viên quốc phòng Kris Osborn của tạp chí này, phân tích các biện pháp đối phó của Hải quân Mỹ để vô hiệu hóa tên lửa “Sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc.
Ông Kris Osborne, người từng phục vụ trong Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Lục quân thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, chỉ ra rằng, hai loại tên lửa được bắn thử của Trung Quốc lần này là DF-21D được Trung Quốc xưng tụng là “Sát thủ tàu sân bay” có tầm bắn hơn 1.500 km, còn DF-26B có tầm bắn hơn 4.000 km.
Ông Osborne viết rằng, điều này dẫn đến một vấn đề: Liệu những tên lửa này có thực sự là “Sát thủ tàu sân bay”? Liệu chúng có ngăn cản được tàu sân bay hoạt động trong một phạm vi nhất định? Liệu sự có mặt của chúng có thực sự thay đổi kế hoạch tàu sân bay của Hải quân Mỹ? Theo ông Hải quân Mỹ đã và tiếp tục hoạt động như hiện nay, cũng như đã tiến hành nhiều đánh giá, phân tích về các vấn đề này.
Do những xem xét về an ninh quốc gia, nhiều chi tiết liên quan đến việc phòng thủ hạm tàu của Mỹ đã không được tiết lộ, nhưng Hải quân Mỹ đang nhanh chóng xây dựng một hệ thống phòng thủ tàu công nghệ cao mới. Các biện pháp này bao gồm trang bị cho các tàu chiến vũ khí laser chính xác để bám sát và thiêu cháy các đối tượng vi phạm, phạm vi hiệu quả của chùm tia laser ngày càng xa hơn. Mặt khác, các hạm tàu Mỹ từ lâu cũng đã được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không RIM-161 Standard Missile 3 (SM-3), RIM-174 Standard Missile 6 (SM-6), RIM-162 SeaSparrow Missile II, SeaRAM, RIM-116 Rolling Airframe Missile và một số hệ thống vũ khí phòng không tầm gần để đánh chặn tên lửa.
Ông Osborne chỉ ra rằng những vũ khí này của Hải quân Mỹ đều đã được nâng cấp. SM-3 đang hướng tới trở thành một hệ thống phòng thủ tên lửa ở bên ngoài bầu khí quyển của Trái đất. SM-6 hiện có bộ tìm kiếm ở chế độ kép có thể thích ứng với các mục tiêu đang di chuyển trong khi bay; trong khi biến thể Block II ESSM của nó có thể hoạt động ở chế độ lướt trên mặt biển để đánh chặn các tên lửa bay song song với mặt nước và các tên lửa bay siêu thấp. Chức năng của các loại vũ khí này có thể giúp Hải quân Mỹ giải quyết các loại vũ khí chống hạm của đối phương.
|
Xác tên lửa DF-21 rơi xuống Quảng Tây hôm 26/8 (Ảnh: Apolo).
|
Quan trọng hơn là, mạng lưới giữa các vũ khí phòng thủ nhiều tầng nhiều lớp này đang trở nên chặt chẽ hơn và được tích hợp với các hệ thống chỉ huy và điều khiển chung để nhanh chóng chia sẻ thông tin, điều phối hỏa lực và kịp thời phân loại mục tiêu.
Mặt khác, vị trí của tác chiến điện tử trong phòng thủ tàu sân bay cũng là điểm nổi trội. Hải quân Mỹ hiện đang nỗ lực kết nối chặt chẽ hơn chiến tranh thông tin với các hệ thống vũ khí tác chiến điện tử để nâng cao khả năng nhận biết mục tiêu và phạm vi công nghệ của các cuộc tấn công mạng và tác chiến điện tử. Với sự trợ giúp của cảm biến tiên tiến được đổi mới, hệ thống tác chiến điện tử đặt trên boong tàu có thể sớm phát hiện tên lửa chống hạm đang bay đến gần, rồi gây nhiễu hoặc thậm chí “tắt” nó đi, hoặc đơn giản hơn là buộc nó bay chệch khỏi quỹ đạo.
Ngoài hệ thống phòng không đa dạng được đặt trên nó, mỗi tàu sân bay còn được bảo vệ bằng các tàu hộ vệ trong cụm tác chiến, vì vậy để tiêu diệt nó thật không dễ dàng. Có lẽ vì thế mà người Mỹ đã cười vào cái tên “Sát thủ tàu sân bay” mà người ta gán cho các loại tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung của Trung Quốc.