Mỹ giáng thêm đòn vào ngành chip Trung Quốc, đưa 36 công ty vào danh sách đen

VietTimes – Ngày 15/12, chính phủ Mỹ thêm 30 công ty Trung Quốc vào danh sách đen xuất khẩu, bao gồm cả nhà sản xuất chip nhớ flash hàng đầu, động thái mới nhất của Washington nhằm cắt đứt Bắc Kinh khỏi công nghệ bán dẫn.
Ảnh minh họa SCMP.

Trong một đòn giáng mạnh hơn nữa vào ngành công nghiệp bán dẫn đang gặp khó khăn của Trung Quốc, quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, đưa 36 tập đoàn Trung Quốc vào Danh sách Thực thể trực tiếp ngăn chặn hiệu quả những công ty này tiếp cận các sản phẩm, phần mềm và công nghệ quan trọng của Mỹ trừ khi các nhà cung cấp Mỹ nhận được sự chấp thuận rõ ràng từ chính phủ.

Alan Estevez, thứ trưởng an ninh và công nghiệp Bộ Thương mại Mỹ, trong một tuyên bố ngày 15/12 cho biết:

“Hôm nay chúng tôi, dựa trên những hành động đã được thực hiện vào tháng 10 để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ, tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt Trung Quốc trong khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo, máy tính tiên tiến và những công nghệ mạnh mẽ, có sẵn trên thị trường để hiện đại hóa quân đội và vi phạm nhân quyền.”

Đáng chú ý nhất trong số những công ty mới được bổ sung vào danh sách là Công ty Công nghệ bộ nhớ Yangtze Memory Technologies (YMTC), có trụ sở tại Vũ Hán, công ty lớn nhất trong thị trường bộ nhớ flash Trung Quốc, là doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát 5 đến 6% thị trường bộ nhớ flash NAND toàn cầu. Một công ty con của YMTC tại Nhật Bản cũng bị đưa vào danh sách đen thương mại mới nhất.

Hai công ty này đã được thêm vào “Danh sách chưa được xác minh” của Bộ Thương mại vào tháng 10 vì lo ngại các doanh nghiệp có thể chuyển hướng công nghệ của Mỹ sang doanh nghiệp thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co và nhà sản xuất camera giám sát Hikvision.

Những bổ sung mới nhất vào Danh sách thực thể theo sau bản cập nhật kiểm soát xuất khẩu của Washington vào tháng 10, hạn chế khả năng của Bắc Kinh trong mua sắm công nghệ, thiết bị chip cao cấp của Mỹ và ngăn chặn công dân Mỹ làm việc cho một số công ty. Tháng 11/2021, chính phủ Mỹ bổ sung thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen xuất khẩu này.

Những doanh nghiệp nổi tiếng khác trong Danh sách thực thể mở rộng bao gồm Shanghai Micro Electronics Equipment, hy vọng cao nhất hiện nay của Bắc Kinh trong lĩnh vực chế tạo các máy móc, trang thiết bị có thể sản xuất chip tiên tiến. Công ty trước đây nằm trong Danh sách chưa được xác minh.

Mỹ cũng đưa Tiandy vào danh sách đen, một trong những nhà cung cấp video giám sát hàng đầu trên thế giới, cáo buộc công ty này tạo điều kiện cho “giám sát công nghệ cao” chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và giúp Iran có được các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ.

Trong số những công ty mới trong danh sách, 21 doanh nghiệp được xác định là những tổ chức đóng vai trò chính trong nghiên cứu và phát triển, sản xuất và cung cấp chip AI, có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan chính phủ, hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.

Bộ Thương mại cũng áp dụng cái gọi là quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài đối với 21 trong số 36 công ty trong Danh sách Thực thể, bao gồm Yangtze Memory Technologies (YMTC) và công ty thành viên nhằm ngăn chặn doanh nghiệp tiếp cận công nghệ có nguồn gốc Mỹ từ các quốc gia khác.

7 nhà sản xuất khác trong danh sách, được xác định là hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc phát triển vũ khí siêu thanh và các hệ thống tên lửa đạn đạo.

Đáp lại một báo cáo trước đó về danh sách trừng phạt mở rộng của Washington, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ đã mở rộng quá mức khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và vũ khí hóa các vấn đề khoa học công nghệ.

“Đây là hành vi ép buộc kinh tế trắng trợn và bắt nạt trong lĩnh vực công nghệ,” Vương Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết trong một cuộc họp báo ngày 14/12.

Ngày 12/12, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Hàn Quốc, kêu gọi Seoul phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc đệ đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chống lại những hạn chế của Mỹ với linh kiện bán dẫn và các mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao khác đối với các công ty Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc lập luận rằng, đây là hành động “cần thiết” để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Trung Quốc.

Trong khi tiếp tục bổ sung các công ty vào Danh sách thực thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung công nghệ cao, Bộ Thương mại Mỹ đồng thời công bố một động thái, được cho là giảm bớt một số áp lực đối với những công ty công nghệ cao Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ loại trừ 25 công ty Trung Quốc khỏi danh sách theo dõi những công ty “chưa được xác minh”, có thể có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc sau khi kiểm tra người dùng cuối.

Những công ty được đưa vào danh sách “chưa được xác minh” khi chính phủ Mỹ không thể loại trừ khả năng những tổ chức này là nhà cung cấp công nghệ quân sự và việc loại những công ty đã nêu khỏi danh sách có nghĩa là, không có lệnh trừng phạt nào đối với các doanh nghiệp này.

Đồng thời Bộ Thương mại Mỹ chuyển 9 công ty Nga sang Danh sách Thực thể từ Danh sách Chưa được xác minh, với lý do không thể hoàn thành kiểm tra người dùng cuối.

Matthew Axelrod, trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại về vấn đề thực thi xuất khẩu tuyên bố: “Khi chính phủ sở tại tạo điều kiện cho một cuộc kiểm tra, cho phép chúng tôi xác nhận hoạt động trung thực của một công ty, thì công ty đó sẽ ra khỏi Danh sách chưa được xác minh, thể hiện qua việc 25 công ty Trung Quốc được loại khỏi danh sách các bên bị hạn chế ngày hôm nay, nhưng khi chính phủ sở tại kiên trì ngăn chặn việc kiểm tra, thì sẽ có những hậu quả thực sự, thể hiện qua việc bổ sung 9 doanh nghiệp Nga vào Danh sách Thực thể ngày hôm nay.”

Khi được hỏi về kế hoạch của Mỹ, loại bỏ một số doanh nghiệp Trung Quốc khỏi Danh sách chưa được xác minh, ngoại trưởng Vương Nghị cho biết: “Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần yêu cầu Washington “ngừng nhắm mục tiêu vào những công ty Trung Quốc với các biện pháp phân biệt đối xử và không công bằng. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên quyết bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các công ty Trung Quốc.”

Theo South China Morning Post