Mỹ giảm quân đặc nhiệm nơi khác để chuyên ứng phó Trung, Nga

VietTimes -- Phần lớn nhiệm vụ được cắt giảm sẽ tiến hành ở Trung Phi và Tây Phi, ở đó, nhiệm vụ tác chiến đặc biệt của quân đội Mỹ chủ yếu là huấn luyện cho quân đội châu Phi tấn công các mối đe dọa ngày càng tăng từ các tổ chức khủng bố Hồi giáo.
Tư lệnh Bộ tư lệnh châu Phi, quân đội Mỹ Thomas Waldhauser (bên trái). Ảnh: Wikimedia.
Tư lệnh Bộ tư lệnh châu Phi, quân đội Mỹ Thomas Waldhauser (bên trái). Ảnh: Wikimedia.

Tờ Thời báo New York Mỹ gần đây cho hay căn cứ vào kế hoạch của chỉ huy Bộ tư lệnh châu Phi, quân đội Mỹ, tướng Thomas Waldhauser, vài trăm binh sĩ Mỹ đóng ở châu Phi sẽ được sắp xếp lại. Số lượng nhiệm vụ tác chiến đặc biệt cũng sẽ giảm đi để phối hợp với chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là tập trung hơn vào ứng phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.
Tướng Thomas Waldhauser cho biết, dự tính phần lớn nhiệm vụ được cắt giảm sẽ tiến hành ở Trung Phi và Tây Phi. Ở những khu vực đó, nhiệm vụ tác chiến đặc biệt của quân đội Mỹ chủ yếu là huấn luyện cho quân đội châu Phi để tấn công các mối đe dọa ngày càng trầm trọng hơn từ các tổ chức khủng bố Hồi giáo.
Khi trả lời phỏng vấn báo chí, Tư lệnh Thomas Waldhauser cho biết kế hoạch của ông sẽ có lợi cho điều chỉnh năng lực của quân đội để tấn công các mối đe dọa trên toàn thế giới. Nhưng quân đội Mỹ hoàn toàn sẽ không rút khỏi khu vực châu Phi.
Thomas Waldhauser nói: "Chúng tôi sẽ không rời đi". Ông còn cho biết Mỹ sẽ vẫn giữ lại quyền quay trở lại châu Phi để bảo vệ quyền lợi của Mỹ.
Châu Phi ngày càng trở thành một chiến trường "mới nổi", Mỹ tấn công các tổ chức khủng bố ở đó, bao gồm tổ chức cực đoan "Nhà nước Hồi giáo" (IS), tổ chức khủng bố Boko Haram cùng với các tổ chức khác tuyên bố trung thành với tổ chức Al Qaeda.
Các chi nhánh của những tổ chức này chưa từng trực tiếp tấn công Mỹ từ châu Phi, nhưng vài năm qua Lầu Năm Góc đều đang tìm cách huấn luyện cho quân đội địa phương để ứng phó với các phần tử khủng bố ở châu Phi. Một phần nguyên nhân của hành động này là mong muốn bất cứ mối đe dọa nào từ châu Phi đều rời xa Mỹ.
Tướng Thomas Waldhauser cho biết Bộ tư lệnh châu Phi là bộ tư lệnh Mỹ đầu tiên được yêu cầu trình lên một kế hoạch giảm quân đồn trú. Theo kế hoạch này, Bộ tư lệnh châu Phi được yêu cầu thảo luận những ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố từ việc rút 50% binh sĩ đặc nhiệm đồn trú ở châu Phi trong vòng 3 năm.
Nhưng ông cho biết dự tính, căn cứ vào chiến lược quốc phòng nhằm ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa như Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, các bộ tư lệnh tác chiến khác của Mỹ cũng sẽ áp dụng biện pháp tương tự.
Chiến lược này cho thấy quân đội Mỹ đang từ tấn công chủ nghĩa khủng bố chuyển sang ứng phó với mối đe dọa là các quốc gia. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis công bố chiến lược này vào tháng 1/2018, ông ấy cho biết "chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công các phần tử khủng bố, nhưng cạnh tranh sức mạnh nước lớn, chứ không phải chủ nghĩa khủng bố, hiện là mối quan tâm trọng điểm của an ninh quốc gia Mỹ".
Theo Thomas Waldhauser, hành động giảm quân đồn trú ở châu Phi sẽ bao gồm vài trăm binh sĩ đặc nhiệm và các đơn vị chi viện khác sẽ rút khỏi châu Phi. Điều này sẽ bắt đầu từ các khu vực như Cameroon. Các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ cho rằng các nỗ lực huấn luyện cho lực lượng đặc nhiệm Cameroon đã thành công lớn. Mỹ hiện có khoảng 300 binh sĩ đồn trú ở Cameroon.
Hiện có hơn 7.300 binh sĩ lực lượng tác chiến đặc biệt Mỹ thực hiện nhiệm vụ trên toàn thế giới. Rất nhiều người trong số họ tiến hành "cuộc chiến bóng tối" ở Yemen, Libya, Somalia và các khu vực điểm nóng khác. Khoảng 1.200 binh sĩ trong số họ thực hiện nhiệm vụ ở châu Phi, hiện đang đứng trước sự điều chỉnh giảm quân.
Cuối cùng, số liệu của bộ phận tác chiến đặc biệt Bộ tư lệnh châu Phi cho thấy Mỹ sẽ chỉ giữ lại khoảng 700 binh sĩ, tương đương với số lượng vào năm 2014.
Chuyên gia vấn đề châu Phi John Peter Pham, Hội đồng Đại Tây Dương, một cơ quan nghiên cứu ở Washington, Mỹ cho rằng mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố ở châu Phi mặc dù có xu thế tăng lên, nhưng “điều này không có nghĩa là mỗi một phần tử khủng bố đều do lực lượng đặc nhiệm Mỹ truy bắt”.
Theo John Peter Pham, triển khai quá nhiều quân Mỹ đến các khu vực châu Phi như Somalia có thể dẫn đến quan chức địa phương hình thành thói quen dựa dẫm vào quân đội Mỹ và trở nên tự mãn, đồng thời ảnh hưởng đến công tác huấn luyện cho binh sĩ địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tướng Carter F. Ham, cựu Tư lệnh Bộ tư lệnh châu Phi, quân đội Mỹ, về nguyên tắc, ông đồng ý Mỹ nên quan tâm hơn đến mối đe dọa Trung Quốc và Nga, nhưng ông cũng chỉ ra, quân đồn trú Mỹ ở châu Phi vốn đã không nhiều, nếu tiếp tục giảm quân thì “điều này sẽ làm giảm khả năng đạt kết quả tốt ở các khu vực của đại lục châu Phi”.