|
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp lịch sử với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục tháng 7/2015. |
Hội nghị Thượng đỉnh chiến tranh Việt Nam sẽ khai mạc ngày 26/4 và kết thúc ngay trước ngày đánh dấu 41 năm Sài Gòn sụp đổ.
Bà Amy Barbee, một thành viên ban tổ chức và hiện là Giám đốc Điều hành của Quỹ LBJ, cho biết rằng đây là lần đầu tiên một cuộc hội thảo quy mô lớn về chiến tranh Việt Nam, với sự tham gia của khoảng 5.000người, diễn ra trên đất Mỹ.
Bà cho biết thêm: “Đây là một sự kiện quan trọng. Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày về cuộc chiến Việt Nam nhắm mục đích tìm hiểu về những bài học cũng như di sản của cuộc chiến này”.
Tới dự sự kiện này có nhiều quan chức Mỹ, cả cựu lẫn đương thời, từng có mối ràng buộc với cuộc chiến làm hàng triệu người thiệt mạng ở cả hai phía.
Trước khi tháp tùng Tổng thống Obama thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam vào tháng tới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có bài phát biểu mà nhiều nhà quan sát cho rằng sẽ nhìn lại cuộc chiến khốc liệt cũng như mối quan hệ nảy nở từ thù thành bạn của Hà Nội và Washington.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng sẽ có mặt, và dự kiến sẽ tham gia cuộc thảo luận thẳng thắn với người tham dự về Chiến tranh Việt Nam, sau khi lên tiếng về cuộc chiến từng giúp ông giành giải Nobel Hòa Bình.
Ngoài ra, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, cũng sẽ phát biểu tại hội thảo. Bà Amy Barbee nói thêm: “Lý do chúng tôi mời Đại sứ Việt Nam tới dự và phát biểu vì chúng tôi muốn lắng nghe tiếng nói từ phía Việt Nam, muốn nghe Ngài Đại sứ nói về mối quan hệ và trao đổi giữa hai nước hiện nay cũng như các cơ hội về kinh tế và thương mại".
Trước đó, phát biểu tại Đại học Virginia, Đại sứ Vinh cũng đề cập tới việc khắc phục hậu quả chiến tranh của Việt Nam và Mỹ. Ông Vinh cũng cho biết thêm rằng cả Hà Nội và Washington “đang tích cực chuẩn bị” cho chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu Nhà Trắng vào tháng 5 tới.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, trong thời gian tới, “hai bên cần tiếp tục tăng cường các lĩnh vực hợp tác được đề ra trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện, trên cơ sở các nguyên tắc quan hệ về bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lợi ích và thể chế chính trị của mỗi nước”.