Mỹ duy trì quân đồn trú ở Philiphine ngăn chặn Trung Quốc trên biển Đông

VietTimes -- Mỹ tuyên bố tiến hành tuần tra chung với Philippines trên Biển Đông, duy trì 300 quân và máy bay chiến đấu trong khu vực. Đồng thời Mỹ cũng sẽ gửi các lực lượng luân phiên thay thế tới Philippines, nhằm tăng cường đào tạo và hỗ trợ các hoạt động quân sự của quốc gia này trên biển Đông.
Mỹ duy trì quân đồn trú ở Philiphine ngăn chặn Trung Quốc trên biển Đông

Theo South China Morninh Post: ngày 15.04.2016, lần đầu tiên Washington tuyên bố, các chiến hạm Mỹ bắt đầu thực hiện chuyến tuần tra chung với hải quân Philippines ở Biển Đông, một động thái đặc biệt, không thực hiện với nhiều đối tác khác ở Đông Nam Á

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Philippine Voltaire Gazmin cho biết: Mỹ sẽ duy trì khoảng 300 quân, bao gồm lực lượng không quân được trang bị máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng tại Philippines đến cuối tháng 4. Động thái này một phần của sứ mệnh hỗ trợ xây dựng quân đội Philiphine mạnh hơn trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Mỹ cũng bắt đầu thực hiện việc đưa lực lượng đồn trú đã nêu luân phiên hiện diện ở Philippines, nhằm tăng cường công tác huấn luyện đào tạo và giúp đỡ lực lượng vũ trang Philiphine tăng cường những hoạt động quân sự trên vùng biển đang có tranh chấp.

Washington gia tăng hỗ trợ quân sự cho Manila chỉ vài ngày sau khi một nhà ngoại giao Philippines đề nghị Mỹ giúp thuyết phục Trung Quốc không tiến hành các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough, được xem là khu vực biển quan trọng đối với ngư dân Philippines. Đại sứ Philippines tại Washington Jose Cuisia Jr cho biết, Philippines không có khả năng ngăn chặn Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở bãi cạn do không có thực lực. Trung Quốc bồi đắp nhiều đảo nhân tạo trên các khu vực tranh chấp khác nhau ở Biển Đông, chiếm giữ được bằng bạo lực.

Theo một quan chức Lầu Năm Góc, Mỹ sẽ duy trì ở Philippines các lực lượng tham gia cuộc diễn tập chung Balikatan hoặc các cuộc diễn tập vai - kề - vai, kết thúc vào ngày 15.04.2016. Khoảng 200 quân nhân, bao gồm lực lượng đặc nhiệm vẫn đồn trú ở căn cứ không quân Clark, cùng với 3 máy bay trực thăng tấn công Pave Hawk, máy bay thực hiện nhiệm vụ đặc biệt MC-130H Combat Talon II và 5 máy bay cường kích chiến trường A-10.

Lực lượng binh sĩ Mỹ sẽ thực hiện nhiệm vụ đào tạo để tăng cường khả năng phối hợp công tác cùng quân đội Philiphine, đặt cơ sở cản bản cho quân đội hai nước phối hợp trong lực lượng tuần tra chung cũng như các chiến hạm hai nước cùng tuần tra.

Ngoài ra, khoảng 75 lính thủy đánh bộ Mỹ được đóng quân tại Trại Aguinaldo để phối hợp cùng lực lượng liên quân Mỹ - Philippines tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực.

Nhóm binh sĩ và máy bay Mỹ dự kiến rời Philiphine vào cuối tháng, nhưng một  lực lượng khác của Mỹ cùng với máy bay tiếp quản những nhiệm vụ đang thực hiện theo phương pháp luân phiên tại Philippines trong tương lai. Quan chức quốc phòng Mỹ không cho biết chu trình thay đổi luân phiên sẽ thực hiện thế nào, nhưng cho biết lịch trình, quân số và trang thiết bị dao động tùy theo tình hình thực tế. Vị quan chức Mỹ không được quyền thảo luận về các vấn đề đã được công khai và phát biểu với điều kiện được giấu tên.

Gia tăng sự hiện diện binh lực hỗ trợ là một phần của chiến dịch do Mỹ tiến hành nhằm mở rộng sự giúp đỡ cho Philippines, vực dậy sức mạnh của các đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này được thực hiện trong như một biện pháp đáp trả trong bối cảnh gia tăng tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, bao gồm những nỗ lực ngày một tăng của Bắc Kinh nhằm bồi đắp các đảo nhân tạo trên Biển Đông, gây căng thẳng cho các quốc gia trong khu vực.

Mỹ và Manila nhiều lần tuyên bố, cuộc diễn tập chung và các gói hỗ trợ quân sự này không nhằm vào Trung Quốc, nhưng những động thái là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Mỹ đối với các đồng minh trong khu vực. Phía Trung Quốc coi bất kỳ hành động gia tăng sự hiện diện và hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực như một mối đe dọa.

Tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ sẽ viện trợ quân sự khoảng 40 triệu USD cho Philippines nhằm tăng cường các hoạt động chia sẻ thông tin tình báo, giám sát và tuần tra biển. Carter cho biết gói viện trợ bao gồm tăng cường mạng lưới thông tin thông tin liên lạc bảo mật cao, trang thiết bị khí tài trinh sát cho các tàu tuần tra và một khinh khí cầu không người lái trinh sát biển.

Các bộ khí tài trinh sát, tuần thám và giám sát sẽ giúp Philippines duy trì khả năng quan sát thường xuyên vùng nước chủ quyền của quốc gia và các khu vực khác đang có những tranh chấp chồng lấn ở Biển Đông.

Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết: Mỹ sẽ có quyền sử dụng năm căn cứ quân sự của Philippines, lực lượng quân đội Mỹ đồn trú luân phiên trong các căn cứ quân sự này, thực hiện các hoạt động huấn luyện đào tạo và các nhiệm vụ khác ở nước ngoài.

Bãi cạn Scarborough hiện đang là trung tâm của vụ án quốc tế mà Manila đệ đơn lên Tòa án Trọng tài Thường trực – một ủy ban trọng tài quốc tế vào tháng 01. 2013, khi các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ tranh chấp sau khi đưa các tàu Philiphine vào trạng thái bế tắc căng thẳng kéo dài.

Bãi cạn tranh chấp có vị trí địa lý cách bờ biển Philiphine khoảng 230 km về phía tây và 620 km tính từ bờ biển Trung Quốc.

Tòa án đồng ý nhận vụ kiện này và dự kiến sẽ đưa ra xem xét trong những tháng tới. Bắc Kinh tuyên bố phản đối, cáo buộc Ủy ban quốc tế không có thẩm quyền trong vấn đề này.

Ông Cuisia cho biết: một quan chức cấp cao Hải quân Mỹ nghi ngờ có một tàu khảo sát Trung Quốc đang hoạt động trong vùng nước bãi cạn Scarborough vài tuần trước đây. Quân đội Philippines tiến hành kiểm tra nhưng không phát hiện ra chiếc tàu này, có thể tàu khảo sát Trung Quốc đã rời khỏi vùng nước xung quanh bãi cạn, ông nói. Các quan chức Philippines lo ngại rằng Trung Quốc đang quan tâm đến những rạn san hô rộng lớn với mục đích bồi đắp đảo nhân tạo tiếp theo.

Trung Quốc tuyên bố hoàn thành công trình bồi đắp và xây dựng, biến bảy rạn san hô thành đảo trong quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, động thái này đã bị Mỹ và các đối tác khác trong khu vực lên án mạnh mẽ. Các quan chức Hải quân Mỹ cũng công bố các bức không ảnh cho thấy đường băng, các máy bay chiến đấu và nhiều vũ khí khác nhau trên một số đảo nhân tạo.

Bắc Kinh thường xuyên tuyên bố ngang ngược rằng Trung Quốc có quyền sở hữu quần đảo Trường Sa và đương nhiên có quyền xây dựng ở đó.

QA