Mỹ dồn dập triển khai quân lực tới Biển Đông sẵn sàng phong tỏa Trung Quốc

VietTimes -- Sự chuyển đổi chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ cơ bản là để tìm được một đối thủ tác chiến đối xứng cho hải, không quân Mỹ, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược lớn của Lầu Năm Góc gồm “tác chiến hợp nhất hải - không quân” và “chiến lược triệt tiêu lần thứ ba”.
Cụm chiến đấu tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ.
Cụm chiến đấu tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ.

Đa Chiều, một tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 1/7 cho rằng kết quả trọng tài Biển Đông sắp được công bố, vấn đề Biển Đông tiếp tục nóng lên. Kế tiếp hai tàu sân bay Mỹ hiện diện ở Biển Đông, các động thái trên biển, trên không của Mỹ ở Biển Đông đã trở nên dồn dập. 

Về hải quân, ngày 25/6, Hạm đội 3 Hải quân Mỹ điều 3 tàu khu trục Aegis đến Biển Đông. Trước đó, ngày 21/6, cuộc diễn tập của 2 tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông được cho là có ý đồ răn đe Trung Quốc. 

Ngày 5/6, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson đã lên tàu sân bay USS John C. Stennis đang tuần tra Biển Đông. Tàu sân bay này đến Biển Đông vào tháng 3/2016. 

Về không quân, ngày 17/5, máy bay trinh sát EP-3 của Quân đội Mỹ nhiều lần xuất hiện ở Biển Đông. Tình hình này cho thấy, Mỹ đã điều lực lượng hải, không quân đến Biển Đông một cách dồn dập. 

Đa Chiều cho rằng trước các động thái này của Mỹ, không ít người coi đây là sự “bao vây chiến lược” của Mỹ đối với Trung Quốc.

Mỹ đang can dự vào vấn đề Biển Đông, thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương. 

Đa Chiều nhận định, một loạt kế hoạch của Mỹ không chỉ đơn giản là nhằm vào Trung Quốc, các lực lượng hải, không quân Mỹ hiện diện dày đặc ở Biển Đông cũng có các nguyên nhân về chiến lược, chiến thuật và hiện thực của bản thân họ. 

Tàu sân bay USS Ronald Reagan Hải quân Mỹ trên Biển Đông.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan Hải quân Mỹ trên Biển Đông.

Về chiến lược, tháng 8/2014, máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon bay trên Biển Đông. Từ một loạt động thái của Mỹ cho thấy Mỹ điều lượng lớn lực lượng hải, không quân đến khu vực Biển Đông là để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc và thực hiện mục tiêu chiến lược chuyển hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sau khi Mỹ thực hiện chính sách dầu khí mới, nhu cầu năng lượng của Mỹ ở khu vực Trung Đông từng bước giảm đi, trọng tâm chiến lược của Mỹ từng bước dời khỏi khu vực Trung Đông. 

Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc “chiến lược chống khủng bố toàn cầu” của người tiền nhiệm George Bush, Mỹ bắt đầu sử dụng lực lượng mặt đất với nòng cốt là lục quân và thủy quân lục chiến, tiến hành tác chiến mang tính đối xứng đối với các tổ chức khủng bố và nhóm vũ trang nổi dậy ở khu vực Trung Đông.

Vì vậy, Hải quân và Không quân Mỹ đã “mất đi” đối thủ tác chiến. Lúc này, Trung Quốc tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông với việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp cùng với phát triển mạnh mẽ lực lượng hải quân. 

Điều này đã tạo ra mối đe dọa cho Mỹ, đồng thời trở thành lý do hợp lý để Mỹ thực hiện tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương.

Sự chuyển đổi chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ cơ bản là để tìm được một đối thủ tác chiến đối xứng cho hải, không quân Mỹ, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược lớn của Lầu Năm Góc gồm “tác chiến hợp nhất hải-không quân” và “chiến lược triệt tiêu lần thứ ba”.

“Tác chiến hợp nhất hải-không quân” được các nhà nghiên cứu Lầu Năm Góc đưa ra vào cuối năm 2009, là một học thuyết tác chiến liên hợp hải-không quân nhằm tích hợp lực lượng hải, không quân Mỹ và liên kết với các đồng minh khu vực châu Á - Thái Bình Dương để cùng ngăn chặn hoặc đánh bại đối thủ khu vực.

Kế hoạch tác chiến liên hợp này rõ ràng đã chỉ đạo các hành động quân sự hiện nay của Quân đội Mỹ ở khu vực Biển Đông. 

Cùng với sự lớn mạnh của các lực lượng quân sự Trung Quốc và việc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn ở Biển Đông của Bắc Kinh, Quân đội Mỹ bắt đầu coi Trung Quốc là “đối thủ tiềm tàng” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Căn cứ báo cáo “Quân đội Mỹ tại sao phải thực hiện tác chiến hợp nhất hải - không quân” của Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ, Mỹ sẽ đối mặt với 4 mối đe dọa chủ yếu của Quân đội Trung Quốc. 

4 mối đe dọa này đến từ các mối đe dọa của vũ khí chống vệ tinh, vũ khí chiến tranh mạng, tên lửa đạn đạo và tên lửa chống hạm, lực lượng đường không tầm xa. 

Vì vậy, Quân đội Mỹ bắt đầu đề xuất “chiến lược triệt tiêu lần thứ ba” để triệt tiêu sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Walker cho biết Lầu Năm Góc hy vọng năm 2016 có thể trở thành năm thực nghiệm “chiến lược triệt tiêu” mới, đặt nền tảng cho vị thế lãnh đạo của Mỹ trong 25 năm tới.

“Chiến lược triệt tiêu lần thứ ba” của Mỹ có mục đích thông qua phát triển sáng tạo công nghệ, vận dụng các thủ đoạn phi đối xứng để triệt tiêu ưu thế của đối thủ, tăng cái giá phải trả cho sự phát triển sức mạnh quân sự của đối thủ, nhất là tấn công toàn diện vào năng lực “chống can thiệp/chống tiếp cận” của đối thủ để bảo đảm cho Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối trong cạnh tranh quân sự nước lớn. 

Cùng với việc thực hiện các mục tiêu chiến lược lớn của “chiến lược triệt tiêu lần thứ ba” và “tác chiến hợp nhất hải - không quân”, Mỹ liên tiếp triển khai vũ khí tiên tiến, mũi nhọn, cỡ lớn và lực lượng quân sự ở Biển Đông là điều không có gì lạ. 

Nhưng điều này chắc chắn tạo ra mối đe dọa và lo ngại cho Trung Quốc. Để áp đặt yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đã ra sức phát triển các lực lượng hải, không quân. 

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết chi tiêu quân sự của Trung Quốc từ năm 1990 chỉ chiếm 20% khu vực Đông Á đã tăng lên 68% trong năm 2015.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ.

Có chuyên gia cho rằng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc có thể muốn chơi “ngoại giao hải quân”. Trung Quốc và Mỹ rõ ràng đã lặng lẽ triển khai một “cuộc chiến” quân sự ở Biển Đông. 

Căn cứ vào đồng thuận của cấp cao Trung - Mỹ, trừ phi xảy ra một số sự cố khác thường ở khu vực Biển Đông, hai bên sẽ không có xung đột quân sự quy mô lớn ở khu vực Biển Đông.

Đa Chiều nhận định, việc Mỹ điều lực lượng hải, không quân quy mô lớn đến Biển Đông hiện nay, nhất là có cả 2 tàu sân bay, là do Quân đội Mỹ muốn "tranh thủ ngân sách".

Xem xét "khái niệm tác chiến hợp nhất hải-không quân" do Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ (CSBA) có thể thấy, mô hình tư duy của Lầu Năm Góc chính là một loại chủ nghĩa Mahan lý tưởng hóa với "tương lai không có vũ khí hạt nhân".

Khuyến nghị của CSBA đối với Chính phủ Mỹ về vấn đề Biển Đông là Mỹ cần thực hiện kế hoạch oanh tạc cường độ to lớn đối với lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ cần đẩy nhanh sản xuất vũ khí, tiến hành phá hủy toàn diện đối với lực lượng không quân, hải quân Trung Quốc. 

Ngoài ra, Mỹ cũng cần tiến hành phong tỏa hoạt động thương mại trên biển của Trung Quốc, máy bay ném bom Không quân Mỹ cần có năng lực tấn công trên biển bất cứ lúc nào. 

Lầu Năm Góc nhận định, Mỹ có thể tiến hành không kích Trung Quốc liên tục vài tháng, nhưng hai bên đều sẽ không ấn nút hạt nhân. 

Căn cứ của họ là Đức phát xít và Saddam đều không sử dụng vũ khí hóa học vào thời điểm cuối cùng.

Từ logic tư duy chiến lược của Lầu Năm Góc có thể thấy các "động thái lớn" khác thường của Quân đội Mỹ ở Biển Đông chẳng qua là việc họ đang thực hiện mục tiêu chiến lược của mình một cách có trình tự và bài bản.

Đẩy nhanh triển khai lực lượng hải quân ở Biển Đông, liên kết với các đồng minh như Nhật Bản tiến hành tuần tra trinh sát nhằm vào Trung Quốc, chính là để có thể tiến hành phong tỏa các lực lượng trên biển của Trung Quốc khi cần thiết. 

Không quân Mỹ triển khai các hành động tự do bay ở Biển Đông thực chất là tiến hành chuẩn bị cho khả năng oanh tạc bất cứ lúc nào của máy bay ném bom. 

Đón đọc phần tiếp theo: Đa Chiều nói Mỹ phong tỏa Trung Quốc ở Biển Đông là "tự tìm đường chết cho mình"