Theo “The New York Times” ngày 28/7, trạm giám sát quan trắc không gian này có anten parabon đường kính tới 35 mét, nặng 450 tấn, chiều cao bằng tòa nhà 16 tầng, được quân đội Trung Quốc bỏ ra 50 triệu USD xây dựng, đã bắt đầu chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 3/2018, được coi là đóng vai trò quan trọng trong chương trình thăm dò Mặt Trăng của Trung Quốc.
Theo mạng Hoàn Cầu, Trung Quốc thì tổng chi phí cho việc xây dựng trạm liên lạc vệ tinh mặt đất này lên tới 300 triệu USD, bao gồm việc thuê khu đất rộng 200ha trong 50 năm, là căn cứ ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc được xây dựng phục vụ cho chương trình thăm đo không gian; hãng FoxNews đưa tin, một quan chức chính phủ Argentina tiết lộ nó là một bộ phận của công trình đưa người Trung Quốc lên Mặt Trăng vào năm 2020.
Tấm biển cảnh báo ranh giới khu vực đặt trạm liên lạc vệ tinh.
|
Theo Đông Phương ngày 30/7, giới quan sát nước ngoài suy đoán Trung Quốc xây dựng trạm này để nâng cao năng lực thu thập tình báo ở châu Mỹ; việc Trung Quốc đặt trạm này ở đây cũng đã gây nên tranh cãi trong dư luận Argentina, các quan chức Argentina thì nói họ chỉ giúp cho Trung Quốc hoàn thành nhiệm vụ thăm dò Mặt Trăng mà thôi.
“The New York Times” dẫn lời Giáo sư R. Evan Ellis ở Học viện Chiến tranh Lục quân Mỹ phân tích, trong 10 năm qua, Mỹ do bận rộn củng cố thế lực chính trị ở các khu vực khác, đã không mấy chú ý đến Mỹ Latinh – “sân sau” của mình nên khiến Trung Quốc có cơ hội lặng lẽ triển khai kế hoạch ngoại giao,viện trợ mậu dịch và đầu tư cho một số chính phủ.
Chính phủ Obama tuyên bố chính sách quay trở lại châu Á, sau khi ông Donald Trump lên thay lại càng “triệt thoái ngoại giao”; trong khi đó Trung Quốc lặng lẽ thực hiện kế hoạch lớn, lâu dài ở Mỹ Latinh với các động thái mở rộng mậu dịch, giúp các chính phủ tháo gỡ khó khăn, xây dựng các công trình hạ tầng to lớn, tăng cường quan hệ quân sự, độc chiếm nguồn tài nguyên dồi dào…
Trạm liên lạc mặt đất của quân đội Trung Quốc ở miền Nam Argentina.
|
Số liệu của Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu thuộc Đại học Boston cho thấy, từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc luôn là một bạn hàng mậu dịch quan trọng của Nam Mỹ; năm ngoái tổng kim ngạch mậu dịch giữa Trung Quốc với các nước Mỹ Latinh và vùng biển Caribe lên tới 244 tỷ USD, nhiều gấp 2 lần tổng kim ngạch của cả 10 năm trước cộng lại.
Được biết, Trung Quốc và Argentina bí mật thương lượng xây dựng trạm mặt đất này vào lúc chính phủ Argentina đang rất khát vốn đầu tư. Giáo sư R. Evan Ellis ở Học viện Chiến tranh Lục quân Mỹ nói, khi đó Argentina không thể trả được món nợ nước ngoài lên tới 100 tỷ USD nên bị thị trường tín dụng quốc tế cự tuyệt; giữa lúc đó người Trung Quốc ôm tiền đến, khác nào cứu tinh được Thượng Đế phái đến. Để được Trung Quốc viện trợ tiền vốn, hai bên đã bí mật đàm phán về việc xây dựng công trình này. Ông cho rằng, với việc đàm phán thành công để xây dựng được căn cứ này, Trung Quốc rõ ràng đã thay đổi được trạng thái của họ tại châu Mỹ Latinh.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng dưới thời chính phủ Obama Frank A. Rose thì lo ngại về kế hoạch không gian đang manh nha của Trung Quốc, nói: “Họ đang bố trí binh lực để làm suy giảm ưu thế quân sự của Mỹ”. “The New York Times” cho rằng Bắc Kinh xây dựng trạm này để tăng cường năng lực thu thập tình báo ở châu Mỹ Latinh và nhằm làm suy yếu ảnh hưởng chính trị của Mỹ trong khu vực; việc này đã dẫn đến những tranh luận trong nước Argentina về “nguy hiểm và tác hại khi bị lôi kéo vào quỹ đạo của Trung Quốc”, duy chỉ có các quan chức Argentina vẫn bày tỏ, phía Trung Quốc đã đồng ý với họ là “không sử dụng căn cứ này vào mục đích quân sự”.
Trạm liên lạc mặt đất khi đang được xây dựng.
|
Mặc dù phía Argentina nói hai bên đã đạt được thỏa thuận không sử dụng trạm vệ tinh mặt đất này vào mục đích quân sự, song các chuyên gia vẫn bày tỏ hoài nghi. Cựu trợ lý Ngoại trưởng phụ trách quản chế vũ khí Frank A.Rose lo ngại anten và các thiết bị khác sử dụng cho nhiệm vụ không gian rất có thể giúp tăng cường năng lực thu thập tình báo của Trung Quốc để từ không gian làm suy yếu ưu thế quân sự của Mỹ. Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc Dean Cheng ở Quỹ truyền thống Washington cho rằng, trong tương lai không gian sẽ trở thành hình thái chiến trường mới; chiếc anten lớn như thế chả khác nào chiếc chổi hút bụi cực mạnh sẽ “hút” các tín hiệu, số liệu và các thứ khác về.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Christopher Logan cũng lên tiếng, nói quân đội đang đánh giá sức ảnh hưởng của trạm liên lạc vệ tinh này của Trung Quốc.
Được biết, hiện nay Trung Quốc từ chối mọi đề nghị của bất cứ ai muốn đến thăm “trạm quan trắc vệ tinh” này.
Theo báo mạng “cnqiang.com” của Trung Quốc ngày 29/7, chính phủ mới được coi là thân Mỹ của Argentina mới đây đã đồng ý cho Mỹ đặt căn cứ quân sự và lắp đặt trạm radar ngay gần trạm liên lạc vệ tinh của Trung Quốc. Báo này cho rằng Mỹ sẽ không từ bỏ cơ hội giám sát “căn cứ bí mật” của Trung Quốc từ cự ly gần, nên tất nhiên họ sẽ bố trí trong căn cứ của họ những thiết bị radar giám sát tiên tiến nhất.