|
Ngày 19/1/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis công bố chiến lược quốc phòng mới. Ảnh: The Express Tribune. |
Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố báo cáo chiến lược an ninh quốc gia, dựa trên quan điểm của báo cáo này, các loại báo cáo chiến lược khác cũng sẽ lần lượt được xây dựng. Trong đó, báo cáo chiến lược quốc phòng mới của Mỹ đã được công bố trước tiên vào ngày 19/1/2018.
Báo cáo này do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford chủ trì xây dựng, đã phản ánh nhận định của chính phủ Mỹ đối với môi trường quốc phòng, an ninh của Mỹ hiện nay, xác định những kẻ thù giả định và những vấn đề chiến lược ưu tiên, đồng thời đưa ra phương hướng xây dựng sức mạnh quân sự và quan hệ đồng minh tương lai của Mỹ.
Điều đặc biệt đáng chú ý là chiến lược quốc phòng mới của Mỹ đưa ra đánh giá đối với môi trường an ninh quốc tế hiện nay và sách lược ứng phó của Mỹ đối với các đối thủ chiến lược mới.
Theo tờ Defence News Mỹ ngày 20/1, báo cáo này ngay từ đầu đã đề cập đến sự thay đổi về trọng điểm chiến lược quốc phòng của Mỹ. Báo cáo cho rằng đến nay "cạnh tranh chiến lược giữa các nước, chứ không phải chủ nghĩa khủng bố, hiện đã trở thành mối lo ngại hàng đầu của an ninh quốc gia Mỹ".
Như vậy, chính quyền Donald Trump rốt cuộc cho rằng "các đối thủ chiến lược" của họ đã trở thành mối đe dọa như thế nào? Đánh giá này báo hiệu một triển vọng ra sao?
Trong phần giới thiệu của chiến lược quốc phòng, Mỹ đã trực tiếp điểm danh các đối thủ cạnh tranh chiến lược của họ. Báo cáo trước hết đã đề cập đến Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc là "một đối thủ cạnh tranh chiến lược".
Kế tiếp, báo cáo cho rằng Nga đang "xâm phạm biên giới láng giềng" và tiến hành can dự vào các quyết sách kinh tế, ngoại giao và an ninh của các nước láng giềng.
Đặt trong cùng một danh sách còn có Triều Tiên và Iran, những quốc gia không ngừng xảy ra xung đột với Mỹ trong những năm gần đây. Báo cáo cho rằng mặc dù bị Liên hợp quốc trừng phạt, nhưng Triều Tiên vẫn tiếp tục các "hành vi phi pháp" và "phát ngôn thô lỗ". Còn Iran là "thách thức lớn nhất" đối với tình hình ổn định khu vực Trung Đông.
Ngoài ra, báo cáo cũng đã nhấn mạnh mối đe dọa của các tổ chức chủ nghĩa khủng bố quốc tế mà đại diện là tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) đối với an ninh của Mỹ và hòa bình thế giới.
Sau đó, trong phần "Môi trường chiến lược", báo cáo đã phân tích các mối đe dọa do các "đối thủ" nêu trên tạo ra. Báo cáo trước tiên cho rằng môi trường an ninh toàn cầu hiện nay của Mỹ "ngày càng phức tạp", tính phức tạp này thể hiện ở "thách thức công khai" đối với "trật tự quốc tế tự do và mở cửa" do Mỹ lãnh đạo và "cạnh tranh chiến lược, lâu dài xuất hiện trở lại giữa các nước".
Báo cáo cho rằng Trung Quốc đang sử dụng những thành quả hiện đại hóa quân sự và phát triển kinh tế, "xây dựng lại trật tự quốc tế của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", làm cho có lợi hơn đối với Trung Quốc.
Đồng thời, Nga tìm cách tiến hành thâm nhập và can thiệp vào các quyết sách chính trị, kinh tế và ngoại giao đối với các nước xung quanh của họ, có ý đồ thông qua đó để triệt tiêu sức mạnh của tổ chức NATO và làm cho tình hình an ninh khu vực châu Âu và Trung Đông chuyển hóa theo hướng có lợi cho Nga.
Báo cáo đặc biệt chỉ ra, các hành động của Nga ở Gruzia, bán đảo Crimea và miền đông Ukraine cùng với sự phát triển công nghệ mới và vũ khí hạt nhân của họ là những điều gây chú ý nhất.
Trong khi đó, Triều Tiên và Iran thông qua phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân để "phá hoại ổn định khu vực" hoặc "ủng hộ hoạt động của chủ nghĩa khủng bố". Báo cáo cho rằng Trung Quốc và Nga là những "quốc gia theo chủ nghĩa xét lại", còn Triều Tiên và Iran bị Mỹ coi là những "chính quyền lưu manh".
Như vậy, đúng như báo chí một số nước đã khẳng định, đánh giá của Mỹ đối với môi trường an ninh của họ hầu như có xu thế làm sống lại "Chiến tranh Lạnh".
Khác với chiến lược quốc phòng công bố 10 năm trước, chiến lược quốc phòng mới của Mỹ đã coi chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa thứ yếu, không coi là kẻ thù hàng đầu như trước đây. Chiến lược này chuyển sang coi các "đối thủ cạnh tranh chiến lược" (khái niệm lần đầu tiên xuất hiện) là đối thủ chủ yếu của Mỹ hiện nay.
Nhìn vào sự thực này, cục diện cạnh tranh toàn diện giữa các nước lớn tương tự thời kỳ Chiến tranh Lạnh lại có xu thế tái diễn.
Trong khi đó, một số trọng điểm phát triển quan hệ quốc phòng của Mỹ được đưa ra trong phần "Tăng cường quan hệ đồng minh và thu hút các đối tác mới" của báo cáo cũng đã tập trung vào khu vực "đối thủ" nói trên.
Ngoài ổn định khu vực tây bán cầu và ngăn chặn các lực lượng khủng bố lan tràn tới châu Phi, đối tượng trọng điểm mở rộng quan hệ quốc phòng của Mỹ tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, các nước thành viên NATO và khu vực Trung Đông.
Ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ hy vọng tăng cường quan hệ đối tác với các nước trong khu vực này và xây dựng cấu trúc an ninh khu vực "mạng lưới hóa" để "ngăn chặn xâm lược" và "duy trì ổn định", thông qua phát triển quan hệ an ninh song phương và đa phương để bảo vệ "hệ thống quốc tế tự do và mở cửa".
Trong chính sách đối với NATO, Mỹ kỳ vọng tăng cường hợp tác quốc phòng và chi tiêu quốc phòng với các nước thành viên NATO để tăng cường khả năng ứng phó đối với các hành động theo "chủ nghĩa mạo hiểm" của Nga, mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố và tình hình bất ổn của khu vực rìa NATO (như khu vực biển Baltic khu vực đông nam Âu/Balkan).
Ở khu vực Trung Đông, Mỹ trông đợi thông qua phát triển quan hệ an ninh với các nước ở khu vực này, bảo vệ tuyến đường vận chuyển thương mại, an ninh năng lượng của Mỹ, đồng thời tấn công hoạt động chủ nghĩa khủng bố ở khu vực này.
Khu vực trọng điểm mà "Chiến lược quốc phòng" của Mỹ quan tâm trùng hợp với "đối thủ chiến lược” nêu trên về vị trí địa lý. Mỹ tìm cách làm sâu sắc quan hệ an ninh với các nước ở các khu vực này, nói cách khác, Mỹ thông qua phát triển và lôi kéo các đồng minh khu vực, triển khai cạnh tranh khu vực với các nước "đối thủ chiến lược", đe dọa, ngăn chặn đối thủ, thậm chí triệt tiêu ưu thế chiến lược của những nước này.
Từ hiện tượng này sẽ thấy, thực sự có những chỗ tương tự với không khí đối đầu của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, mặc dù chiến lược quốc phòng Mỹ đã bộc lộ triển vọng đối đầu mạnh mẽ, nhưng triển vọng này khác nhiều so với đối đầu toàn diện giữa các nước lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trước hết, mặc dù chính giới Mỹ giữ "tư duy Chiến tranh Lạnh" lâu dài, nhưng sau khi toàn cầu hóa hơn 20 năm sau Chiến tranh Lạnh và xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới, quan hệ giữa Mỹ với các nước như Trung Quốc, Nga đã hoàn toàn khác với quan hệ đối đầu toàn diện đơn thuần thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Quả thực, Mỹ và Trung Quốc tồn tại bất đồng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn Mỹ và Nga tồn tại bất đồng ở khu vực châu Âu, thậm chí Mỹ đe dọa đến lợi ích an ninh quan trọng của các nước Trung Quốc và Nga. Nhưng ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, Nga vẫn có lợi ích chung và triển vọng hợp tác rộng rãi.
Quan hệ thương mại hiện có của Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ không thụt lùi vì chiến lược quốc phòng của Mỹ. Đồng thời, sáng kiến "Vành đai, con đường" do Trung Quốc đưa ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ không làm cho Trung Quốc và Mỹ trở thành quan hệ đối đầu "tổng bằng không" ở khu vực này. Trong khi đó vẫn tồn tại khả năng hai nước thông qua tương tác và cọ sát để đạt được các cơ chế hợp tác mới.
Chiến lược quốc phòng của Mỹ cho biết mục tiêu lâu dài phát triển quan hệ an ninh với Trung Quốc của Mỹ là "đưa hai nước, hai quân đội chúng ta trở thành quan hệ giao lưu và không xâm phạm lẫn nhau".
Từ góc độ của Mỹ, quan điểm "cạnh tranh chiến lược" do chiến lược quốc phòng mới đưa ra được nói là đã phát ra tín hiệu quay trở lại Chiến tranh Lạnh, không bằng coi đây là sự "nhận thức lại" và "thỏa hiệp" của Mỹ đối với tình hình an ninh hiện có.
Về quan hệ Trung - Mỹ, từ sau khi thực hiện chiến lược "tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương" thời kỳ Barack Obama, lực lượng quân sự Mỹ đã bắt đầu tăng cường ở khu vực này, đồng thời làm cho Trung Quốc và Mỹ đã xuất hiện một số bất đồng và va chạm trong các lĩnh vực ngoại giao và an ninh.
Quan điểm triển khai "cạnh tranh quốc gia" với Trung Quốc đưa ra trong chiến lược quốc phòng mới phần nhiều là điều chỉnh chiến lược an ninh, làm cho nó thích ứng với hiện thực và tăng cường chỉ đạo chiến lược đối với các hành động quân sự và ngoại giao của Mỹ.
Còn về khả năng làm gia tăng các nhân tố "không chắc chắn" trong quan hệ Trung - Mỹ, việc đưa ra những dự đoán quá mức là vẫn còn sớm.
Đồng thời, cũng phải thấy rằng sự ra đời của chiến lược quốc phòng mới của Mỹ trùng hợp với thời kỳ Trung Quốc trỗi dậy và trong nước Mỹ xuất hiện rất nhiều thách thức trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế.
Trong thời điểm này, chuyển sang đối đầu toàn diện với Trung Quốc và Nga không chỉ có ý nghĩa không lớn về mặt chiến lược, mà còn có thể làm tiêu hao các nguồn lực an ninh và kinh tế của Mỹ, làm cho Mỹ rơi sâu vào khó khăn "được không bằng mất".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết chiến lược quốc phòng mới có ý nghĩa "mở mắt nhìn ra thế giới". Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ thì cho rằng chiến lược quốc phòng mới có nghĩa là "chúng tôi nhận rõ hiện thực cạnh tranh đã bắt đầu" và nhấn mạnh tầm quan trọng của "hàng rào tốt mang lại láng giềng tốt".
Vì vậy, chủ trương chính sách trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ thực chất là Mỹ phản ứng để duy trì ưu thế sức mạnh và định nghĩa môi trường an ninh mới trong bối cảnh vị thế siêu cường thế giới của Mỹ ngày càng suy giảm.