|
Một chiếc trực thăng AH-64 Apache của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 8/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho hay Mỹ sẵn sàng hỗ trợ quân đội Iraq những vũ khí hiện đại để chiếm lại thành phố chiến lược Ramadi từ tay phiến quân IS, bao gồm các trực thăng tấn công AH-64 Apache và các cố vấn quân sự, theo Reuters.
Theo các chuyên gia quân sự Pháp thuộc trang mạng Zone militaire, trực thăng AH-64 Apache với độ cơ động cao sẽ là sự hỗ trợ hỏa lực trên không đáng kể cho quân đội Iraq, bởi các chiến đấu cơ mà họ đang sở hữu hoàn toàn không phù hợp với môi trường tác chiến đô thị.
Gần đây, do gặp khó khăn về hỏa lực yểm trợ đường không, quân đội Iraq không mở được đợt tấn công đáng kể nào để chiếm lại thành phố Ramadi trước sự chống trả quyết liệt của phiến quân IS.
AH-64 Apache là máy bay trực thăng tấn công của lục quân Mỹ, là thế hệ kế tiếp của máy bay trực thăng Bell AH-1 Cobra. Nó được thiết kế bởi hãng Hughes, sau đó được phát triển bởi hãng McDonnell Douglas và hiện tại được hãng Boeing sản xuất.
AH-64 Apache có thiết kế tiêu chuẩn dành cho trực thăng tấn công, với buồng lái hai phi công. Phi công phía trước điều khiển máy bay, còn phi công phía sau kiểm soát hệ thống vũ khí. Trong trường hợp khẩn cấp, cả hai phi công đều có thể điều khiển máy bay và sử dụng vũ khí.
Biến thể mới nhất của AH-64 Apache được trang bị hai động cơ turboshaft T700-GE-701D công suất 2.000 mã lực/chiếc, tốc độ tối đa đạt 293 km/h, tốc độ hành trình 265 km/h, bán kính chiến đấu 480 km, phạm vi hoạt động tối đa 1.900km, trần bay 6.400m.
AH-64 Apache có hai cánh phụ bên hông với các mấu treo có thể mang theo 16 tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire, giá phóng rocket không điều khiển Hydra 70 mm, tên lửa không đối không tầm thấp AIM-92 Stinger. Dưới bụng trực thăng được trang bị một pháo tự động M230 30 mm với cơ số đạn 1.200 viên.
Tên lửa Hellfire trang bị trên Apache đủ sức đốt cháy bất cứ xe thiết giáp nào di chuyển trên mặt đất hoặc phá hủy những ụ chiến đấu kiên cố bằng bê tông trong chiến trường đô thị.
Ưu thế của AH-64 Apache so với các chiến đấu cơ phản lực trên chiến trường đô thị là khẩu pháo 30 mm có sức công phá cực lớn ở tầm gần, giúp quân đội Iraq tránh được những thiệt hại lớn về người và vũ khí trang bị mà vẫn tiêu diệt hiệu quả bộ binh của phiến quân.
Pháo được gắn vào mũi máy bay và được điều khiển di chuyển theo 4 hướng bởi một hệ thống máy tính tối tân trong buồng lái. Khẩu pháo M230 này được thiết kế theo kiểu chain gun, sử dụng motor điện để nạp đạn chứ không dùng cơ chế trích khí thuốc như các loại súng máy truyền thống.
Với thiết kế này, AH-64 Apache có thể bắn ra khoảng 600-650 viên đạn một phút. Đạn pháo M230 có động năng lớn, gây sát thương cao cho các tay súng IS nhưng không phá hủy quá lớn cơ sở hạ tầng đô thị mà chính phủ Iraq muốn gìn giữ cho công cuộc tái thiết sau này.
|
Khẩu pháo 30 mm gắn trước mũi trực thăng AH-64 Apache. Ảnh: Wikimedia |
Năng lực tác chiến điện tử
Theo các chuyên gia quân sự Pháp, một trong những lý do mà Mỹ quyết định cung cấp cho quân đội Iraq trực thăng AH-64 Apache là khả năng nhận diện mục tiêu chính xác của nó trên chiến trường đô thị đổ nát và phức tạp.
Các trực thăng AH-64 Apache có thể nhận diện bộ binh, không quân và nhà cửa xung quanh bằng hệ thống radar chỉ thị mục tiêu AN/APG-78 được gắn trên nóc trước mũi máy bay. Hệ thống này này sử dụng sóng radio milimet nhận diện rõ nét hình khối của những vật thể trong phạm vi phát sóng.
Những hình khối này sẽ được so sánh với cơ sở dữ liệu có sẵn về xe tăng, xe tải, máy bay... để từ đó nhận ra chủng loại của chúng để đưa ra vũ khí phù hợp. Chính vì thế, khi đi vào thực chiến, Apache sẽ trở thành ác mộng cho lực lượng phiến quân ẩn nấp và trà trộn trong các tòa nhà tại Ramadi.
Bên cạnh hệ thống radar, AH-64 Apache còn được trang bị các hệ thống cảm biến cực nhạy TADS AN/ASQ-170 được gắn phía trước mũi máy bay. Điểm đặc biệt nữa của Apache là mũ phi công được tích hợp với hệ thống điều khiển khẩu pháo 30 mm, giúp khẩu pháo này chuyển hướng theo góc nhìn của phi công.
Theo thống kê của trang Zone militaire, cho đến nay trực thăng AH-64 Apache đã tiêu diệt 500 xe tăng, nhiều xe bọc thép và phương tiện cơ giới khác của đối phương.
Các chuyên gia trang quân sự này cho rằng việc Mỹ đưa Apache đến Iraq có thể là một động thái đáp trả Nga đưa tuyên bố đưa thêm trực thăng tấn công đến Armenia, quốc gia láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng là lời cảnh báo đến ý định điều xe tăng hiện đại T-90MS đến Syria của Tổng thống Putin.
Theo VnE