Mỹ đáp trả đề xuất học thuyết hạt nhân của Tổng thống Putin

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích bình luận của Tổng thống Vladimir Putin là "vô trách nhiệm".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: Getty)

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, việc Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng Nga có kế hoạch cập nhật học thuyết hạt nhân quốc gia là “vô trách nhiệm”.

Hôm 25/9, ông Putin gợi ý rằng theo phiên bản sửa đổi của học thuyết hạt nhân của Nga, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Nga, bắt nguồn từ một quốc gia phi hạt nhân với sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân, đều có thể được coi là một “cuộc tấn công chung” và vượt qua ngưỡng hạt nhân.

Sự thay đổi được đề xuất ngụ ý rằng các quy định mới có thể áp dụng cho một cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tiên tiến do Mỹ, Anh hoặc Pháp cung cấp.

“Điều đó hoàn toàn vô trách nhiệm”, ông Blinken nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh MSNBC hôm 26/9, đồng thời cáo buộc ông Putin “vung thanh kiếm hạt nhân”. Ông cũng cho rằng bình luận của Tổng thống Nga là không đúng lúc khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại New York để tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tuần này, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thảo luận về “sự cần thiết phải giải trừ vũ khí nhiều hơn, không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, giải thích rằng đề xuất cập nhật học thuyết hạt nhân của ông Putin là nhằm mục đích cảnh báo các nước phương Tây về việc ủng hộ hành động gây hấn ngày càng gia tăng của Ukraine đối với Nga hoặc đồng minh chủ chốt của nước này là Belarus.

“Đây là tín hiệu cảnh báo cho các quốc gia này về hậu quả của việc họ tham gia vào một cuộc tấn công vào đất nước chúng tôi bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm cả phi hạt nhân”, ông Peskov nói và cho biết thêm rằng ông chắc chắn rằng tất cả các nhà lãnh đạo và nhà phân tích đều hiểu được mức độ nghiêm trọng trong tuyên bố của ông Putin.

Ông Putin chưa nói rõ khi nào những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga sẽ có hiệu lực.

Trước đó, nhà lãnh đạo Nga nhiều lần bày tỏ quan điểm dè dặt về vấn đề vũ khí hạt nhân, hồi tháng 6 tuyên bố ông hy vọng một cuộc trao đổi hạt nhân giữa Moscow và phương Tây sẽ không bao giờ xảy ra.