Thông qua các cuộc tiếp xúc với nhiều nguồn tin, nhà báo điều tra kì cựu người Mỹ Seymour M. Hersh đã hoàn tất phóng sự có tiêu đề “Vụ tiêu diệt Bin Laden”, phủ nhận gần như toàn bộ những gì mà chính quyền Mỹ từng tuyên bố về chiến dịch vốn được coi là “điểm sáng” của Tổng thống Barack Obama nhiệm kỳ đầu.
Kì 1: Bin Laden đã bị tình báo Pakistan giam giữ
Điều “dối trá” nhất chính là việc Mỹ khẳng định quân đội và cơ quan tình báo Pakistan (ISI) hoàn toàn không hề hay biết gì về chiến dịch tiêu diệt Bin Laden. Qua các cuộc tiếp xúc với Asad Durrani, Giám đốc ISI trong những năm đầu thập kỉ 1990 cùng với nhiều nguồn tin trong giới tình báo tại Mỹ, Seymour M. Hersh khẳng định: Trùm khủng bố al-Qaeda thực ra đã bị ISI giam giữ tại khu dinh thự ở Abbottabad từ năm 2006.
Trùm khủng bố Osama Bin Laden. Ảnh: Reuters |
Cả Tư lệnh quân đội Pakistan Ashfaq Parvez Kayani và Giám đốc ISI Ahmed Shuja Pasha đều đã biết trước chiến dịch tấn công của đặc nhiệm Mỹ. Chính hai quan chức cấp cao này đã đứng ra bảo lãnh để 2 trực thăng vũ trang chở lính Mỹ đi vào không phận Pakistan mà không gây ra bất kì tình huống báo động nào.
Hơn nữa, không hề có chuyện Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã lần ra dấu vết của Bin Laden qua người đưa tin - điều mà Nhà Trắng luôn khẳng định từ tháng 5/2011 cho đến nay. Sự thực là một cựu nhân viên tình báo cấp cao của Pakistan đã tiết lộ thông tin cho CIA về nơi ẩn náu của trùm khủng bố, để đổi lấy khoản tiền 25 triệu USD mà Mỹ hứa trả.
Đặc nhiệm Mỹ đúng là có thực hiện cuộc đột kích, nhưng nhiều tình tiết liên quan khác đã được chính quyền Mỹ thêu dệt nên. Đó cũng là điều mà Durrani nói với Hersh: “Khi ông hoàn tất bài phóng sự, người dân Pakistan sẽ đặc biệt biết ơn ông. Từ lâu, mọi người đã không còn tin vào những tuyên bố từ giới quan chức liên quan đến cái chết của Bin Laden”.
Mọi việc bắt đầu vào tháng 8/2010. Một cựu nhân viên tình báo cao cấp của Pakistan tới gặp Jonathan Bank - Trưởng đại diện CIA trong Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad. Người này đề nghị cung cấp cho CIA thông tin Bin Laden đang ở đâu và đổi lại là khoản tiền 25 triệu USD mà Mỹ từng treo thưởng. Nguồn tin này nói rằng, trùm khủng bố al-Qaeda từng sống ở một địa điểm bí mật thuộc dãy núi Hindu Kush trong suốt quãng thời gian từ 2001 - 2006, với nhiều người vợ và con. ISI đã bắt được Bin Laden sau khi mua chuộc được một tộc trưởng người địa phương.
Khu dinh thự tại Abbottabad nằm dưới sự giám sát của vệ tinh Mỹ. Ảnh: AP |
Bank cũng được thông báo là ở thời điểm này, trùm khủng bố ốm nặng. Trong giai đoạn đầu bị giam ở Abbottabad, ISI đã điều thiếu tá quân y Amir Aziz đến điều trị. “Sự thực là Bin Laden lúc này đã tàn phế, hết tác dụng. Nhưng chúng tôi không được phép nói thế. Ai đời lại nói chuyện lính đặc nhiệm đi bắn giết một kẻ què quặt như thế”, một nhân vật giấu tên nắm rõ chiến dịch đột kích tiết lộ với Hersh.
Theo chỉ đạo từ Tổng hành dinh ở Langley (Mỹ), một nhóm chuyên gia đã được phái tới để kiểm tra độ tin cậy của nguồn tin và nhân vật này đã vượt qua. “Đến lúc này, chúng tôi mới chỉ biết được là trùm khủng bố đang sống trong khu nhà ở Abbottabad. Nhưng điều CIA quan tâm nhất là, làm sao để biết đích xác người kia chính là Bin Laden?”, một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ chia sẻ với Hersh.
Phía Mỹ vẫn giữ im lặng với Pakistan. Lý do nằm ở chỗ, nếu thông tin kia bung ra, Pakistan sẽ chuyển Bin Laden tới một địa điểm khác. Mục tiêu trước mắt của CIA là kiểm tra mức độ chính xác thông tin mà nguồn tin cung cấp. Tiếp đó, toàn bộ khu nhà được đặt dưới sự theo dõi của vệ tinh.
Seymour Hersh (sinh ngày 8/4/1937) là phóng viên kì cựu chuyên về thể loại phóng sự điều tra, từng làm việc cho các tờ báo, tạp chí tên tuổi như AP, The New York Times, Times, The New Yorker. Thường được gọi là nhà báo “đối lập” với chính quyền Mỹ, ông nổi tiếng với phóng sự về vụ thảm sát Mỹ Lai (1968), hoạt động mờ ám của CIA tại Chile (1974), hành vi ngược đãi tù nhân của lính Mỹ tại nhà tù Abu Ghraib (2004). Tuy nhiên, ông đôi khi bị chỉ trích là thiếu khách quan, vì lối viết “mập mờ về nguồn tin”. |
CIA cũng thuê một ngôi nhà ở Abbottabad, sử dụng làm căn cứ theo dõi, gặp gỡ các nhân viên người Pakistan và người nước ngoài, sau này là các cuộc tiếp xúc với đại diện ISI. Tháng 10/2010, giới quân sự và cộng đồng tình báo Mỹ thảo luận chiến dịch tiêu diệt Bin Laden, với nhiều kịch bản được đưa ra: Ném bom xuyên bê tông, tấn công bằng máy bay không người lái, phái đặc nhiệm đột kích hay thậm chí đơn giản chỉ là một vụ ám sát. Chỉ có điều, vẫn chưa thể khẳng định được chắc chắn trùm khủng bố đang ẩn náu trong tòa nhà trên.
Sau đó một tháng, Tổng thống Obama nhận được báo cáo tình báo. Phản ứng của ông chủ Nhà Trắng là dè dặt. “Chẳng có lý gì để tin rằng Bin Laden đang sống ở Abbottabad. Điều này cũng thực sự điên rồ. Đừng có đề cập gì thêm trừ khi các anh có bằng chứng xác nhận đó chính xác là Bin Laden”, cựu quan chức tình báo Mỹ thuật lại. Và như vậy, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra với CIA và Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt (JSOP) Mỹ lúc này là cần phải thuyết phục được ông Obama.
Họ tin rằng, khó khăn này có thể được giải quyết nếu như có mẫu ADN của trùm khủng bố. Một khi có kết quả chắc chắn thì bước tiếp theo là đề xuất một kế hoạch đột kích ban đêm để tiêu diệt Bin Laden mà không gây ra bất kì mối nguy nào. Cách duy nhất để đạt được hai mục tiêu trên là “đưa phía Pakistan tham gia vào chiến dịch”. Cả Kayani và Pasha vẫn tiếp tục khẳng định với các đồng cấp Mỹ rằng họ không hề có thông tin về Bin Laden. Thế nhưng, CIA đã tìm được “bài tẩy” đủ để o bế giới chức quân sự, tình báo Pakistan.
Theo: Báo Tin Tức