|
Mỹ có thể sẽ tung thêm nhiều chiến dịch không quân và hải quân để răn đe Trung Quốc ở Biển Đông |
Phát biểu trước phóng viên trong một cuộc họp hôm 7/9 nhân chuyến thăm gần đây tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bà Jame đã cho rằng yêu sách lãnh thổ và việc xây dựng đảo của Trung Quốc trên Biển Đông đều là do tham vọng của Bắc Kinh muốn “mở rộng tầm với”, trở thành một siêu cường toàn cầu.
“Chúng tôi đánh giá rằng hành vi quân sự hóa không diễn ra trên tất cả các hòn đảo mà diễn ra trên một số hòn đảo hiện đã xây dựng đường băng và các tháp chỉ huy và kiểm soát”, bà James giải thích khi được yêu cầu bình luận về tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. “Những điều này chỉ có thể coi là hành vi quân sự hóa để triển khai sức mạnh nhằm thực hiện điều gì đó. Và liệu điều đó là gì thì chúng ta chỉ có thể suy đoán”.
Bà James gọi hành động của Trung Quốc là “đáng lo ngại” nhưng nhấn mạnh mong muốn của chính quyền ông Obama muốn giải quyết tình hình thông qua các kênh ngoại giao. Tuy nhiên những nỗ lực như vậy đều không ngăn chặn được động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến dịch xây dựng đảo phi pháp bao gồm cả việc triển khai các máy bay chiến đấu và tên lửa tới một số lãnh thổ đang tranh chấp, bất chấp lời cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter hồi tháng 3 đe Trung Quốc về hành vi quân sự hóa Biển Đông của nước này.
Tướng Scott Vander Hamm, trợ lý phó tham mưu trưởng Không quân Mỹ cũng trong cuộc họp ngày 7/9 cho biết Mỹ đã thấy gần 4000 mẫu đất bị Trung Quốc nạo vét và xây dựng đảo trên biển. Ông cho rằng hành vi này càng dấy lên mối quan ngại về quân sự và kinh tế. “Chúng tôi đang theo dõi sát sao hành vi này,” ông Vader Hamm cho biết.
Bà James cũng cho biết Mỹ có thể tiến hành nhiều hơn những chiến dịch trên không và trên biển để thực thi quyền tự do hàng hải trong khu vực. Bà nhấn mạnh rằng không quân Mỹ vẫn định kỳ thực hiện quyền tự do lưu thông trên không. Lực lượng không quân đã triển khai ba loại máy bay ném bom tới quân sự của Mỹ ở đảo Guam hồi tháng 8/2016 để tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Hải quân Mỹ cũng định kỳ điều các tàu chiến tiến sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, khiến Bắc Kinh giận dữ. “Có khả năng Mỹ sẽ tiến hành nhiều hoạt động hơn”, bà James úp mở.
Trung Quốc đã không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của nước này trên Biển Đông. Bà James cho hay, trong chuyến thăm gần đây của bà, các quan chức Philippines, Indonesia và các quốc gia khác đều cho rằng Trung Quốc cần tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague.
Bộ trưởng Không quân Mỹ cũng nhấn mạnh rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang thu hút sự chú ý cao nhất của chính quyền Obama. “Điều này đã thu hút sự quan tâm lớn nhất của chính phủ, từ Tổng thống trở đi. Và rõ ràng nó cần được giải quyết. Chúng tôi mong muốn một mối quan hệ cân bằng và tốt đẹp với Trung Quốc nhưng chúng tôi cũng mong muốn Trung Quốc tôn trọng luật pháp và tự do hàng hải. Và chúng tôi muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình”, bà James nói.
Khi Mỹ đề nghị hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực, Trung Quốc vẫn tiếp tục hung hăng trên Biển Đông. Trong dịp Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc hồi đầu tuần, trước khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức thông qua hiệp ước biến đổi khí hậu Paris, ít nhất 8 tàu Trung Quốc đã bị phát hiện gần bãi cạn Scarborough của Philippines.
Sự việc này đã dẫn tới việc Bộ Ngoại giao Philippines yêu cầu một lời giải thích từ phía Trung Quốc. “Sự hiện diện quá nhiều tàu ngoài tàu hải cảnh trong khu vực hết sức đáng lo ngại. Nếu họ cố tình xây dựng bất kỳ thứ gì trên bãi cạn Scarborough thì sẽ gây ra bất lợi tới tình hình an ninh khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lozenzana bày tỏ quan ngại.