Theo Russia Today, mỗi đoạn video mới này dài hơn nửa phút ghi lại các cuộc oanh tạc của máy bay chiến đấu do liên minh chống IS của Mỹ chỉ huy ngày 2-2 tấn công vào một nhà máy lọc dầu và khí đốt do IS kiểm soát gần Dayr Az Zawr ở miền đông Syria.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Steve Warren, đã công bố các video này trong một buổi họp báo ngày 10-2 từ Baghdad. Bộ chỉ huy trung ương quân đội Mỹ cho biết ngày đã có tổng cộng 4 đợt không kích tại khu vực gần Dayr Az Zawr nhằm vào 4 nhà máy lọc dầu khác nhau của IS.
Trong đoạn video thứ hai là cảnh đợt ném bom khác nhằm vào một đầu giếng dầu ở cùng nhà máy này. Hình ảnh video cho thấy một đám cháy lớn lan rộng trên mặt đất và tỏa ra cả một vùng rộng lớn khói trắng bao trùm màn hình. Khi khói tản bớt, có thể thấy nhiều đám cháy riêng rẽ khác vẫn tiếp tục.
Riêng trong ngày 2-2, liên quân không kích do Mỹ chỉ huy đã tiến hành 20 đợt không kích nhằm vào đủ loại mục tiêu của IS, từ các nhà máy lọc dầu, khí đốt đến các kho chứa vũ khí.
Người ta cho rằng 2/3 nguồn thu tài chính IS có được từ việc buôn bán dầu mỏ trái phép. Báo New York Times ước tính tổ chức khủng bố này kiếm được 40 triệu USD/tháng thông qua hoạt động khai thác và buôn bán dầu mỏ trên thị trường chợ đen.
Trả lời thắc mắc của báo giới về việc trong bối cảnh giá dầu lao dốc hiện nay, liệu chi phí cho không kích có thực sự hiệu quả trong những chiến dịch tấn công cơ sở lọc dầu của IS, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Warren nói: “Chúng tôi không so sánh chi phí mỗi quả bom phóng đi so với số thùng dầu của chúng bị cắt giảm. Mục tiêu của chúng tôi là giảm bớt hoặc loại bỏ khả năng kiếm tiền để chi phí cho các hoạt động khủng bố của IS tại Iraq, Syria cũng như trên toàn thế giới”.
Ông Warren cũng nhân dịp này để chỉ trích hiệu quả thực sự của các đợt không kích do Nga tiến hành tại Syria khi cho rằng, hai bệnh viện chính ở thành phố Aleppo của Syria đã bị bom không kích của quân đội Nga và quân đội chính phủ Syria phá hủy.
Một số người Syria đã được phép vào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nhưng còn rất nhiều người vẫn đang mắc kẹt ở bên kia biên giới - Ảnh: AFP |
Trong một diễn biến liên quan, theo BBC, Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) vừa cảnh báo, việc gia tăng xung đột tại thành phố Alleppo của Syria đã làm hơn 50.000 người Syria phải rời bỏ nhà cửa, nguồn nước cung cấp cho thành phố này cũng đã bị cắt.
Quân chính phủ Syria đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát tại các khu vực ở thành phố này đang do lực lượng nổi dậy nắm giữ.
Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với áp lực phải cho phép 30.000 người Syria tràn qua biên giới nước này lánh nạn.
Trong thông báo, ICRC cho biết các tuyến đường cung cấp đồ cứu trợ nhân đạo đều đã bị cắt và hàng chục ngàn người dân Syria hiện đang không thể tiếp cận với hoạt động cứu tế.
Giám đốc phụ trách khu vực của ICRC tại Syria, Marianne Gasser, nói: “Nhiệt độ đang xuống thấp, không có lương thực, nước dùng và nơi trú ẩn, những người dân Syria bỏ nhà chạy loạn đang phải cố sinh tồn trong những điều kiện vô cùng ngặt nghèo”.
Theo Tuổi trẻ