|
Việc Mỹ quyết định coi Trung tâm quản lý Viện Khổng Tử Hoa Kỳ là cơ quan ngoại giao nước ngoài sẽ khiến quan hệ Mỹ - Trung càng tồi tệ thêm (Ảnh: Apolo). |
Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 14/8, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm (13/8) ra thông báo “Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ”, nơi chịu trách nhiệm quản lý các Viện Khổng Tử ở Mỹ, đã bị liệt vào danh sách “phái bộ ngoại quốc”. Động thái này khiến người ta cho rằng sẽ khiến quan hệ Mỹ-Trung càng thêm xấu đi. Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ trong một tuyên bố công khai rằng Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ không chỉ thúc đẩy tuyên truyền các mệnh lệnh chính trị của chính phủ Trung Quốc trên toàn cầu, mà còn có những tác động có hại đối với các học viện và trường học ở Mỹ ở tất cả các cấp.
Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nhắc lại rằng Mỹ sẽ không yêu cầu hàng chục Viện Khổng Tử ở Mỹ đóng cửa, nhưng các trường đại học Mỹ phải kiểm tra nghiêm ngặt các loại hoạt động của các Viện Khổng Tử trong khuôn viên nhà trường. Ông nói: “Chúng ta không yêu cầu họ đóng cửa toàn bộ, nhưng yêu cầu họ cho chúng ta biết họ đang làm gì trong đó”. Các Viện Khổng Tử còn bị yêu cầu định kỳ báo cáo cho chính phủ Mỹ các thông tin về tình hình tài chính, nhân viên và việc vận hành. Ông Stilwell nhắc lại rằng việc trao đổi học thuật phải được tiến hành trong tình hình không có sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc.
|
Ông David Stilwell: “Chúng ta không yêu cầu họ đóng cửa toàn bộ, nhưng yêu cầu họ cho chúng ta biết họ đang làm gì trong đó” (Ảnh: Apolo).
|
Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ được liệt kê là một phái đoàn nước ngoài để đảm bảo rằng các nhà giáo dục của Mỹ có đủ thông tin và có thể quyết định có cho phép các chương trình do Trung Quốc tài trợ này tiếp tục hoạt động hay không; hoặc khi điều hành, đưa ra được những quyết định sáng suốt. Ông Pompeo nói: “Chính phủ Mỹ hy vọng rằng sinh viên Mỹ sẽ có cơ hội học tiếng Trung Quốc và văn hóa Trung Quốc mà không bị Đảng Cộng sản Trung Quốc thao túng”.
Ông Pompeo cũng nhắc lại rằng chính phủ Mỹ hy vọng rằng Trung Quốc và Mỹ có thể tương tác một cách công bằng và cùng có lợi. Ông nói, mặc dù được hưởng những lợi ích do xã hội mở của Mỹ mang lại, nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục ngăn cản công dân Mỹ và các nước khác được hưởng đãi ngộ tương tự ở Trung Quốc.
Bộ Giáo dục Mỹ năm ngoái tuyên bố sẽ xem xét nghiêm ngặt các hoạt động của Viện Khổng Tử sau khi Quốc hội chỉ trích các Viện Khổng Tử là cơ quan tuyên truyền chính trị cho chính phủ Trung Quốc.
Vào tháng 6 năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên tuyên bố liệt 4 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc là "cơ quan đại diện nước ngoài" và gọi các tổ chức truyền thông này là "miệng lưỡi" của chính phủ Trung Quốc. Trong mấy tháng qua, tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ đã liên tục leo thang và mối quan hệ giữa hai nước đã xuống đến mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Ông Stilwell nói rằng Trung Quốc đã không đáp lại những nghi ngờ của Mỹ về quan hệ Trung-Mỹ, và một lần nữa nhấn mạnh rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc có thể đã tham gia vào các hành động liên quan đến việc huy hiếp nghiên cứu y học và tự do ngôn luận ở Mỹ.
|
Một lớp học Khổng Tử trong trường tiểu học Mỹ (Ảnh: Getty).
|
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói, các Viện Khổng Tử không chỉ thúc đẩy việc tuyên truyền các mệnh lệnh chính trị của chính phủ Trung Quốc trên toàn cầu, mà còn có tác động có hại đối với các nhà trường của Mỹ.
Ông Stilwell cho biết: "Chúng tôi hiện vẫn đang đối thoại với các quan chức Trung Quốc, nhưng chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải trả lời những nghi ngờ mà Mỹ đưa ra. Nếu Trung Quốc kiên trì không đáp ứng, chúng tôi sẽ buộc phải thực hiện một số biện pháp".
Tổ chức National Association of Scholars (Hiệp hội Học giả Quốc gia Hoa Kỳ) tuyên bố các Viện Khổng Tử đã đàn áp tự do học thuật ở Mỹ và vi phạm tính minh bạch mà xã hội phương Tây luôn đề cao; đồng thời nhắc lại rằng các viện này này không thích hợp với các nhà trường Mỹ. Trung Quốc thì bác bỏ những cáo buộc này, nhấn mạnh rằng tất cả những điều phía Mỹ cáo buộc đều bị chính trị hóa và “nói không thành có”.
Viện Khổng Tử là được Trung Quốc coi là trung tâm văn hóa do Bộ Giáo dục Trung Quốc tài trợ nằm trong các trường đại học ở Hoa Kỳ, chủ yếu giảng dạy tiếng Trung và quảng bá văn hóa Trung Quốc.
Viện Khổng Tử tự nhận là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, tuy nhiên, nguồn kinh phí chủ yếu đến từ “Hán Biện quốc gia” (Văn phòng lãnh đạo quảng bá Hán ngữ quốc tế quốc gia Trung Quốc) trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc.
|
Học sinh Mỹ học viết chữ Hán trong lớp học Khổng Tử (Ảnh Getty).
|
Trong những năm gần đây, giới chính trị Mỹ đã mạnh mẽ chỉ trích Viện Khổng Tử là cơ quan tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc, đàn áp quyền tự do ngôn luận và tự do học thuật trong khuôn viên trường, thậm chí còn sử dụng nó để giám sát sinh viên Trung Quốc. Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã cam kết sẽ tăng cường giám sát các Viện Khổng Tử.
Hiện tại, có khoảng 75 Viện Khổng Tử ở Mỹ, 65 trong số đó được hợp tác thành lập với các trường đại học Mỹ; ngoài ra còn có khoảng 500 “Khổng Tử giáo thất” (phòng học Khổng Tử) được thiết lập trong hệ thống các trường từ mẫu giáo đến trung học ở Mỹ.
Năm 2004, Viện Khổng Tử đầu tiên ở Mỹ được thành lập tại Đại học Maryland. Vào khoảng năm 2017, sự phát triển của các Viện Khổng Tử ở Mỹ đạt đến đỉnh điểm, tổng số viện hợp tác với các trường đại học Mỹ lên tới khoảng 100. Tuy nhiên, hàng chục trường đại học sau đó đã quyết định ngừng hợp tác vì lo ngại Viện Khổng Tử sẽ phá hoại tự do học thuật.
Ông Stilwell nói với các phóng viên rằng một số trường đại học Mỹ đã hủy bỏ lời mời nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma đến phát biểu do sự phản đối của Viện Khổng Tử; sau khi Viện Khổng Tử gây sức ép, nội dung về Đài Loan trong lý lịch của một số diễn giả trong khuôn viên trường đã bị xóa.
Đồng thời, cũng có ý kiến lo ngại rằng các trường học ở Mỹ hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu kinh phí đào tạo ngoại ngữ, việc đóng cửa các Viện Khổng Tử sẽ càng làm giảm các kênh để lớp trẻ ở Mỹ tiếp cận với tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc.
Hiện Viện Khổng Tử và phía Trung Quốc chưa có phản ứng trước quyết định mới nhất của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó tuyên bố rằng tất cả các Viện Khổng Tử ở Mỹ đều được các trường đại học Mỹ tự nguyện mời tới, và cáo buộc Washington chính trị hóa Viện Khổng Tử là một "tư duy Chiến tranh Lạnh điển hình".
Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp đáp trả để trả đũa Mỹ vì đã xác định cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc là cơ quan đại diện nước ngoài, bằng cách yêu cầu nhiều cơ quan truyền thông Mỹ tại Trung Quốc phải gửi danh sách nhân sự và bất động sản của họ ở Trung Quốc.
Ông Stilwell nói rằng các hành động trả đũa thực sự có thể xảy ra, và nói nhiều trường học của Mỹ có chi nhánh ở Trung Quốc hiện đang "gặp khó khăn trong hoạt động".
Vào thời điểm quan hệ Trung - Mỹ đang xấu đi nhanh chóng, hai nước đang "tách ra" ngay cả trong lĩnh vực giáo dục trước đây vốn được coi là dễ hợp tác.
|
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ không chỉ thúc đẩy tuyên truyền các mệnh lệnh chính trị của chính phủ Trung Quốc trên toàn cầu, mà còn có những tác động có hại đối với các học viện và trường học ở Mỹ (Ảnh: mingjingnews).
|
Vào tháng 1 năm nay, dự án lâu dài của Peace Corps (Đội Hòa bình) tuyên bố rút khỏi Trung Quốc. Peace Corps là một tổ chức tình nguyện cung cấp các dịch vụ dạy tiếng Anh trong các trường học ở Trung Quốc. Dân biểu Marco Rubio) khi đó đã ra tuyên bố rằng quyết định của Peace Corps cho thấy Trung Quốc không còn là một nước đang phát triển.
Vào tháng 7 năm nay, Mỹ tuyên bố chấm dứt chương trình trao đổi Fullbright với Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Chương trình này là một dự án trao đổi giáo dục, văn hóa và nghiên cứu quốc tế được chính phủ Mỹ thúc đẩy và tài trợ.
Đồng thời, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc ở nước ngoài cho biết ngày càng khó khăn trong việc xin thị thực vào Trung Quốc và cơ hội trao đổi thẳng thắn với các đồng nghiệp Trung Quốc.
Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch của Mỹ năm ngoái đã đưa ra một báo cáo nói, chính quyền Trung Quốc từ lâu đã giám sát và thực hiện khống chế đối với các sinh viên Trung Quốc, học giả và nhà nghiên cứu Trung Quốc trên khắp thế giới.
Với quyết định mới nhất này của Mỹ, quan hệ Mỹ - Trung vốn đã đang ở vào tình trạng xấu nhất kể từ 1979 lại càng tồi tệ thêm.