Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman cho rằng động thái này làm dấy lên mối lo ngại ở Berlin và trong liên minh NATO về việc tái bố trí quân đội và sẽ "tăng cường răn đe Nga, củng cố sức mạnh NATO, có thể là cả trấn an các đồng minh" cũng như cải thiện tính linh hoạt chiến lược của Mỹ.
Theo đó, lực lượng binh lính Mỹ tại Đức sẽ được cắt giảm từ khoảng 34.500 xuống còn 25.000, như mục tiêu mà ông Trump đã nêu.
Ông Hoffman cho biết, Lầu Năm Góc sẽ tóm tắt trước Quốc hội về kế hoạch "trong những tuần tới" mà không đưa ra thời điểm cụ thể và sau đó sẽ tham khảo ý kiến các đồng minh NATO.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng nếu tiến hành cắt giảm, một số binh sĩ có thể được điều tới các quốc gia Khối phía Đông cũ nhằm gửi một thông điệp tới Moscow.
Tại cuộc viếng thăm Washington của nhà lãnh đạo Ba Lan Andrzej Duda vào tuần trước, Tổng thống Trump cho biết có thể cũng sẽ đưa quân đội Mỹ tới Ba Lan.
Hồi đầu tháng 6, Tổng thống Trump cũng đã nói về việc cắt giảm lực lượng quân đội do không hài lòng với Đức.
Ngày 15/6, hai tuần sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 do Tổng thống Trump lên kế hoạch vì đại dịch COVID-19, Tổng thống Trump đã phàn nàn rằng Berlin không chi tiêu đủ cho quốc phòng của mình và đối xử "tệ" với Mỹ về thương mại.
"Chúng tôi đang đàm phán với họ về vấn đề đó, nhưng hiện tại tôi không hài lòng với thỏa thuận mà họ muốn thực hiện. Họ đã tiêu tốn của Mỹ hàng trăm tỷ USD trong những năm qua. Chúng tôi bị tổn hại về thương mại và cả trong NATO" - ông Trump nói.
Tổng thống Trump cho rằng: "Đó là một chi phí rất lớn đối với Mỹ. Vì vậy, chúng tôi sẽ giảm xuống, chỉ để lại 25.000 binh sĩ."
(Theo CNA)