|
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina. |
Tờ Quan sát quân sự Nga gần đây cho rằng Biển Đông đã trở thành con đường tơ lụa mới và một trong những “ngã tư đường” trên biển rnhộn nhịp nhất thế giới, quốc gia kiểm soát vùng biển này sẽ có thể kiểm soát huyết mạch kinh tế của các nước châu Á khác, có thể cắt đứt phần lớn thương mại khu vực, đồng thời tạo ra hậu quả không thể dự đoán đối với toàn cầu.
Cuộc đối đầu chính trị ở Biển Đông mang tính lâu dài, bên thắng sẽ trở thành siêu cường trong tương lai. Trung Quốc hiện còn chưa mạnh đến mức có thể công khai thách thức Mỹ, tình hình này mang tính tạm thời.
Theo bài viết, 25% vận tải biển toàn cầu đều đi qua Biển Đông, 60% thương mại và 80% nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc cũng lệ thuộc vào Biển Đông. “Mọi người đều đang thảo luận Đông Nam Á có thể trở thành trung tâm kinh tế toàn cầu sau này, thậm chí cho rằng phương Tây sẽ từng bước bị cho ra rìa, những quan điểm này không phải không có lý. Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh cũng đang tích cực tranh thủ quyền kiểm soát Biển Đông”.
Thực lực của Mỹ đến từ lực lượng không quân và hải quân mạnh, trên thế giới không có nước nào có thể so sánh với Mỹ. Mỹ hiện có 10 tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Nimitz, 1 tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới lớp Ford. Số lượng và chất lượng tàu ngầm của Mỹ cũng dẫn trước các đối thủ khác, thực lực đương nhiên tạm thời đứng đầu thế giới.
Với việc chi tiêu hàng trăm tỷ USD mỗi năm, không nước nào muốn giao chiến trực tiếp với quân đội Mỹ. Trong đó, nước không mong muốn nhất chính là Trung Quốc.
|
Tàu tuần dương USS Antietam và tàu sân bay USS Ronald Reagan hải quân Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: Stars and Stripes.
|
Trung Quốc hiểu rất rõ thế yếu của lực lượng hải quân nước họ, vì vậy tăng cường hải quân được coi là chương trình phát triển trọng điểm. Trung Quốc hiện có 1 tàu sân bay mang tên Liêu Ninh, 1 tàu sân bay tự chế đầu tiên cũng sắp đi vào hoạt động - trên danh nghĩa là tự chế, nhưng vẫn tham khảo kinh nghiệm của Liên Xô. Vì vậy, công nghệ và sức chiến đấu của tàu sân bay Trung Quốc và Mỹ vẫn có khoảng cách nhất định.
Tàu sân bay Type 003 mà Trung Quốc có ý định chế tạo mới là đột phá quan trọng thực sự, nhưng chưa rõ có chế tạo xong trước năm 2021 hay không. Bởi vì, Trung Quốc chưa từng chế tạo loại tàu chiến có cấp độ tương tự, có thể làm được hay không thì còn chưa rõ.
Đảo nhân tạo được coi là một “công cụ quân sự thực tế nhất” của Trung Quốc trước khi tàu sân bay ra đời. Trung Quốc đang xây dựng phi pháp các cứ điểm quân sự ở quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa (hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Những đảo nhân tạo bồi lấp trái phép này có đường băng máy bay, nhà chứa máy bay, radar và các thiết bị như dẫn đường vệ tinh, ngoài ra còn có bến tàu để đậu tàu chiến và tàu vận tải, giống như “tàu sân bay không chìm” khổng lồ được bảo vệ nghiêm ngặt bởi tên lửa phòng không. Những đảo này trở thành “công cụ lợi hại” để Trung Quốc đối đầu chính trị với Mỹ, khiến Mỹ cảnh giác cao độ.
Tờ Sohu Trung Quốc ngày 1/7 dẫn nguồn tin nước ngoài cho biết hiện nay, Trung Quốc đã triển khai phi pháp rất nhiều hệ thống vũ khí ở các đảo trên Biển Đông. Đáng chú ý, Bắc Kinh cũng lần đầu tiên cho máy bay ném bom H-6K Chiến Thần tiến hành cất, hạ cánh phi pháp ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam).
|
Tàu sân bay USS Ronald Reagan, hải quân Mỹ đến thăm Philippines. Ảnh: Stars and Stripes.
|
Trong tương lai, Trung Quốc còn có thể triển khai phi pháp các máy bay chiến đấu như J-11, J-10 ở các đảo trên Biển Đông. Nhưng át chủ bài thực sự của Trung Quốc sẽ là máy bay chiến đấu J-20, nó cuối cùng cũng có thể sẽ được Trung Quốc triển khai phi pháp ở Biển Đông.
Trong tương lai, Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm mới của thế giới với điểm then chốt là Biển Đông. Các nước phương Tây đương nhiên lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc, lo ngại Trung Quốc chiếm đoạt lấy vai trò ảnh hưởng của họ ở Biển Đông nên chắc chắn sẽ có biện pháp đối phó.