Mỹ cảnh báo dỡ bỏ hạn chế vũ khí với Ukraine nếu Triều Tiên tham gia cuộc chiến

Mỹ sẽ không áp đặt các giới hạn mới đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ nếu Triều Tiên tham gia cuộc chiến của Nga, Lầu Năm Góc cho biết.

Các binh sĩ Ukraine bắn lựu pháo M119 vào tiền tuyến, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, gần thành phố Bakhmut ngày 10/3/2023 (Ảnh: Reuters)
Các binh sĩ Ukraine bắn lựu pháo M119 vào tiền tuyến, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, gần thành phố Bakhmut ngày 10/3/2023 (Ảnh: Reuters)

Việc triển khai quân của Triều Tiên đang làm dấy lên mối lo ngại của phương Tây rằng cuộc xung đột kéo dài 2 năm rưỡi ở Ukraine có thể lan rộng, ngay cả khi sự chú ý đang chuyển sang khu vực Trung Đông.

“Sự hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên là mối đe dọa đối với cả an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương và châu Âu-Đại Tây Dương”, Tổng thư ký NATO Mark Rutte nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với phái đoàn Hàn Quốc về việc triển khai của Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết diễn biến này là “rất nguy hiểm”.

Lầu Năm Góc ước tính 10.000 binh sĩ Triều Tiên đã được triển khai tới miền Đông nước Nga để huấn luyện, cao hơn nhiều so với ước tính 3.000 quân vào thứ Tư tuần trước.

“Một phần trong số binh sĩ đó đã tiến gần Ukraine hơn và chúng tôi ngày càng lo ngại rằng Nga có ý định sử dụng những binh sĩ này trong chiến đấu hoặc hỗ trợ các hoạt động chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine ở tỉnh Kursk của Nga gần biên giới với Ukraine”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết.

Điện Kremlin ban đầu bác bỏ các báo cáo về việc triển khai quân của Triều Tiên là "tin giả". Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm tuần trước không phủ nhận quân đội Triều Tiên có mặt ở Nga và nói rằng việc thực hiện hiệp ước hợp tác với Bình Nhưỡng là việc của Moscow.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết cuối tuần qua rằng Moscow sẽ đáp trả tương ứng nếu Mỹ và các đồng minh giúp Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, đồng thời Moscow coi khả năng chấp thuận của phương Tây là "sự tham gia trực tiếp của NATO" vào cuộc chiến.

Tuy nhiên, Mỹ không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ chấp thuận yêu cầu sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga của Ukraine.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên không xác nhận thông tin truyền thông về việc triển khai quân tới Nga nhưng cho biết nếu Bình Nhưỡng thực hiện hành động như vậy, ông tin rằng nó vẫn phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Tình báo quân đội Ukraine tuần trước cho biết các đơn vị đầu tiên của Triều Tiên đã được trông thấy ở khu vực biên giới Kursk, nơi quân đội Ukraine đã hoạt động kể từ khi tiến hành một cuộc tấn công lớn vào tháng 8.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc từ chối xác nhận rằng lực lượng Triều Tiên đã có mặt ở Kursk.

“Có khả năng là họ đang di chuyển theo hướng đó tới Kursk. Nhưng tôi chưa có thêm thông tin chi tiết”, bà Singh nói.

2.png
Tổng thư ký NATO Mark Rutte (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết động thái này là hành động leo thang của Nga.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết Kiev đã cảnh báo về việc triển khai quân này trong suốt nhiều tuần liền và phàn nàn rằng các đồng minh đã không đưa ra phản ứng mạnh mẽ.

"Điểm mấu chốt: hãy lắng nghe Ukraine. Giải pháp: dỡ bỏ các hạn chế đối với các cuộc tấn công tầm xa của chúng tôi chống lại Nga ngay bây giờ", ông nói trên X.

Kể từ khi các nhà lãnh đạo hai nước gặp nhau ở vùng Viễn Đông của Nga vào năm ngoái, Triều Tiên và Nga đã nâng cấp quan hệ quân sự. Hai bên đã gặp lại nhau vào tháng 6 để ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm một hiệp ước phòng thủ chung.

Một loạt các chuyến thăm song phương của các quan chức cấp cao đã diễn ra giữa hai nước. Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui hôm đầu tuần này đã rời Bình Nhưỡng để thực hiện chuyến đi thứ hai tới Nga chỉ trong 6 tuần.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết việc triển khai quân đội Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy "sự tuyệt vọng ngày càng tăng" từ phía Nga.

“Hơn 600.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến của Putin và ông ấy không thể duy trì cuộc tấn công vào Ukraine nếu không có sự hỗ trợ của nước ngoài”, ông Rutte nói.

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, cho biết chỉ các biện pháp trừng phạt sẽ không đủ để đáp trả sự dính líu của Triều Tiên.

Ông nói thêm rằng Kiev cần "vũ khí và một kế hoạch rõ ràng để ngăn chặn sự can dự mở rộng của Triều Tiên". "Kẻ thù hiểu được sức mạnh. Và đồng minh của chúng ta có sức mạnh này", ông Yermak viết trên X.