|
Quân đội Mỹ tập trận chung với đồng minh Nhật Bản |
Phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết Biển Đông của tòa trọng tài The Hague khá lẫn lộn và không rõ ràng. Mặc dù nước này có những lời phát biểu hết sức tiêu cực với báo chí và có một vài hành vi quân sự nhằm diễu võ dương oai nhưng vào thời điểm này, Trung Quốc vẫn tránh một số hành vi mang tính kích động hơn như tiến hành bồi lấp bãi cạn Scarborough và cho thấy các nhà lãnh đạo Bắc Kinh sẵn sàng cho một cuộc đối thoại mới với Manila. Mỹ nên hoan nghênh sự kiềm chế này của Trung Quốc, nhưng Mỹ cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng trong trường hợp căng thẳng leo thang, đặc biệt là sau hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 tới đây.
Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) hết sức bất lợi cho Trung Quốc. Tòa án đã bác bỏ cái gọi là “đường chín đoạn” ngang ngược (chiếm đến 85% diện tích Biển Đông) của Trung Quốc cũng như bác bỏ mọi lập luận về “quyền lịch sử” của Bắc Kinh ở đây. Tòa cũng tuyên bố không một thực thể địa lý nào được đề cập trong vụ kiện được hưởng quy chế đảo hợp pháp, do đó không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí, Trung Quốc cũng đã vi phạm điều khoản bảo vệ môi trường hàng hải của Liên hợp quốc và Tòa kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn các hành vi làm cuộc tranh chấp trầm trọng hơn, bao gồm việc tiến hành bồi lấp đảo trái phép quy mô lớn.
Phản ứng của Trung Quốc hết sức tiêu cực, thậm chí hiếu chiến. Tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao và chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài và tái khẳng định Trung Quốc sẽ không tuân theo phán quyết. Sau đó, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã kêu gọi nước này chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh nhân dân trên biển”. Trung Quốc cũng tiến hành một vài hành động cố tình thể hiện sự bất mãn, bao gồm việc cử máy bay dân sự ra Đá Vành Khăn và Đá Subi, tiến hành tập trận hải quân trên Biển Đông và đáng chú ý nhất là điều máy bay ném bom H-6K và các loại máy bay khác như một phần của thực tế thường xuyên mới là “những cuộc tuần tra chiến đấu trên không” trong khu vực.
Tuy nhiên theo National Interest, Trung Quốc tránh những hành vi khiêu khích mạnh hơn, chẳng hạn như nước này vẫn chưa thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, chưa triển khai máy bay chiến đấu ra đường băng mới được xây dựng trên quần đảo Trường Sa và cũng chưa tiến hành bồi lấp bãi cạn Scarborough, điều mà các nhà phân tích Mỹ cảnh báo sẽ cho phép quân đội Trung Quốc hoàn thiện tam giác chiến lược các căn cứ quân sự trong khu vực. Bình luận về việc Trung Quốc vẫn chưa ra tay trên bãi cạn Scarborough, Tư lệnh Thái Bình Dương Đô đốc Harris Harry đã tóm tắt toàn bộ tình hình bằng câu : “Tôi nghĩ chúng ta bây giờ ở vị thế chỉ có thể chờ đợi và theo dõi”.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn làm dịu tình hình bằng biện pháp ngoại giao. Vào ngày 25/7, sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Lào, Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị đã nói rằng tình hình nên được làm dịu đi và khẳng định rằng Trung Quốc sẽ hợp tác với ASEAN để cùng bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Ngoại trưởng John Kerry, sau cuộc gặp cá nhân với Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay bên lề hội nghị thượng đỉnh cho rằng căng thẳng hiện nay có thể bước sang trang mới. Ở trong nước, Trung Quốc cố làm dịu tình hình bằng cách dẹp yên (thay vì khuyến khích) những cuộc biểu tình nhằm vào Mỹ và Philippines.
Phản ứng hết sức lẫn lộn của Trung Quốc có thể được lý giải bằng hành vi cân bằng lớn hơn mà Bắc Kinh đang thực hiện trên Biển Đông. Một mặt, Trung Quốc cố tìm cách chỉ báo ý định thúc đẩy yêu sách lãnh hải trên biển và dần dần mở rộng sự kiểm soát hiệu quả trong khu vực. Đây là trung tâm của mục tiêu lâu dài trở thành cường quốc biển của Trung Quốc. Đó cũng là nhu cầu chính trị nhằm thỏa mãn những người dân tộc chủ nghĩa, thành phần luôn đòi hỏi một phản ứng cứng rắn đối với “sự coi thường” Trung Quốc ví dụ như phán quyết trọng tài. Những bài diễn thuyết ngoại giao gay gắt cùng việc triển khai các động thái quân sự như tiến hành tuần tra chiến đấu trên không, đều phục vụ cho các mục tiêu này.
Mặt khác, giống như người tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình cũng hiểu tầm quan trọng của ổn định trong khu vực vì một khối lượng lớn thương mại hàng hải của Trung Quốc đi qua Biển Đông cũng như là nhu cầu duy trì những mối quan hệ tích cực với các Mỹ và các nước láng giềng. Việc cân đối các ưu tiên mang tính mâu thuẫn lẫn nhau này (mở rộng sự kiểm soát và duy trì ổn định) đã dẫn tới cách tiếp cận thường được gọi là “chiến thuật cắt lát salami”, trong đó Trung Quốc dần dần xây dựng khả năng quân sự và dân sự trong khu vực và thi thoảng lại thử giới hạn các nước khác có thể chấp nhận, sau đó lại rút lui để duy trì sự ổn định và tránh phải trả giá đắt.
Theo đó, Trung Quốc có khả năng đã điều chỉnh phản ứng với phán quyết để thể hiện cam kết bảo vệ lợi ích hàng hải trong khi tránh những kết quả không thể chấp nhận được. Đầu tiên là ý muốn không làm phức tạp hóa hội nghị thượng định G20 sắp tới sẽ diễn ra vào hai ngày 4-5/9 tới tại Hàng Châu. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy G20 trở thành cơ hội để kích thích sự phát triển kinh tế toàn cầu và nâng cấp quan hệ với các nước quan trọng bao gồm Ấn Độ, Anh và Mỹ. Thứ hai là thúc đẩy không làm điều gì ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc – Philippines và các bên tuyên bố chủ quyền khác ở Đông Nam Á như Việt Nam và tránh một tuyên bố chung từ phía ASEAN ủng hộ phán quyết.
Tuy nhiên, một khi tình hình đã đủ dịu, Trung Quốc có thể xoay hướng lại, tập trung mạnh hơn vào thực thi hàng hải và triển khai lực lượng. Kết luận của G20 sẽ làm dịu đi một số áp lực ngoại giao nhằm tránh leo thang căng thẳng. Trong khi đó, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu ngắn hạn là tránh một tuyên bố chung của ASEAN về Biển Đông cho dù Trung Quốc có thể có những nỗ lực lớn hơn nhằm ổn định quan hệ với Philippines, Việt Nam và các bên khác trước khi có những hành động làm gia tăng căng thẳng. Đáng chú ý, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã ám chỉ nước này còn có thể có nhiều hành động khác khi ông tuyên bố với Đô đốc Hải quân Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ dừng việc xây dựng dở dang (trái phép) tại quần đảo Trường Sa.
Do đó, Mỹ cần phải nhìn rõ ràng về triển vọng gia tăng căng thẳng trong khu vực trong trung hạn. Điều này đặt ra câu hỏi Mỹ nên phản ứng thế nào với những khiêu khích trong tương lai? Một quan điểm phổ biến là quan tâm đến việc áp đặt cái giá phải trả cho các hành vi liều lĩnh và bất hợp pháp. Cái giá nói trên có thể bao gồm việc tạo điều kiện cho các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông với các đồng minh như Nhật và Úc, tăng cường triển khai quân sự hoặc thậm chí bao gồm cả Biển Đông trong phạm vi liên minh Mỹ- Philippines. Rất nhiều người đã chỉ ra sự cần thiết phải mở rộng và tuyên truyền rộng rãi hoạt động thực thi tự do hàng hải trong khu vực.
Một quan điểm khác là Mỹ nên hợp tác với Trung Quốc để thể chế hóa các hành vi có lợi. Trong hai năm vừa qua, Trung Quốc đã đồng ý về bản ghi nhớ về nhận thức các nguy hiểm trên không và trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như Bộ quy tắc về các vụ va chạm bất ngờ trên biển (CUES). Một trong những điều mà Mỹ nên khuyến khích là sự mở rộng của những đồng thuận này. Đặc biệt, còn có thể tiếp tục mở rộng quy tắc ứng xử với cảnh sát biển và lực lượng dân quân. Những sự đồng thuận này có thể mang lại kết quả trong việc giảm hậu quả của sự cố nguy hiểm trong tương lai.
Hiểu theo nghĩa rộng hơn, giá trị của bất kỳ cái giá áp đặt nào hay hành động xây dựng lòng tin cũng sẽ bị hạn chế nếu thiếu chiến lược rõ ràng cụ thể, điều cần được giữ vững là tập trung vào cách tốt nhất để đảm bảo lợi ích cốt lõi của Mỹ trong khu vực bao gồm hòa bình và ổn định, nguyên tắc tuân theo pháp luật, hiệp ước đồng minh và duy trì mối quan hệ ổn định Mỹ- Trung. Một số điều cũng đã được nêu trong Chiến lược hàng hải châu Á- Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2015. Điều này không phải là một phản ứng đặc biệt do nhất thời mà phải là một loạt những hành động được thiết kế cẩn thận phối hợp giữa các cơ quan dân sự và dân sự. Đặc biệt chính phủ Mỹ khóa tới sẽ phải suy nghĩ cẩn thận làm cách nào để có thể thực hiện được chiến lược này, do đó mọi thứ phải sẵn sàng khi căng thẳng gia tăng.
* Bài viết trên National Interest của tác giả Joe Wuthnow - chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu quân sự Trung Quốc tại Đai học quốc phòng quốc gia Mỹ.