|
Hải quân Việt Nam (ảnh minh họa, nguồn: IE) |
Báo PLO.VN ngày 25/5/2016 có bài phản ánh tổng hợp cho biết, phát biểu với hãng tin TASS của Nga ngày 23/5 (giờ địa phương), Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga Anatoly Punchuk nói: “Quan hệ giữa chúng tôi với Việt Nam mang tính chất chiến lược. Tôi không nghĩ điều này (quyết định của Mỹ về dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam) sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu vũ khí Nga”.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) ghi nhận Nga là đối tác lâu đời quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Phần lớn thiết bị quân sự của Việt Nam là của Nga và Liên Xô cũ.
Nga sẽ phải cạnh tranh hơn trước
Ông Alexander Gabuev, Chủ tịch chương trình Nga-Châu Á-Thái Bình Dương (Trung tâm Carnegie ở Moscow), nhận xét: “Vai trò chiếm lĩnh thị trường của Nga tại Việt Nam rồi sẽ giảm nhưng phải mất một thời gian chứ không thể nhanh được”.
Chuyên gia Anton Tsvetov ở Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga nhận xét: “Tôi không nghĩ rằng tình hình xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang Việt Nam sẽ đột ngột gia tăng bởi lẽ quán tính trong lĩnh vực mua bán vũ khí rất mạnh”.
Ông tự tin cho rằng tối thiểu trong một thập niên nữa, Nga có thể duy trì vai trò “thống trị” trên thị trường vũ khí Việt Nam trong phần lớn các lĩnh vực giá trị cao như máy bay chiến đấu, tàu chiến, hệ thống phòng thủ chống tên lửa; còn Mỹ có thể giữ vai trò trong các lĩnh vực như trinh sát và giám sát hàng hải.
Dù vậy, ông ghi nhận quyết định của Mỹ về dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam sẽ là lời cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp Nga và Nga cần phải làm nhiều hơn để duy trì quan hệ chặt chẽ với Việt Nam.
Sẽ không tăng đột biến
Phát biểu với báo The Straits Times (Singapore), chuyên gia Richard Fontaine, Chủ tịch Trung tâm Vì an ninh Mỹ mới (Mỹ), nhận định trong tương lai gần, quyết định của Mỹ chưa mang ý nghĩa mua bán thực sự. Bằng chứng là sau khi Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí cho Việt Nam vào năm 2014, doanh số mua bán vũ khí không tăng đột biến.
Ông cho biết hầu hết tầng lớp chính trị ở Mỹ đều ủng hộ quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam.
TTXVN đưa tin tuyên bố ngày 23-5 của Tổng thống Obama về việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính giới và của các cựu chiến binh Mỹ, những người từng tham gia chiến tranh Việt Nam.
Đây được đánh giá là một bước đi lịch sử, mở ra trang mới trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ.
Nhiều cựu chiến binh đánh giá đây là nỗ lực hợp lý nhằm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ hai nước. Đại diện Hội Cựu chiến binh Mỹ tại New York hoan nghênh chính quyền Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Nước khác phải chào giá bán tốt nhất cho Việt Nam lựa chọn
Nói trên báo The Economist của Anh, Chủ tịch chương trình Nga-châu Á-Thái Bình Dương Alexander Gabuev bình luận rằng quyết định của Mỹ về dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam không tác động ngay đối với năng lực quân sự của Việt Nam bởi lẽ nếu Việt Nam mua vũ khí Mỹ thì phải mất nhiều năm vũ khí Mỹ mới có thể tương thích với hệ thống quân sự Việt Nam.
The Economist ghi nhận lợi ích trước mắt sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí là Nga cũng như nhiều nước khác phải đưa ra giá bán cạnh tranh tốt nhất để Việt Nam chọn lựa.
Thị trường vũ khí sẽ mang tính chất cạnh tranh hơn, tuy nhiên Nga có điểm mạnh về quan hệ chất lượng-giá cả, mối quan hệ lâu đời giữa quân đội Việt Nam với các nhà sản xuất Nga và nhu cầu huấn luyện con người. Nhiều vấn đề còn phụ thuộc vào chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ bán các hệ thống vũ khí Mỹ như thế nào và quan điểm của chính phủ Mỹ sắp tới ra sao.
Theo PLO.VN/TTXVN/The Diplomat/ Economist