|
Chiến hạm hải quân Mỹ khai hỏa trên biển |
Bất kỳ chiến lược quân sự nào của Mỹ cũng phải đạt được 6 mục tiêu, trong đó có mục tiêu ngăn ngừa Trung Quốc dùng hành động quân sự để giải quyết tranh chấp, trong khi vẫn khuyến khích phát triển kinh tế của Trung Quốc; đảm bảo với các quốc gia châu Á rằng Mỹ sẵn sàng và có khả năng duy trì vài trò ở châu Á; không khuyến khích các đồng minh và bạn bè có những bước đi nhằm tăng cường quân sự hóa ở khu vực...
Khi chính quyền Mỹ vẫn chưa đưa ra chiến lược quân sự nào, các học giả Mỹ đề xuất chiến lược “Kiểm soát xa bờ: Bảo vệ Chuỗi đảo thứ nhất” – một cách tiếp cận hiệu quả và ít tốn kém cho một cuộc xung đột thông thường với Trung Quốc.
Chiến lược Kiểm soát xa bờ chủ trương thiết lập các vòng đồng tâm khiến Trung Quốc không thể sử dụng vùng biển trong chuỗi đảo đầu tiên; bảo vệ vùng biển và vùng trời của các quốc gia trong chuỗi đảo đầu tiên; kiểm soát vùng biển và vùng trời bên ngoài chuỗi đảo.
Chiến lược Kiểm soát xa bờ không tấn công vào Trung Quốc nhưng lợi dụng vị trí địa lý để chặn những tuyến vận tải hàng xuất khẩu và nhập khẩu chủ chốt của Trung Quốc để làm suy yếu nền kinh tế của họ. Sẽ không có sự xâm nhập nào vào không phận Trung Quốc. Không xâm nhập là cách để giảm khả năng leo thang hạt nhân và nguy cơ xung đột.
Cách tiếp cận này sẽ khai thác những điểm yếu quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc khi vượt qua “chuỗi đảo thứ nhất” gồm quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, Đài Loan, Bắc Philippines và Borneo đến mũi Malaysia. Các lực lượng không quân và hải quân của đồng minh Mỹ có thể chiếm lợi thế chiến lược so với Trung Quốc. Bên ngoài vòng cung đó, năng lực của Trung Quốc giảm đáng kể.
Chống tiếp cận là một yếu tố nhằm tăng cường sức mạnh cho các đồng minh bằng cách huy động lực lượng tàu ngầm, mìn, tên lửa hành trình và một số vũ khí phòng không trong chuỗi đảo thứ nhất. Khu vực này sẽ được tuyên bố là vùng loại trừ hàng hải, với cảnh báo những tàu đi vào vùng này sẽ bị tịch thu hoặc đánh chìm.
Mỹ không thể ngăn tất cả tàu thuyền đi lại qua khu vực này nhưng có thể ngăn những tàu chở hàng và chở dầu lớn, từ đó nhanh chóng làm tổn thương nền kinh tế của Trung Quốc. Trong chiến lược phong tỏa này, bất kỳ tàu thuyền quân sự nào của Trung Quốc đi qua giới hạn 12 hải lý cũng sẽ bị tấn công.
Ở khía cạnh phòng thủ, chiến lược Kiểm soát xa bờ sẽ khai thác lợi thế này để đưa các vũ khí, khí tài của Mỹ và các đồng minh đến để bảo vệ lãnh thổ của đồng minh và khuyến khích các đồng minh đóng góp cho nhiệm vụ phòng thủ đó. Khía cạnh này sẽ khai thác vị trí địa lý để ép Trung Quốc phải chiến đấu ở tầm xa, trong khi Mỹ và các đồng minh có thể thực hiện phòng thủ dưới biển - trên không - mặt đất trên chính lãnh thổ của họ.
Nói ngắn gọn, nó sẽ tước đi của Trung Quốc lợi thế chống tiếp cận để trao cho các đồng minh của Mỹ. Các đảo nhỏ từ Nhật Bản xuống Đài Loan tới Luzon và lên eo biển Malacca tạo ra nhiều lựa chọn để thực hiện phòng thủ trên biển và trên không đối với những khoảng trống trong chuỗi đảo đầu tiên.
Vì chiến lược Kiểm soát xa bờ sẽ dựa nhiều vào phòng thủ trên biển và trên không, Mỹ có thể khuyến khích các đối tác tiềm năng đầu tư vào những năng lực này và định kỳ tập luyện cùng nhau trong thời bình. Mỹ sẽ không cần đề nghị bất kỳ nước nào cho sử dụng căn cứ của họ để tấn công Trung Quốc, mà chỉ cần cho phép sự hiện diện của các hệ thống phòng thủ Mỹ nhằm giúp bảo vệ không gian, biển và mặt đất của chính quốc gia đó.
Ở khía cạnh kiểm soát, mặt trận trên không, trên biển và mặt đất sẽ được sử dụng kết hợp cùng với các nền tảng thương mại để chặn và chuyển hướng các tàu chở dầu và các tàu chở hàng cỡ lớn, đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc. Chặn các tàu chở nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ khiến kinh tế Trung Quốc yếu đi nhưng không tê liệt. Trung Quốc có thể có biện pháp giảm tác động của việc bị phong tỏa nhiên liệu. Nhưng xuất khẩu còn đóng vai trò lớn hơn với nền kinh tế nước này. Khoảng 1.000 con tàu dễ bị truy dấu và chuyển hướng.
Một cách tự nhiên, Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách thay đổi tuyến đường, nhưng tất cả tàu đến Trung Quốc đều phải đi qua khu vực Chuỗi đảo thứ nhất. Ngay cả khi Trung Quốc chiếm được một phần của chuỗi đảo, Mỹ và các đồng minh có thể sử dụng những điểm xa hơn như Malacca, Lombok và Sunda để chặn các tuyến hàng hải về phía nam xuống Úc và từ phương Tây sang. Để cắt tuyến thương mại từ phía đông, Mỹ chỉ cần kiểm soát kênh đảo Panama và eo biển Magellan, hoặc nếu băng tan, thì kiểm soát cả tuyến qua bắc cực.
* Các tác giả T. X. Hammes là nghiên cứu sinh ở Đại học Quốc phòng Mỹ và D. Hooker, Jr. là Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia tại Đại học Quốc phòng Mỹ.