|
Quân đội Hàn Quốc phóng thử tên lửa Hyunmoo-2 có tầm bắn 300km (Ảnh: 81.cn). |
Từ ngày 19 đến 23/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đến thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Joe Biden. Hai bên đã đạt được một loạt hiệp nghị và đồng thuận, thu hút sự chú ý lớn của thế giới bên ngoài, đặc biệt là Tuyên bố chung Mỹ - Hàn đã đề cập đến các vấn đề Đài Loan, Biển Đông và thỏa thuận chấm dứt "Hướng dẫn tên lửa Hàn - Mỹ".
Sau khi chấm dứt văn bản “Hướng dẫn tên lửa Hàn – Mỹ”, việc phát triển tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc sẽ không còn giới hạn về tầm bắn hoặc trọng lượng đầu đạn, điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển sức mạnh quân sự của Hàn Quốc và có thể gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 21/5 tuyên bố sau khi thảo luận với phía Mỹ, lãnh đạo hai nước đã quyết định chấm dứt "Hướng dẫn tên lửa Hàn - Mỹ". Điều này cho phép Hàn Quốc vượt qua các hạn chế và phát triển các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 800 km có thể bao phủ lãnh thổ Triều Tiên và các quốc gia lân cận.
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in họp báo chung, thông báo việc chấm dứt thực hiện Hướng dẫn tên lửa Hàn-Mỹ (Ảnh: Yonhap). |
Trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 31/5 cho biết, quân đội Hàn Quốc đang thảo luận về phương án sử dụng máy bay trên không và tàu trên đại dương để phóng các tên lửa đạn đạo. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh sẽ cải thiện và phát triển hệ thống sức mạnh chiến đấu và tăng cường lực lượng phòng vệ chủ yếu do quân đội Hàn Quốc chủ đạo. Về việc phát triển sâu rộng hợp tác không gian với Mỹ, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Mỹ và Hàn Quốc sẽ vận hành cơ chế Hội nghị Hợp tác Không gian Quốc phòng (SCWG) đề ra năm 2013. Trong tương lai, hai bên sẽ chia sẻ thông tin không gian, trao đổi các chuyên gia, mở rộng sự tham gia vào các cuộc diễn tập không gian và cùng nhau phát triển các chính sách về không gian. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng sẽ triển khai hệ thống giám sát vệ tinh quang học điện tử và có kế hoạch phóng vệ tinh do thám quân sự lần đầu tiên vào năm 2022.
Về cuộc diễn tập sở chỉ huy chung Mỹ - Hàn sẽ diễn ra vào nửa cuối năm nay, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sẽ xem xét các điều kiện khác nhau và đàm phán chặt chẽ với Mỹ, trong các vấn đề như dịch bệnh COVID-19, duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến và ủng hộ các nỗ lực ngoại giao vì nền hòa bình vĩnh viễn, phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
|
Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-1 do Hàn Quốc tự chế tạo (Ảnh: Yonhap). |
Được biết, vào năm 1979, để có được công nghệ tên lửa của Mỹ, Hàn Quốc đã ký với Mỹ văn bản mang tên "Hướng dẫn tên lửa Hàn – Mỹ" và quyết định nhập khẩu công nghệ tên lửa dưới sự kiểm soát của Mỹ. Cho đến nay bản hướng dẫn này đã hạn chế nghiêm trọng sự phát triển quân sự của Hàn Quốc. "Hướng dẫn Tên lửa Hàn - Mỹ" quy định Mỹ hỗ trợ Hàn Quốc về công nghệ và linh kiện tên lửa, nhưng Hàn Quốc không được phát triển hoặc sở hữu tên lửa có tầm bắn hơn 180 km và đầu đạn nặng hơn 500 kg. Do hạn chế này, Hàn Quốc trong một thời gian dài không phát triển mẫu tên lửa đạn đạo mới nào.
Tuy nhiên, cho đến nay "Hướng dẫn Tên lửa Hàn - Mỹ" đã trải qua 4 lần sửa đổi kể từ khi được ký kết, nới lỏng các hạn chế về tầm bắn và trọng lượng đầu đạn tối đa của tên lửa Hàn Quốc. Năm 2001, Mỹ cho phép Hàn Quốc tham gia "hệ thống kiểm soát công nghệ tên lửa", nghĩa là Hàn Quốc có thể phát triển tên lửa đạn đạo có tầm bắn dưới 300 km và trọng lượng đầu đạn dưới 500 kg. Theo "Hướng dẫn tên lửa Hàn - Mỹ" sửa đổi năm 2012, tầm bắn của tên lửa đạn đạo Hàn Quốc đã được tăng từ 300 km lên 800 km. Vào tháng 11/2017, "Hướng dẫn tên lửa Hàn – Mỹ" lại được sửa đổi, tuy vẫn duy trì tầm bắn của tên lửa đạn đạo do Hàn Quốc phát triển là 800 km, nhưng loại bỏ hoàn toàn các hạn chế về trọng lượng của đầu đạn tên lửa. Vào tháng 7/2020, Hàn Quốc và Mỹ đã sửa đổi Hướng dẫn này lần thứ tư, bãi bỏ hạn chế đối với việc sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa.
|
Các loại tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B và Hyunmoo-2C của Hàn Quốc (Ảnh Yonhap). |
Đến nay Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về chấm dứt thực hiện văn bản Hướng dẫn này, có nghĩa là Mỹ đã hoàn toàn nới lỏng các hạn chế đối với việc nghiên cứu và phát triển tên lửa của Hàn Quốc. Đây cũng được coi là một kết quả tích cực quan trọng trong chuyến thăm Washington của ông Moon Jae-in diễn ra từ ngày 19 đến 23/5 vừa qua.
Trước động thái mới này của Mỹ và Hàn Quốc, trang mạng 81.cn chính thức của quân đội Trung Quốc hôm 31/5 đăng bài phân tích cho rằng, việc Mỹ bãi bỏ hoàn toàn văn bản Hướng dẫn, không ràng buộc Hàn Quốc phát triển tên lửa nữa nhằm đạt được các mục tiêu sau đây.
Một là, kích động một cuộc đấu tranh giữa Hàn Quốc và các nước láng giềng. Làm như trao trả chủ quyền tự chủ nghiên cứu phát triển tên lửa cho Hàn Quốc, Mỹ thực chất muốn làm xấu hơn nữa mối quan hệ giữa Hàn Quốc và các nước láng giềng; đây chỉ là sự tiếp nối của sự cố THAAD (bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối ở Hàn Quốc).
Thứ hai là, lợi dụng sức người khác. Có thông tin nói khi thảo luận về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên với Moon Jae-in, ông Biden không loại trừ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Triều Tiên, với điều kiện "Triều Tiên phải thể hiện sự chân thành trong việc thảo luận về kho vũ khí hạt nhân của mình". Những người ngoài cuộc bình luận rằng việc "nới lỏng" tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc cho thấy sự ổn định của liên minh Mỹ - Hàn và cũng làm gia tăng con bài thương lượng giữa Mỹ và Triều Tiên.
Ngoài ra, Mỹ đang cố gắng cắt giảm đầu tư quân sự khổng lồ cho hướng bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhiều lần đàm phán với phía Hàn Quốc về các thỏa thuận chia sẻ chi tiêu quân sự. Về việc Mỹ "không ràng buộc" việc phát triển tên lửa của Hàn Quốc, truyền thông Hàn Quốc thẳng thắn chỉ ra rằng điều này phản ánh nỗ lực của Mỹ nhằm can thiệp vào tình hình khu vực bằng cách vừa không bỏ tiền vừa không bỏ sức.
|
Tên lửa Hyunmoo-4 của Hàn Quốc có tầm bắn 800km (Ảnh: Yonhap). |
Đối với Hàn Quốc, việc chấm dứt văn kiện Hướng dẫn tên lửa Hàn – Mỹ có thể giúp họ đạt được hai mục tiêu. Một mặt, giúp nâng cao tinh thần trong nước. Là một quốc gia có chủ quyền độc lập, việc phát triển tên lửa phải “dựa vào người khác”, đồng nghĩa với việc chủ quyền quốc gia không độc lập và không hoàn toàn. Việc chấm dứt "Hướng dẫn tên lửa Hàn – Mỹ" lần này đã giúp bảo vệ lòng tự trọng của người dân Hàn Quốc ở một mức độ nhất định. Mặt khác, nó giúp tự chủ về quốc phòng. Trong những năm gần đây, trong khi đẩy mạnh chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến, Hàn Quốc cũng không ngừng đẩy mạnh quá trình "phi Mỹ hóa" vũ khí và trang bị nhằm nỗ lực tự xây dựng một hệ thống trang bị của mình. Hàn Quốc cho rằng động thái này của Hàn Quốc và Mỹ sẽ giúp nâng cao mức độ nội địa hóa vũ khí và trang bị của Hàn Quốc.
Phản ứng trước việc Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt thực hiện các hạn chế phát triển tên lửa của Hàn Quốc, ngày 31/5 Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã chỉ trích gay gắt Mỹ về việc này và gọi đó là “sự khác biệt đáng xấu hổ giữa lời nói và việc làm” của Washington.
Hãng KCNA đã đăng một bài báo của tác giả Kim Myong-chol, được biết đến là một "nhà phê bình các vấn đề quốc tế" của Triều Tiên, cáo buộc Mỹ sử dụng tiêu chuẩn kép khi tìm cách ngăn cấm Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo.
Tác giả Kim Myong-chol viết "mặc dù Mỹ luôn nói rằng họ muốn tiến hành đối thoại, nhưng lại bị ám ảnh bởi sự đối đầu". Ông cũng viết: "Việc chấm dứt các hạn chế về tên lửa của Seoul cho thấy rõ ràng rằng Mỹ có chính sách thù địch đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và sự mâu thuẫn đáng xấu hổ giữa lời nói và việc làm của họ".
Kim Myung-chol nói rằng mục tiêu của Triều Tiên là Mỹ, không phải quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ chống lại Mỹ theo "nguyên tắc có đi có lại". Kim Myung-chol cũng chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hoan nghênh việc chấm dứt “Hướng dẫn tên lửa Hàn – Mỹ” là "xấu xa và đáng hổ thẹn".