Theo các trang tin Trung Quốc và Hồng Kông chiều 13/5, nhân viên bộ phận có liên quan của sứ quán Mỹ trong văn bản trả lời được lưu hành trên mạng về việc từ chối cấp thị thực đã nói rõ, phía Mỹ từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho các nhân viên bốn loại cơ quan ở Bắc Kinh và thành viên gia đình của họ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm kịch liệt phản đối về vấn đề này trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Theo trả lời của nhân viên phía Mỹ cấp visa cho lưu học sinh đăng tải trên mạng, nhân viên lãnh sự Mỹ tại Trung Quốc đã tạm đình chỉ cấp visa các loại B1, B2, B1/B2, F1, F2, J1 và J2 cho các quan chức cấp Phó cục trưởng trở lên (hoặc cấp tương đương) của Cục quản lý Di dân Trung Quốc (bao gồm cả Cục quản lý xuất nhập cảnh), vợ (hoặc chồng) và con cái dưới 21 tuổi đã kết hôn hoặc chưa kết hôn của họ; cũng như các thành viên đương nhiệm của Ủy ban Giám sát Quốc gia, Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Công an và vợ (hoặc chồng) cùng con cái dưới 30 tuổi của họ. Động thái này xuất phát từ chỉ thị của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken yêu cầu ngừng cấp thị thực cho vợ (chồng) và con cái của các nhân viên đương chức của Cục Di dân, Bộ An ninh Quốc gia và Bộ Công an Trung Quốc.
Văn bản trả lời của nhân viên sứ quán Mỹ về việc không cấp visa cho sinh viên con công an Trung Quốc (Ảnh: Dwnews). |
Ngày 13/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng cách tiếp cận của phía Mỹ không có lợi cho sự phát triển bình thường và lành mạnh của quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời tác động làm suy yếu các hoạt động trao đổi nhân sự bình thường giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trả lời một câu hỏi tại cuộc họp báo về việc mới đây một sinh viên năm thứ nhất đại học Trung Quốc đã bị Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh từ chối cấp visa vì cha của em này là nhân viên của Bộ Công an Trung Quốc; theo điều kiện trong văn bản trả lời của nhân viên bộ phận cấp thị thực nhập cảnh Đại sứ quán Mỹ, động thái này là làm theo chỉ thị của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về việc dừng cấp thị thực cho vợ (chồng) và con của các quan chức, nhân viên tại chức của các cơ quan như Cục Di trú, Bộ An ninh, Bộ Công an...Trung Quốc.
Về vấn đề này, bà Hoa Xuân Oánh chỉ rõ: "Tôi nghĩ đây là một ví dụ điển hình để chứng minh rằng Hoa Kỳ xuất phát từ lý do chính trị, đã ra tay phá hoại các hoạt động trao đổi nhân viên bình thường giữa hai bên, điều này không có lợi cho sự phát triển lành mạnh và bình thường quan hệ Trung – Mỹ. Theo logic này của Mỹ, liệu Trung Quốc có nên từ chối cấp thị thực cho các nhân viên thực thi pháp luật, tình báo Mỹ và các thành viên gia đình của họ đến Trung Quốc chăng?". Bà đồng thời bày tỏ hy vọng rằng phía Mỹ nhận ra sai lầm của họ và tạo điều kiện thích hợp cho việc trao đổi bình thường giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trước đó, vào ngày 26/4, trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng tải một thông báo cho biết các sinh viên Trung Quốc có thị thực F/M sau ngày 1 tháng 8 năm 2020 sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi “lệnh cấm nhập cảnh Mỹ”, và có thể bay thẳng từ Trung Quốc đến Mỹ, không cần thiết phải dừng ở nước thứ ba ít nhất 14 ngày mới được vào Mỹ.
Được biết trước đó, phía Mỹ quy định rằng trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh Mỹ, các du khách Trung Quốc đã đến Nam Phi, Vương quốc Anh, Brazil, Ireland, 26 quốc gia Schengen sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. Nếu ai muốn nhập cảnh vào Mỹ, người đó cần quá cảnh qua một nước thứ ba và lưu trú trên 14 ngày trước khi nhập cảnh Mỹ.
Bà Hoa Xuân Oánh phê phán mạnh mẽ cách làm của phía Mỹ trong việc dừng cấp visa cho một số nhóm công dân Trung Quốc (Ảnh: Dwnews). |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 28/4 nhận xét, cho rằng đây là một bước đi tích cực của phía Mỹ. Ông hy vọng Mỹ sẽ thu xếp ổn thỏa để nhân viên Trung Quốc sang Mỹ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại trao đổi nhân viên giữa hai bên.
Tuy nhiên, cùng với việc các nghị sĩ Cộng hòa đề xuất FBI lập ra thêm 56 vị trí để thực hiện giám sát các sinh viên Trung Quốc ở Mỹ, việc Bộ Ngoại giao quy định hạn chế các nhân viên cơ quan thực thi pháp luật và con cái họ nhập cảnh Mỹ lại bị Trung Quốc coi là một bước thụt lùi nghiêm trọng trong việc trao đổi nhân viên giữa hai nước.
Sinh viên Trung Quốc hiện chiếm khoảng 35% tổng số sinh viên quốc tế du học tại Mỹ, mang lại đóng góp kinh tế 15,9 tỷ USD trong năm học trước. Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ (ACE) trích dẫn một nghiên cứu cho thấy tác động tích cực tổng thể của sinh viên quốc tế trong năm học 2019-20 đã giảm đi 1,8 tỷ USD so với 40,5 tỷ USD của năm học trước.