Cuộc đổ bộ tỉ USD
Cuối tháng 11 vừa qua, theo một bài viết do Hãng tin Nikkei đăng tải về cơ hội TPP từ VN, nhà sản xuất gia công giày lớn nhất thế giới là Công ty Pou Chen (Đài Loan) từ năm 2012 đến nay đã và đang từng bước chuyển cơ sở sản xuất sang VN. Ngoài Pou Chen, nhiều công ty Đài Loan khác cũng đang tích cực đầu tư vào VN, trong đó có cả đối thủ cạnh tranh của Pou Chen là Feng Tay. Hiện hơn 50% sản lượng của Feng Tay được sản xuất tại VN. Ngoài ra, hồi tháng 6 năm nay, Công ty Far Eastern New Century (FENC) cũng đã lên kế hoạch sẽ rót 307 triệu USD vào nhà máy sản xuất mới tại VN, dự kiến nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2016. Tính đến cuối quý 3/2015, lượng giày dép do Pou Chen sản xuất tại VN chiếm đến 42% tổng sản lượng giày của DN này trên thế giới, tăng 39% so cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt cũng đang chứng kiến nhiều cuộc đổ bộ của các tập đoàn dệt nhuộm hùng mạnh trên thế giới. Theo quy định, để hưởng miễn giảm thuế nhập khẩu, hàng hóa trao đổi giữa các nền kinh tế là thành viên TPP phải được sản xuất hoặc lắp ráp từ nguyên liệu, linh kiện do các nước trong TPP sản xuất. Cụ thể, tháng 9.2014, tập đoàn sản xuất hàng may mặc lớn của Mỹ là HanesBrands công bố đóng cửa nhà máy tại Costa Rica để chuyển sang VN. Tương tự, tập đoàn Hyosung, chuyên sản xuất và gia công các loại sợi và vải, là một trong nhiều DN đến từ Hàn Quốc được cấp phép đầu tư vào VN sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt - Hàn được ký kết. Hyosung đã bỏ gần 660 triệu USD để đầu tư tại VN. Theo thông tin từ trang web của tập đoàn, hơn 90% hàng hóa của DN này là xuất khẩu. Nhiều tập đoàn dệt nhuộm từ Đài Loan, Hồng Kông như: Mei sheng Textiles Vietnam (Đài Loan) cũng tuyên bố tăng vốn thêm 10 triệu USD, mở rộng đầu tư nhà máy thứ 7 tại VN; hai tập đoàn Onewoo và Panko (Hàn Quốc) đầu tư tổng cộng 36 triệu USD xây nhà máy dệt may tại VN...
Tranh thủ “mượn” vốn
Nhận xét về tình hình trên, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng sau khi TPP có hiệu lực thì cần tỉnh táo để thấy rằng, giá trị xuất khẩu của chúng ta trong tương lai sẽ rất lớn, nhưng giá trị gia tăng được tạo ra do chính người Việt làm và hưởng chỉ đạt chưa tới 20%. Chúng ta đang xuất khẩu “hộ” đến 80% giá trị cho các quốc gia khác khi đưa hàng vào thị trường Mỹ. Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định VN hiện phụ thuộc nguồn cung nguyên phụ liệu đến 60% từ Trung Quốc. Để hưởng ưu đãi từ TPP, nhiều DN đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc này xuống. Nhưng với hàng loạt nhà đầu tư từ Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông... đang ồ ạt chuyển công nghệ, lao động vào VN để lập xưởng sản xuất, gia công từ A đến Z... thì thực chất ta vẫn đang phụ thuộc họ. “Trong vai trò xuất khẩu “hộ” đó, phần lợi ích mà chúng ta hưởng từ một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực, lại rất ít”, bà Lan cảnh báo.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng VN nên nghiên cứu các chính sách phù hợp “mượn” nguồn vốn đầu tư này để phát triển kinh tế trong nước. TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, phân tích chúng ta vẫn còn thói quen chỉ nhìn nội bộ một ngành nào đó. Chẳng hạn, dệt may, cơ khí, da giày... lo lắng xuất khẩu hộ mà không nghĩ nguồn ngoại tệ cực lớn vào sẽ giúp chúng ta phát triển cả nền kinh tế từ sản xuất kinh doanh đến tiêu dùng. Nhưng để làm được điều đó, ông Thành khuyến cáo, bên cạnh yếu tố ưu đãi là cam kết của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải rõ ràng, chặt chẽ, minh bạch chứ không thể “nói suông” như trước. Tỷ lệ nội địa hóa phải gắn với chương trình đào tạo các DN vừa và nhỏ bởi khu vực này của VN hiện còn rất yếu và cần hỗ trợ thực từ khu vực FDI. Tương tự, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, VN cần quyết liệt hơn trong cam kết chuyển giao công nghệ. Bài học gần nhất là Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc đã học hỏi được nhiều từ cam kết chuyển giao công nghệ từ FDI.
Theo Thanh niên